Ngày này năm xưa: 16/3
(ĐCSVN) - Ngày 16/3/1968, tại Quảng Ngãi, các đơn vị lính Lục quân Hoa Kỳ đã thảm sát hàng loạt người dân vô tội, cướp đi sinh mạng của 504 thường dân Sơn Mỹ, trong đó phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em.
Sự kiện trong nước:
- Ngày 16/3/1961, Bác Hồ thăm Nhà máy Cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng) lá cờ đầu của công nghiệp miền Bắc.
- Ngày 16/3/1968, tại thôn Mỹ Lai, thuộc xã Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi), các đơn vị lính Lục quân Hoa Kỳ đã thảm sát hàng loạt người dân vô tội, cướp đi sinh mạng của 504 thường dân Sơn Mỹ, trong đó phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em.
Lính Mỹ đốt nhà và tàn sát người dân vô tội trong chiến xâm lược Việt Nam (ảnh Tư liệu) |
Vụ thảm sát đã gây chấn động dư luận thế giới về tội ác mà quân đội Mỹ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam và đã tạo nên làn sóng phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam ngay trên đất Mỹ và thế giới.
- Ngày 16/3/1975, toàn bộ lực lượng quân Ngụy ở Kon Tum, Pleiku gồm các liên đoàn biệt động quân số 6, 7, 23, 25; các trung đoàn thiết giáp số 3, 9, 21 và cơ quan bộ tư lệnh quân đoàn 2, sư đoàn 6 không quân rút chạy theo đường 7 về Phú Yên. Lần đầu tiên trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương và trong phạm vi một chiến dịch, một quân đoàn địch được trang bị hiện đại đã phải rút bỏ một địa bàn chiến lược quan trọng.
- Ngày 16/3/1981, khánh thành Bệnh viện trẻ em Việt Nam - Thụy Điển tại Hà Nội (nay là Bệnh viện Nhi Trung ương) - Công trình do Chính phủ Thụy Điển viện trợ. Đây là trung tâm chữa bệnh và nghiên cứu các bệnh trẻ em ở tuyến cao nhất trong cả nước. Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 9/1975, khi khánh thành và đưa vào sử dụng, bệnh viện có trên 500 giường đến nay đã phát triển hơn nhiều.
- Ngày 16/3/2016, Việt Nam - Lào hoàn thành hệ thống mốc quốc giới. Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng có chung đường biên giới dài khoảng 2.340km, trải dài suốt 10 tỉnh của Việt Nam từ Điện Biên đến Kon Tum. Ðây là đường biên giới trên bộ dài nhất của Việt Nam với một nước láng giềng. Từ năm 2008, hai bên đã triển khai tôn tạo và cắm mới 1.002 cột mốc và cọc dấu trên toàn tuyến biên giới.
Sông băng trên núi Everest đang tan chảy với tốc độ nhanh hơn các nơi khác trên thế giới |
Sự kiện quốc tế:
- Ngày 16/3/2008, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) báo động về tốc độ tan chảy các dòng sông băng. Trên cơ sở đo độ dày các lớp băng từ 30 dòng sông băng nằm trong 9 dãy núi, UNEP kết luận trong khoảng thời gian 2004 - 2005 và 2005 - 2006, tỷ lệ băng tan trung bình đã tăng gấp đôi./.