Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày này năm xưa: 24/4

Thứ Tư, 24/04/2024 08:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 24/4/1972 là ngày Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh, nơi được Mỹ - Ngụy mệnh danh là “vành đai thép” ở Bắc Tây Nguyên. Chiến thắng này đã làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của Mỹ - Ngụy ở Tây Nguyên, mở rộng vùng giải phóng và cùng với chiến thắng Quảng Trị, miền Đông Nam Bộ tạo ra một cục diện mới, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari rút quân khỏi Việt Nam.

Sự kiện trong nước

- Ngày 24/4/1906: Ngày sinh Đồng chí Hà Huy Tập - Tổng Bí thư của Đảng từ 7/1936 đến 3/1938.

Đồng chí Tổng Bí thư Hà Huy Tập (24/4/1906 - 28/8/1941) với 35 tuổi đời, 16 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã có những đóng góp to lớn cho Đảng và cách mạng Việt Nam. Trong những năm cách mạng gặp muôn vàn khó khăn, đồng chí Hà Huy Tập đã cùng với tập thể BCH Trung ương lái con thuyền cách mạng vượt qua phong ba, bão táp, đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng tiến lên. Đặc biệt, sau cao trào 1930 - 1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh, phong trào cách mạng bị dìm trong biển máu,  đồng chí Hà Huy Tập đã góp phần tích cực vận động thành lập các tổ chức quần chúng, khôi phục lại các tổ chức Đảng ở cả 3 miền: Bắc, Trung, Nam; chuẩn bị Văn kiện Đảng, tổ chức Đại hội lần thứ nhất của Đảng thành công tốt đẹp; khôi phục, củng cố lại BCH Trung ương, đánh dấu bước phát triển mới quan trọng trong lịch sử của Đảng.

 Khu mộ Đồng chí Tổng Bí thư Hà Huy Tập. Ảnh: Nguyễn Ngọc Phú

Đồng chí Hà Huy Tập cũng là một trong những nhà lý luận chính trị xuất sắc của Đảng ta, đã soạn thảo nhiều văn kiện Đảng, viết sách, báo, tuyên truyền, giáo dục giác ngộ cách mạng cho các tầng lớp Nhân dân; là một đảng viên mẫu mực, luôn nêu cao phẩm chất, đạo đức cách mạng, có tình thương yêu giai cấp, yêu nhân dân sâu sắc, tin tưởng sắt đá vào tương lai tươi sáng của đất nước. Tài năng và phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản Hà Huy Tập là tấm gương bất diệt để những người cộng sản và toàn thể nhân dân Việt Nam học tập và noi theo.

- Ngày 24/4/1937, Với mục tiêu đòi tự do báo chí và vận động thành lập tổ chức báo chí thống nhất trên toàn quốc,  trên 200 người làm báo đã tới dự Hội nghị báo giới Bắc kỳ họp tại Hội quán thể thao (nay là Câu lạc bộ quân đội). Tại Hội nghị, Hải Triều đã trình bày việc thành lập một mặt trận thống nhất báo giới. Hội nghị đã cử ra một ban biên tập gồm 7 người (trong đó có Trần Huy Liệu, Đào Duy Kỳ, Nguyễn Đức Kính) và Uỷ ban quản trị (trong đó có Võ Nguyên Giáp, Phan Tử Nghĩa, Nguyễn Mạnh Chất). Các cơ quan này có nhiệm vụ giao thiệp với báo chí Trung Kỳ, và sẽ giải tán khi thực hiện được việc thành lập một tổ chức chung của báo chí cả nước. Cũng từ đây phong trào bị thực dân Pháp chú ý, kèm theo hàng loạt những cuộc khủng bố nhằm vào các tờ báo cách mạng, song mặt trận báo chí dân chủ vẫn trở nên sôi động làm thực dân Pháp lâm vào thế lúng túng.

- Ngày 24/4/1950: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với học viên khoá II Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc tại Việt Bắc. Trong lời phát biểu, Người đã chỉ ra một số thiếu sót của nhà trường trong việc giảng dạy và gợi ý về cách tổ chức để đạt kết quả tốt hơn. Người căn dặn các học viên: "Việc học không phải chỉ xem sách nhiều là được. Như vậy là lý luận suông. Phải kết hợp thực tiễn với lý luận, học đi đôi với trao đổi kinh nghiệm thực tế. Học phải tự giác và tự động". Người đặc biệt nhấn mạnh việc tu dưỡng phẩm chất của người cán bộ: "Cần, Kiệm, Liêm, Chính và gần gũi quần chúng, hai điểm ấy các đồng chí phải làm cho được. Như thế mới xứng đáng là người đảng viên, là người cách mạng".

