Ngày này năm xưa: 16/2
(ĐCSVN) - Ngày 16/2/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 141/SL thành lập Cục Cảnh vệ từ một số chiến sỹ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo Trung ương. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng cảnh vệ. Sau này, ngày 16/2 được lấy là Ngày truyền thống của lực lượng cảnh vệ công an nhân dân.
Lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân nhận Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân nhân kỷ niệm 70 năm thành lập, ngày 16/2/2023 . (Ảnh: TXVN) |
Sự kiện trong nước
- Ngày 16/2/1962 tại Tân Biên (Tây Ninh), Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ I đã cử ra Ủy ban Trung ương chính thức gồm 52 đại biểu. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là ngọn cờ công khai đoàn kết, tập hợp, tổ chức, lãnh đạo các hoạt động đấu tranh trên cả ba mặt trận: quân sự, chính trị, ngoại giao.
- Ngày 16/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ thông báo về sự ra đời của nước Việt Nam độc lập, lên án chủ nghĩa thực dân Pháp và đưa ra thông điệp: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi, sau quá nhiều năm chịu sự cướp bóc và tàn phá, mới chỉ đang bắt đầu công cuộc xây dựng. Cần phải có an ninh và quyền tự do, trước hết là để đạt được phồn vinh và phúc lợi trong nước, và sau đó là góp phần nhỏ của mình vào việc xây dựng lại thế giới. An ninh và tự do chỉ có thể được bảo đảm bằng sự độc lập của chúng ta đối với bất kỳ một cường quốc thực dân nào, và bằng sự hợp tác tự nguyện của chúng ta với tất cả các cường quốc khác. Chính là với niềm tin vững chắc này mà chúng tôi yêu cầu Hợp chủng quốc với tư cách là những người bảo vệ và những người bênh vực công lý thế giới, thực hiện một bước quyết định ủng hộ nền độc lập của chúng tôi”. Đây là văn kiện mang tính nhà nước đầu tiên trong lịch sử quan hệ Việt - Mỹ.
- Ngày 16/2/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 141/SL thành lập Cục Cảnh vệ từ một số chiến sỹ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo Trung ương. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng Cảnh vệ. Sau này, ngày 16/2 được lấy là Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân.
Trong bảy thập kỷ qua, trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ cũng như trong thời kỳ hòa bình, đổi mới và xây dựng đất nước, lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh. Các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Cảnh vệ luôn tỏ rõ bản lĩnh kiên định, vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, kiên cường, mưu trí vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, anh dũng trong công tác, chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Bác Hồ trồng cây đa trên đồi Đồng Váng, thôn Yên Bồ, xã Vật Lại, huyện Ba Vì, ngày 16/2/1969 (tức ngày mùng Một Tết Kỷ Dậu).Ảnh: Tư liệu |
- Ngày 16/2/1969 (tức sáng mùng 1 Tết Kỷ Dậu): Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng đến thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Phòng không - Không quân tại sân bay Bạch Mai, Hà Nội. Tại Hội trường lớn, Người đã gặp gỡ, nói chuyện với đại biểu các anh hùng, chiến sĩ thi đua, đại biểu các đơn vị có thành tích trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Cùng ngày, Người đến thăm và chúc Tết nhân dân xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Tây (Hà Nội ngày nay). Người cùng nhân dân xã Vật Lại khai xuân trồng cây trên đồi của xã. Buổi trưa, dưới bóng cây bạch đàn trên đồi Vật Lại, Người thân mật nói chuyện và chúc Tết nhân dân địa phương.
Cây đa ở Vật Lại là cây cuối cùng do Bác trồng đã trở thành kỷ vật thiêng liêng, niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, nhân dân Vật Lại nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Người dân xã Vật Lại luôn coi cây đa là biểu tượng được "rợp mát trong tình thương của Người".
Sự kiện quốc tế
- Ngày 16/2/1959, Fidel Castro tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Cuba sau khi đánh đổ chế độ độc tài Fulgencio Batista, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do và phát triển cho quốc gia vùng Caribe này.
- Ngày 16/2/2005, Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu chính thức có hiệu lực. Nghị định là một bước ngoặt trong lịch sử khi đàm phán về vấn đề khí hậu. Theo Chương trình khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) thì có 192 bên tham gia Nghị định thư Kyoto. Và văn bản này vận hành các công ước UNFCCC bằng cách cam kết các nước công nghiệp hạn chế, giảm phát thải khí nhà kính, được xác định cụ thể cho từng nước, nhằm làm giảm sự nóng lên toàn cầu. Việt Nam ký Nghị định thư ngày 3/12/1998 và phê chuẩn vào ngày 25/9/2002./.