Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày này năm xưa: 23/4

Thứ Ba, 23/04/2024 08:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 23/4/1975, tỉnh Bình Tuy được hoàn toàn giải phóng. Chiến thắng này cùng với các đợt tiến công tiêu diệt địch ở Phan Rang, Phan Thiết, Hàm Tân, giải phóng các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, đã góp phần quan trọng làm thất bại biện pháp phòng ngự từ xa của địch ở hướng đông bắc Sài Gòn.

Sự kiện trong nước

- Ngày 23/4/1959: Ngày truyền thống Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng (BĐBP). Vào ngày này, Bộ Công an ra Nghị định số 153/NĐ-CA quyết định thành lập 4 cục, gồm: Cục Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Trinh sát và Cục Hậu cần thuộc Ban chỉ huy CANDVT Trung ương; cùng ngày Bộ Công an cũng ra Nghị định số 154/NĐ-CA thành lập 5 phòng thuộc Cục Chính trị, gồm: Phòng Cán bộ, Phòng Tổ chức, Phòng Tuyên huấn, Phòng Dân vận và phòng Bảo vệ. Từ đó, ngày 23 tháng 4 hàng năm trở thành ngày truyền thống của Cục Chính trị CANDVT (nay là Cục Chính trị BĐBP).

Cục Chính trị BĐBP nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì của Chủ tịch nước tặng nhân  kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống, ngày 23/4/2019. Ảnh: Phương Thanh

Với chức năng là cơ quan đảm nhiệm công tác đảng, công tác chính trị trong BĐBP, thời gian qua, Cục Chính trị luôn luôn đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể trong từng giai đoạn, góp phần quan trọng đảm bảo cho công tác lãnh đạo của Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh xây dựng lực lượng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp uỷ, tổ chức đảng, nâng cao sức mạnh tổng hợp của toàn lực lượng. Qua đó, góp phần quan trọng giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong BĐBP; giữ vững và không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng trong BĐBP; xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện.

- Ngày 23/4/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chào mừng Hội nghị các nhà báo Á-Phi và chào mừng Liên đoàn Thanh niên Dân chủ Thế giới nhân Ngày Thanh niên thế giới chống chủ nghĩa thực dân và đấu tranh chung sống hòa bình. Trong thư gửi tổ chức nhà báo, Bác viết: “Trong lúc các dân tộc châu Á, châu Phi, châu Mỹ la-tinh đang anh dũng đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc thực dân, để bảo vệ độc lập dân tộc và hoà bình, các nhà báo Á-Phi đoàn kết chặt chẽ, dùng ngòi bút chính nghĩa của mình phục vụ cuộc đấu tranh cho tự do, cho chân lý, cho tương lai tươi sáng của loài người, là một nhiệm vụ cực kỳ vẻ vang”.

Còn trong điện gửi cho Liên đoàn Thanh niên Dân chủ được ký là “Bác Hồ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “Chúc các bạn đạt được nhiều thắng lợi to lớn trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân, để giành lấy và giữ gìn độc lập dân tộc và hòa bình thế giới, để thực hiện sự hợp tác anh em giữa tất cả các dân tộc. Các bạn hãy tăng cường thống nhất, đoàn kết để bảo đảm thắng lợi và tương lai tươi sáng của thế hệ trẻ.”

- Ngày 23/4/1975, tỉnh Bình Tuy được hoàn toàn giải phóng. Trong kháng chiến chống Mỹ, Bình Thuận chia làm hai tỉnh là Bình Thuận và Bình Tuy. Tỉnh Bình Tuy nằm giữa tỉnh Bình Thuận (phía Bắc), tỉnh Long Khánh (phía Nam) và tỉnh Lâm Đồng (phía Tây).

Ngày 20/4/1975, Bộ Tư lệnh Quân khu 6 quyết định thành lập Ban Chỉ huy giải phóng tỉnh Bình Tuy. Lực lượng vũ tham gia gồm một số đơn vị thuộc Trung đoàn 812 (Quân khu 6), Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) và lực lượng vũ trang địa phương tỉnh Bình Tuy. 