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem một số sản phẩm của Nhà máy Dệt Nam Định sản xuất, ngày 24/4/1957. Ảnh tư liệu 

- Ngày 24/4/1957: Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Nhà máy dệt Nam Định. Tại đây, Bác nhắc nhở công nhân: “Mình là chủ phải làm thế nào cho xứng đáng là chủ. Phải theo gương công nhân các nước bạn yêu máy như yêu con, yêu nhà máy như nhà mình. Đó là làm chủ xứng đáng. Cái gì lợi cho nhà máy là ích lợi cho mình, cái gì hại cho nhà máy là hại cho nhà mình. Đó là thái độ của người làm chủ, làm chủ nước nhà, làm chủ nhà máy”, “Chế độ làm khoán là một điều kiện của chủ nghĩa xã hội, nó khuyến khích người công nhân luôn luôn tiến bộ, cho nhà máy tiến bộ. Làm khoán là ích chung và lại lợi riêng”. 

Do đó, Bác căn dặn cán bộ công nhân phải đoàn kết, cố gắng học tập chính trị, kỹ thuật học hỏi lẫn nhau hoàn thành vượt mức kế hoạch của Nhà nước, làm tròn nhiệm vụ của Đảng, Chính phủ và nhân dân, góp phần thiết thực vào công cuộc củng cố miền Bắc, làm hậu thuẫn vững chắc cho miền Nam, đấu tranh thống nhất nước nhà. Những lời dặn dò, chỉ bảo ân cần của Bác là nguồn động lực, niềm tin để cán bộ và công nhân viên Nhà máy cố gắng phấn đấu vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm, hoàn thành kế hoạch sản xuất giữ gìn và xây dựng nhà máy càng lớn mạnh phục vụ cho sự nghiệp phát triển của đất nước.

- Ngày 24/4/1972: Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh: Thực hiện chủ trương chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, các đơn vị của ta đã quyết định mở chiến dịch Xuân - Hè 1972 nhằm "Tiêu diệt địch, giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh, có điều kiện thì giải phóng thị xã Kon Tum. Hướng phát triển có thể là hướng Plei Ku; có điều kiện thì mở rộng vùng giải phóng phía tây Plei Ku, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, hình thành căn cứ địa hoàn chỉnh nối liền với căn cứ địa miền Đông Nam Bộ". 

Đảng bộ Kon Tum đã huy động tối đa lực lượng bộ đội địa phương, du kích, dân công phối hợp cùng bộ đội chủ lực B3 Và Khu V tham gia chiến dịch. Đúng 11 giờ trưa ngày 24/4/1972, lá cờ giải phóng do Tỉnh uỷ Kon Tum trao cho Trung đoàn 66 được các chiến sỹ ta mang vào trận đánh, cắm tung bay trên đỉnh trung tâm căn cứ địch, báo tin giải phóng. Cụm phòng ngự Đăk Tô - Tân Cảnh, nơi được Mỹ - Ngụy mệnh danh là “vành đai thép” ở Bắc Tây Nguyên bị quân ta tiêu diệt gọn.

 Xe tăng của Tiểu đoàn xe tăng 297 (Mặt trận Tây Nguyên) xuất kích trong trận Đắk Tô - Tân Cảnh (năm 1972). Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh đã làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của Mỹ - Ngụy ở Tây Nguyên, mở rộng vùng giải phóng và cùng với chiến thắng Quảng Trị, miền Đông Nam Bộ tạo ra một cục diện mới trên chiến trường miền Nam, góp phần đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, “Học thuyết Nich Xơn” ở Đông Dương, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari rút quân khỏi Việt Nam.

- Ngày 24/4/2010: Khánh thành cầu Cần Thơ. Đây là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất khu vực Đông Nam Á và cũng là cây cầu lớn cuối cùng nối xuyên suốt hệ thống cầu đường trên tuyến QL 1 - trục giao thông quan trọng nhất ở Việt Nam hiện nay. Cây cầu không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn có ý nghĩa về chính trị, văn hóa, quốc phòng cho khu vực Đồng bằng sông Cử Long, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế các tỉnh phía nam sông Hậu, nơi có hơn chục triệu người sinh sống.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 24/4/1970, Trung Quốc phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên Đông Phương Hồng 1, từ trung tâm phóng Tửu Tuyền ở tỉnh Cam Túc. Khi đó, đây là cột mốc quan trọng trong ngành hàng không vũ trụ của quốc gia này và đánh dấu bước đột phá lớn trong lĩnh vực hàng không vũ trụ

- Ngày 24/4/1976:  Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Cộng hòa Costa Rica../.

 

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN