Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày này năm xưa: 11/2

Chủ Nhật, 11/02/2024 08:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Ngày 11/2/1951: Ngày khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Đại hội họp 19 ngày, từ ngày 11 đến ngày 19 tháng 2/1951. Đại hội đã quyết nghị đưa Đảng ra hoạt động công khai với tên gọi mới là Đảng Lao động Việt Nam, thông qua Chính cương, Tuyên ngôn và Điều lệ mới của Đảng.

Sự kiện trong nước

- Ngày 11/2/1951: Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Đại hội họp tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức, 53 đại biểu dự khuyết thay mặt cho hơn 766.000 đảng viên trong toàn Đảng. Đến dự Đại hội còn có đại biểu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Thái Lan.

Quang cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II họp từ ngày 11-19/2/1951 tại
xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang (Ảnh tư liệu BTLSQG) 

Sau diễn văn khai mạc của Tôn Đức Thắng, Đại hội đã nghiên cứu và thảo luận Báo cáo chính trị của Hồ Chí Minh, Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam của Trường Chinh, Báo cáo về tổ chức và Điều lệ Đảng của Lê Văn Lương và Báo cáo bổ sung về Mặt trận dân tộc thống nhất, chính quyền dân chủ nhân dân, Quân đội nhân dân, kinh tế tài chính và về văn nghệ. Ngoài ra còn một số tham luận khác.

Đại hội đã họp 19 ngày, từ ngày 11 đến ngày 19 tháng 2/1951. Đại hội đã quyết nghị đưa Đảng ra hoạt động công khai với tên gọi mới là Đảng Lao động Việt Nam, thông qua Chính cương, Tuyên ngôn và Điều lệ mới của Đảng.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 19 uỷ viên chính thức. Ban Chấp hành đã cử ra Bộ Chính trị gồm có bảy uỷ viên chính thức: Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Chí Thanh và một uỷ viên dự khuyết là Lê Văn Lương. Chủ tịch Đảng là Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư là Trường Chinh.

- Ngày 11/2/1974: Khai mạc Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ III. Đại hội họp từ ngày 11 – 14/2/1974, tại Hội trường Ba Đình - Hà Nội. Tham dự Đại hội có 600 đại biểu (100 đại biểu dự khuyết) thay mặt cho hơn 1 triệu đoàn viên công đoàn và công nhân, viên chức cả nước. Đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Tôn Đức Thắng Chủ tịch nước, đồng chí Phạm Văn Đồng - Thủ tướng Chính phủ đã đến dự Đại hội. Đại hội đề ra mục tiêu: “Động viên sức người, sức của chi viện cho chiến trường, tất cả để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”.

- Ngày 11/2/1976: Kho 858 (Quân chủng Hải quân) thành lập. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, thực hiện Quy hoạch kho quân khí chiến lược ở miền Nam, ngày 11/2/1976, Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật ra Quyết định số 30/QĐ-KT tách Kho đạn Đồng Bà Thìn thuộc Căn cứ liên hợp Cam Ranh, thành lập Kho 858 trực thuộc Cục Quân khí. Đầu năm 1980, Kho 858 trực thuộc Tổng kho 765, Cục Quân khí. Đến Ngày 23/11/1994, theo yêu cầu phát triển mới, Kho 858 được Bộ Quốc phòng điều về trực thuộc Cục Kỹ thuật Hải quân, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới. Năm 2004, Kho 858 được nâng cấp thành Kho cấp 1 chiến lược của Quân chủng Hải quân, giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong bảo đảm đạn dược, vật tư kỹ thuật cho Quân chủng và các đơn vị quân đội khu vực phía Nam Trung Bộ.

- Ngày 11/2/1984:  Ngày mất của đồng chí Khuất Duy Tiến - chiến sỹ cách mạng kiên cường, suốt đì vì dân, vì nước. Đồng chí Khuất Duy Tiến sinh năm 1910 tại ở xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây. Nǎm 1928, ông gia nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội hoạt động trong phong trào công nhân ở Nam Định, sau đó vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 3/1930, ông là Tỉnh uỷ viên Tỉnh uỷ Nam Định, tháng 11 nǎm đó là Uỷ viên thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ. Từ nǎm 1931 đến 1936 và từ tháng 9/1939 đến tháng 3/1945 ông bị đế quốc Pháp cầm tù. Ông nguyên là Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội, đại biểu Quốc hội khoá I.

Năm 2001 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định đặt tên đường Khuất Duy Tiến cho con đương nối từ ngã tư Trần Duy Hưng - Đại lộ Thăng Long đến đường Nguyễn Trãi thuộc quận Thanh Xuân.

Đường Khuất Duy Tiến đoạn qua Khu tập thể Thanh Xuân Bắc. (Ảnh:ITN)

- Ngày 11/02/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.Nghị quyết số 55-NQ/TW đưa ra mục tiêu tổng quát như: Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Ngành năng lượng phát triển hài hòa giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 11/2 là ngày Quốc khánh Nhật Bản, được tổ chức trên toàn quốc với nhiều lễ rước kiệu truyền thống, các hoạt động kỷ niệm thu hút đám đông tham gia chiêm ngưỡng. Đây là một ngày lễ quốc gia tại Nhật Bản để tưởng nhớ ngày Thiên hoàng đầu tiên của nước Nhật là Jimmu lên ngôi vào ngày 11/2/660 trước Công nguyên.

- Ngày 11/2 /1847: Ngày sinh của nhà phát minh khoa học Thomas Alva Edison. Ông được coi là một trong những nhà phát minh giàu ý tưởng nhất trong lịch sử, trong suốt cuộc đời cống hiến tận tụy của mình, Thomas Edison đã có tổng cộng 1.093 bằng sáng chế tại Mỹ dưới tên ông, cũng như các bằng sáng chế ở Anh, Pháp và Đức (tổng cộng lên tới 1.500 bằng sáng chế trên toàn thế giới) - một kỉ lục vô tiền khoáng hậu trong giới khoa học.  Những phát minh to lớn của ông như bóng đèn điện, máy hát, máy ghi âm, tàu điện, máy quay phim, hệ thống điện báo... đã đem đến cho nhân loại nhiều bước tiến quan trọng. Ông qua đời ngày 18/10/1931./.

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN