Ngày này năm xưa: 23/3
(ĐCSVN) - Ngày 23/3/1961, Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ ba của Đoàn họp tại Hà Nội. Đại hội diễn ra từ ngày 23-25/3/1961. Được sự đồng ý của Bộ Chính trị và Bác Hồ, Đại hội đã quyết định lấy ngày 26/3/1931 là Ngày thành lập Đoàn.
Sự kiện trong nước
* Ngày 23/3/1951: Ngày bắt đầu chiến dịch Hoàng Hoa Thám. Chiến dịch Hoàng Hoa Thám là một trong những cuộc tiến công lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam vào khu vực Hải Phòng thuộc đồng bằng Bắc Bộ do quân Liên hiệp Pháp kiểm soát. Đây một trong 3 chiến dịch quân sự tiến công địch với quy mô lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam trong giai đoạn 1950-1951.
Chiến dịch bắt đầu từ đêm 23 tháng 3 năm 1951 và kết thúc ngày 5 tháng 4 năm 1951. Thắng lợi của chiến dịch không chỉ tiêu hao sinh lực đối phương mà còn phá tan kế hoạch “chấn chỉnh phòng ngự” của Pháp, đồng thời phát triển mạnh phong trào chiến tranh du kích tại các vùng tạm chiếm trong cả nước. Chiến thắng của quân ta tại chiến dịch này đã chứng minh sự trưởng thành vượt bậc, đủ sức và chủ động mở các chiến dịch đánh địch trên mọi mặt trận tạo ra thế và lực mới cho cách mạng Việt Nam.
Được sự đồng ý của Bộ Chính trị và Bác Hồ, Đại hội Đoàn lần thứ III đã quyết định lấy ngày 26/3/1931 là ngày thành lập Đoàn. Ảnh tư liệu. |
* Ngày 23/3/1961: Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ ba của Đoàn họp tại Hà Nội. Đại hội diễn ra từ ngày 23-25/3/1961. Dự Đại hội có 677 đại biểu đại diện cho một triệu đoàn viên thanh niên trong cả nước. Được sự đồng ý của Bộ Chính trị và Bác Hồ, Đại hội đã quyết định lấy ngày 26/3/1931 là Ngày thành lập Đoàn.
Đại hội đã phát động phong trào “Xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất” (1961 - 1965). Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đoàn gồm 71 đồng chí, đồng chí Nguyễn Lam tiếp tục được bầu lại làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn. Sau Đại hội, đồng chí Nguyễn Lam được Đảng điều động nhận nhiệm vụ mới, đồng chí Vũ Quang được cử làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn.
* Ngày 23/3/1963, Bác họp Bộ Chính trị bàn về việc thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Trong ý kiến phát biểu, Người nhấn mạnh: “Làm kế hoạch phải can đảm nhưng phải cẩn thận, chỉ đạo phải tập trung vào trọng điểm. Cần nói rõ thắng lợi và cả khó khăn để quyết tâm tự lực cánh sinh; dĩ nhiên không quên sự giúp đỡ của bạn. Cần phải chú ý hơn công tác giáo dục tư tưởng và phải nhấn mạnh vấn đề sản xuất. Nông nghiệp ta còn nhiều khó khăn, cố gắng mà chủ động. Ta có người, có đất thì có của. Dân ta rất tốt. Đảng nói gì, họ nghe nấy. Vấn đề đòi hỏi ở ta là phải tổ chức cho tốt, quản lý cho tốt. Hai cuộc vận động làm khẩn trương nhưng không nên vội. Làm ở đâu phải tốt ở đó để làm gương cho chỗ khác, làm sao củng cố các chi bộ cho tốt. Phải có chính sách giải quyết số cán bộ, công nhân già trong các cơ sở sản xuất, cơ quan, đưa lực lượng trẻ vào thì năng suất mới cao. Trung ương phải có ban nghiên cứu: Ai đi trước, ai đi sau. Phải có chính sách hợp tình hợp lý để người già sẵn sàng nhường chỗ cho người trẻ tiến lên...”.