19 giờ ngày 22/4, Quân giải phóng đồng loạt nổ súng đánh chiếm quận lỵ và chi khu Hàm Tân; tiểu khu, tòa hành chính tỉnh và các vị trí khác trong thị xã tỉnh lỵ La Gi. Một mũi tiến công khác vượt biển ra đánh giữ đảo Hòn Bà (cách đất liền 2km). Đến 12 giờ ngày 23/4/1975, phần đất còn lại của Quân khu 6, tỉnh Bình Tuy hoàn toàn giải phóng.

 Một đơn vị thuộc Trung đoàn 812 (Quân khu 6) trước giờ ra trận giải phóng Bình Tuy.

Ảnh tư liệu.

Với thắng lợi của cuộc hành quân thần tốc, đột phá mở đường vào phía Nam, tiến công tiêu diệt địch ở Phan Rang, Phan Thiết, Hàm Tân, giải phóng các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy, các lực lượng vũ trang của ta đã góp phần quan trọng làm thất bại biện pháp phòng ngự từ xa của địch ở hướng đông bắc Sài Gòn.

Cùng trong ngày ngày 23/4/1975, trong một bài phát biểu được truyền hình trực tiếp tại Đại học Tulane, bang New Orleans, Tổng thống Mỹ Gerald Ford tuyên bố: "Đối với Mỹ, chiến tranh Việt Nam đã kết thúc".

Với nhiều nhà quan sát lúc bấy giờ, tuyên bố của Tổng thống Ford cho thấy, Washington không còn muốn dính líu đến một cuộc chiến đã kéo quá dài, gây quá nhiều tốn kém và từng có lúc tạo sự chia rẽ ngay trong chính nội bộ nước Mỹ. Một số ý kiến khác lại cho rằng, đó có thể là lời thú nhận thất bại cay đắng của lãnh đạo Nhà Trắng đối với sự can thiệp của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 23/4/1564: Ngày sinh của đại thi hào William Shakespeare, một trong những văn hào vĩ đại nhất của nhân loại, là tác giả tiêu biểu nhất trong thời kỳ văn hóa phục hưng châu Âu. Ông là người viết nên các tác phẩm bất hủ như: “Romeo và Juliet”, “Giấc mộng đêm hè”, “Hamlet”, “Othello”, “Vua Lear”, “Macbeth”… Đã gần 400 năm sau khi Shakespeare qua đời nhưng tầm ảnh hưởng của ông đối với văn hóa Anh cũng như đối với lĩnh vực sân khấu - kịch nghệ của nhiều nước trên thế giới vẫn còn hiện diện rất rõ nét.

- Ngày 23/4/1967: Tàu vũ trụ Soyuz 1 của Liên Xô được phóng vào quỹ đạo, đem theo nhà du hành vũ trụ Vladimir Komarov. Đây là được coi là chuyến đi mang sứ mệnh không gian lịch sử nhân kỷ niệm 50 năm Cách mạng Nga 1917. Tuy nhiên chuyến du hành vũ trụ này không diễn ra suôn sẻ, tàu Soyuz 1 khi trở về đã rơi xuống mặt đất và phát nổ. Vụ rơi này đã cướp đi sinh mạng của phi hành gia Vladimir Komarov.

Năm 1971, một tấm biển tưởng niệm và tác phẩm điêu khắc có tên “Fallen Astronaut” (Nhà du hành bị rơi) được đặt lại trên Mặt Trăng để tưởng nhớ Komarov và 13 nhà du hành vũ trụ của Liên Xô và Mỹ đã thiệt mạng khi làm nhiệm vụ.

- Ngày 23 tháng 4: Ngày Sách và Bản quyền Thế giới. Trong kỳ họp lần thứ 28 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc tại Paris (ngày 25/10 – 16/11/1995), Tổ chức văn hoá, giáo dục, khoa học Liên hợp quốc (UNESCO) đã quyết định chọn ngày 23/4 hàng năm làm “Ngày sách và bản quyền thế giới”(World Book and Copyright Day). 

Ngày này được tổ chức hàng năm tại mỗi quốc gia nhằm bảo đảm cho mọi người khám phá và thỏa mãn sở thích đọc của mình, đồng thời là dịp để tôn vinh những tác giả đã có nhiều đóng góp cho sự tiến bộ văn hóa, văn minh xã hội của nhân loại. Đây cũng là dịp thể hiện sự hợp tác, hợp lực giữa các tác giả, các nhà xuất bản, trường học, các thư viện, các cơ quan Nhà nước, công ty tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tổ chức lễ kỷ niệm về sách và các tác giả./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN