Ngày này năm xưa: 11/11
(ĐCSVN) - Ngày 11/11/1966 ghi dấu chiến công oanh liệt của quân dân Vĩnh Linh, Quảng Trị. Để bảo vệ quê hương, không cho đế quốc Mỹ thực hiện mưu đồ Bắc tiến, quân và dân Vĩnh Linh đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, chịu đựng hy sinh kiên cường bám trụ, chiến đấu anh dũng lập nên nhiều chiến công xuất sắc.
Sự kiện trong nước:
- Ngày 11/11/1940: Ngày mất của Hàn Mặc Tử, nhà thơ nổi tiếng, khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam. Ông tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh năm 1912 ở làng Lệ Mỹ, Đồng Hới, Quảng Bình. Ông làm thơ từ năm 16 tuổi lấy hiệu là Phong Trần rồi Lệ Thanh. Đến năm 1936, khi chủ trương ra phụ trương báo Saigon mới đổi hiệu là Hàn Mặc Tử . Các sáng tác tiêu biểu của Hàn Mặc Tử như “Lệ Thanh thi tập” (gồm toàn bộ các bài thơ Đường luật), “Gái quê” (1936, tập thơ duy nhất được xuất bản lúc tác giả chưa qua đời), “Thơ điên” (hay “Đau thương”, 1938)…
(Nhà thơ Hàn Mặc Tử. Ảnh: Wikipedia/baotintuc.vn) |
- Ngày 11/11/1951: Thành lập Đại học Thông tin liên lạc (Trường Sĩ quan Thông tin). Tiền thân là Trường Thông tin được thành lập ngày 11/11/1951 theo Quyết định số 132/QĐ của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Nhà trường có chức năng đào tạo sĩ quan, cán bộ thông tin cho Quân đội; đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học, cao đẳng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; giáo dục quốc phòng - an ninh cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng khu vực Nam Trung bộ; nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học kỹ thuật phục vụ giáo dục - đào tạo.
Với những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục đào tạo, Trường Sĩ quan Thông tin đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì và nhiều phần thưởng cao quý khác.
- Ngày 11/11/1966: Chiến công oanh liệt của quân dân Vĩnh Linh, Quảng Trị. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị - nơi dòng sông Bến Hải chia cắt giới tuyến chảy qua, được nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế ngợi khen là “tuyến lửa anh hùng”. Bởi Vĩnh Linh vừa là đầu cầu giới tuyến, vừa là tiền đồn miền Bắc xã hội chủ nghĩa và là hậu phương cho chiến trường miền Nam. Để bảo vệ quê hương, không cho đế quốc Mỹ thực hiện mưu đồ Bắc tiến, quân và dân Vĩnh Linh đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, chịu đựng hy sinh kiên cường bám trụ, chiến đấu anh dũng lập nên nhiều chiến công xuất sắc.
Bom đạn Mỹ xóa sổ làng mạc, nhưng người dân Vĩnh Linh không rời quê nhà nửa bước. Trong ảnh, người dân Vĩnh Linh khoác lên mình áo bện bằng rơm để chống mảnh bom, pháo trong quá trình lao động, sản xuất. (Ảnh: Trưng bày ở Khu bảo tàng địa đạo Vịnh Mốc/laodong.vn) |
Trong đó, ngày 11/11/1966, chiến công rực rỡ làm nức lòng đồng bào, chiến sĩ cả nước. Bác Hồ gửi thư khen ngợi, khích lệ quân và dân Vĩnh Linh. Thư Bác viết: “Ngày 11/11/1966 quân và dân Vĩnh Linh đã đánh giỏi thắng lớn, bắn rơi tại chỗ 6 máy bay Mỹ, bắt sống giặc Mỹ lái máy bay. Đó là chiến công oanh liệt của một địa phương trong một ngày. Giặc Mỹ đã phải thú nhận đó là một ngày đen tối cho không quân chúng… Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ đặc biệt khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ Vĩnh Linh”.
Sự kiện quốc tế:
-Ngày 11/11/1918: Đức ký một thỏa thuận ngừng bắn với phe Hiệp ước trong một toa tàu bên ngoài Compiegne, Pháp, kết thúc cuộc Đại chiến (Great War – tên gọi ban đầu của Thế chiến I)./.