* Ngày 23/3/1973, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cộng hòa Italia quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao. Kể từ khi Việt Nam và Italy thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ chính trị giữa hai nước được củng cố và phát triển nhanh chóng. Đặc biệt, kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược vào tháng 1/2013, hai nước tích cực thúc đẩy hợp tác thiết thực và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, kinh tế, khoa học, giáo dục, quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường, kết nối địa phương... Năm 2023, hai nước đã kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2023) và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Cũng trong năm 2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Italia nhằm thúc đẩy tin cậy chính trị và tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Italia.
* Ngày 23/3/1975: Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước. Ngày 23/3/1975, trung tâm tỉnh lỵ Bình Long, nơi đặt bộ máy chính quyền đầu não của Mỹ - Ngụy sụp đổ toàn diện, Bình Phước được giải phóng hoàn toàn. Sự kiện này đã đánh dấu mốc lịch sử đặc biệt quan trọng trong cuộc đấu tranh của dân và quân Bình Phước cùng với cả nước làm nên cuộc tổng tiến công và nổi dậy đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Tháng 4/2015, Tỉnh ủy Bình Phước đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của các nhân chứng lịch sử, của các nhà khoa học, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh để xác định ngày giải phóng tỉnh Bình Phước. Từ kết quả Hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghiên cứu, thảo luận đi đến thống nhất chọn ngày 23/3/1975 ngày giải phóng quận An Lộc - trung tâm hành chính của Tỉnh Bình Long làm ngày giải phóng tỉnh Bình Phước
Pano tuyên truyền kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước. Ảnh: Ngọc Nhật |
Sự kiện quốc tế
* Ngày 23/3: Ngày Khí tượng Thế giới. Ngày Khí tượng Thế giới là sự kiện thường niên của Liên Hợp Quốc, được tổ chức hàng năm để ghi nhớ việc thành lập Tổ chức Khí tượng Thế giới vào ngày 23/3/1920.
Ngày Khí tượng thế giới 23 tháng 3 năm 2024 được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) phát động với chủ đề là “At the frontline of climate action” - “Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu”. Qua đó, có thể thấy những nỗ lực dự báo, cảnh báo sớm và chủ động hành động vì khí hậu là vấn đề toàn cầu nhằm tăng cường khả năng phục hồi và ứng phó rủi ro thiên tai, đẩy mạnh giảm phát thải khí nhà kính góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu; đồng thời tiếp tục tăng cường năng lực, nhận thức của đội ngũ cán bộ các cấp, tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho cộng đồng nhằm chủ động các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
* Ngày 23/3/2001, Trạm vũ trụ Hòa Bình chấm dứt sứ mệnh lịch sử. Trạm vũ trụ Hòa Bình (hay Trạm vũ trụ Mir) là một trong những biểu tượng của thành tựu nghiên cứu vũ trụ của Liên Xô. Đây là trạm nghiên cứu đầu tiên theo kiểu modular được phóng lên vũ trụ, chuyên chú vào các thí nghiệm khoa học phục vụ mục đích hòa bình và sự phát triển của con người.
Trong suốt 15 năm hoạt động, vượt thời gian tính toán của các kỹ sư thiết kế hơn 10 năm, đã có 23.000 thí nghiệm khoa học, 24 chương trình quốc tế về nghiên cứu khoa học - kỹ thuật được tiến hành trên Trạm, trong đó hàng nghìn công trình nghiên cứu, phát minh đã và đang được ứng dụng vào thực tiễn, đem lại nhiều lợi ích cho cuộc sống con người. Sau khi chấm dứt hoạt động, Trạm vũ trụ Hòa bình đã được điều khiển để rơi xuống vùng biển Nam Thái Bình Dương./.