Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày này năm xưa: 24/3

Chủ Nhật, 24/03/2024 08:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 24/3/1975, thị xã Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam cũ) được giải phóng. Sự kiện này trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, quân và dân Quảng Nam, đánh dấu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi hoàn toàn trên quê hương đất Quảng.

Sự kiện trong nước

* Ngày 24/3/1926, nhà ái quốc Phan Chu Trinh qua đời và dấy lên phong trào để tang ông.

Phan Chu Trinh (Phan Châu Trinh) hiệu là Tây Hồ, là nhà thơ, nhà văn và là chí sĩ thời cận đại trong lịch sử Việt Nam. Ông sinh ngày 09/09/1872 tại Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Ông là nhà thơ, nhà văn, nhà yêu nước đầu thế kỷ 20, chủ tướng của phong trào Duy Tân và là người có công lớn trong việc lập Đông kinh Nghĩa thục, là nhà hoạt động chính trị xuất sắc, người Việt Nam đầu tiên đề xướng Thuyết Dân quyền trước công luận nước ta.

Ngày 24/3/1926, Phan Chu Trinh qua đời tại Sài Gòn. Đám tang ông được cử hành trọng thể với hơn 140.000 người tham dự. Đây được coi là một cuộc biểu dương lực lượng thể hiện tinh thần yêu nước chống thực dân Pháp không phải chỉ của mười mấy vạn người ở Sài Gòn, mà là của hàng triệu đồng bào cả nước.

 Ngày 24/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Ấn Độ Rajendra Prasad đến thăm Nhà máy Chế tạo máy công cụ số 1 Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

* Ngày 24/3/1959, Hồ Chủ tịch cùng với Tổng thống Ấn Độ, ông Ragiăngđơra Praxát đến thăm nhà máy cơ khí Hà Nội, xã Định Công (huyện Thanh Trì), trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, chùa Quán Sứ và chùa Một Cột. Hiện nay, cạnh chùa Một Cột còn một cây bồ đề do Tổng thống Ấn Độ tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

* Ngày 24/3/1963, phong trào “Thi đua làm nghìn việc tốt, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, giành danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ”, gọi tắt là “Nghìn việc tốt” được phát động tại Trường cấp II Liên Sơn (nay là Trường THCS Tam Sơn, TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), bắt nguồn từ sáng kiến của thầy Tổng phụ trách đội Nguyễn Đức Thìn. Chỉ sau hơn 2 tháng phát động, phong trào nhanh chóng lan rộng ra toàn miền Bắc, được đông đảo các em nhỏ hưởng ứng nhiệt tình. Đến những năm 1970, phong trào “Nghìn việc tốt” không chỉ được nhân rộng trên tất cả các trường học của Việt Nam, mà còn được nhiều quốc gia khác sang học hỏi kinh nghiệm.

Trải qua hơn 60 năm, phong trào “Nghìn việc tốt” đến nay đã trở thành một trong những phong trào tiêu biểu của thiếu nhi cả nước, được cụ thể hóa và bổ sung bằng nhiều phong trào bổ trợ khác như: “Kế hoạch nhỏ”, “Đôi bạn cùng tiến”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Nuôi heo đất nối vòng yêu thương”, “Áo lụa tặng bà”… Qua đó đã góp phần hình thành ý thức, thói quen làm việc tốt, giúp thiếu nhi phát triển toàn diện, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ.

 Thiếu nhi Bình Thuận thi đua chào mừng kỷ niệm 60 năm phong trào "Nghìn việc tốt". Ảnh: Ngọc Hân

* Ngày 24/3/1966, đến thăm và nói chuyện với Đại hội thi đua bảo đảm giao thông vận tải quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Bác căn dặn: “Bây giờ, chiến tranh của ta là chiến tranh gì? Đó là chiến tranh Nhân dân. Vì vậy, giao thông vận tải cũng là giao thông vận tải Nhân dân... Giao thông vận tải là một mặt trận. Vì vậy, mỗi công nhân, thanh niên trong ngành Giao thông Vận tải phải là một chiến sĩ. Phải quyết tâm làm cho giao thông vận tải thắng lợi. Giao thông vận tải thắng lợi tức là chiến tranh đã thắng lợi phần lớn rồi”.

* Ngày 24/3/1967: Ngày thành lập Sư đoàn không quân 371, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ).

Ngày 24/03/1967, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký quyết định số 014/QĐ-QP thành lập Bộ Tư lệnh Không quân thuộc Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ. Trải qua 55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn đã kế thừa và phát huy xứng đáng truyền thống “Quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, góp phần tô thắm và viết tiếp trang sử vàng truyền thống “Trung thành vô hạn, tiến công kiên quyết, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể” của Không quân nhân dân Việt Nam. Lớp lớp cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn luôn tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và sự nghiệp cách mạng của Đảng, không sợ hy sinh gian khổ, không tiếc mồ hôi xương máu; chiến đấu dũng cảm, kiên cường vượt qua mọi khó khăn thử thách, rèn luyện để trưởng thành và không ngừng phát triển.

* Ngày 24/3/1975, thị xã Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam cũ) được giải phóng.

Sáng ngày 24/3/1975, các cánh quân tiến vào thị xã Tam Kỳ trong khí thế quyết chiến quyết thắng. Đúng 10 giờ 30 phút sáng ngày 24/3/1975, lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tung bay trên nóc nhà Tỉnh đường Quảng Tín. Tam Kỳ trở thành Tỉnh lỵ đầu tiên trên dãi đất duyên hải miền Trung được giải phóng. Ngày 26/3/1975, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã hoàn toàn giải phóng.

Sự kiện ngày 24/3/1975 trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, quân và dân Quảng Nam, đánh dấu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi hoàn toàn trên quê hương đất Quảng. Thắng lợi lịch sử ấy là thành quả của quá trình đấu tranh cách mạng kiên cường, là thắng lợi của tinh thần chiến đấu quả cảm, mưu trí sáng tạo, hi sinh quên mình của quân và dân xứ Quảng với sự lãnh đạo kịp thời, thường xuyên của Trung ương và sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam.

 Các chiến sĩ  Quân giải phóng nói chuyện với Nhân dân Tam Kỳ trên đường giải phóng thị xã Tam Kỳ. Ảnh tư liệu

Sự kiện quốc tế

* Ngày 24/3: Ngày Thế giới phòng chống lao. Vào ngày 24/3/1882 tại Berlin, Bác sĩ - nhà sinh học người Đức Robert Koch tuyên bố khám phá ra Mycobacterium tuberculosis, vi khuẩn gây bệnh lao, mở ra con đường chẩn đoán và chữa khỏi căn bệnh này.

Ngày Thế giới Phòng chống lao được tổ chức vào ngày 24/3 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lao tới sức khỏe con người, kinh tế và xã hội; đồng thời thúc đẩy nỗ lực chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu.

* Ngày 24/3/1998, Liên minh châu Âu công bố 11 quốc gia thành viên đủ điều kiện tham gia vào khối đồng tiền chung châu Âu euro, đồng tiền sẽ được sử dụng thay thế cho đồng tiền riêng của các quốc gia./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN