Ngày này năm xưa: 06/01
(ĐCSVN) - Ngày 6/1/1946: Tổng tuyển cử trong cả nước bầu đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đây là một sự kiện quan trọng sau Lễ Tuyên ngôn Độc lập diễn ra vào ngày 2/9/1945 chỉ hơn 4 tháng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích: Đây là lần đầu tiên người dân Việt Nam được thể hiện quyền làm chủ của mình trong một quốc gia theo chính thể Cộng hòa - Dân chủ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện quyền cử tri tại phòng bỏ phiếu đặt tại nhà số 10 phố Hàng Vôi (nay là phố Lý Thái Tổ). Ảnh tư liệu Quốc hội |
Trong nước
- Ngày 6/1/1946: Tổng tuyển cử trong cả nước bầu đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đây là một sự kiện quan trọng sau Lễ Tuyên ngôn Độc lập diễn ra vào ngày 2/9/1945 chỉ hơn 4 tháng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích: Đây là lần đầu tiên người dân Việt Nam được thể hiện quyền làm chủ của mình trong một quốc gia theo chính thể Cộng hòa - Dân chủ.
Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trong cả nước, kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Ở Hà Nội, ứng cử viên Hồ Chí Minh đến phòng bỏ phiếu đặt tại nhà số 10, phố Hàng Vôi, Hà Nội để thực hiện nghĩa vụ công dân của mình.
Theo những số liệu được công bố ngày hôm đó, cả nước đã bầu chọn 333 đại biểu Quốc hội đại diện cho nhiều địa phương, đảng phái chính trị, tầng lớp xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ở Việt Nam đã hoàn toàn thắng lợi. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam ra đời, đánh dấu mốc phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.
- Ngày 6/1/1947: Trung đoàn Liên khu I (sau này là Trung đoàn Thủ đô) được chính thức thành lập tại Hà Nội. Lực lượng của trung đoàn gồm 3 tiểu đoàn: 101, 102, 103 với số quân gần 2.000 người.
- Ngày 6/1/1950: Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị về mở Chiến dịch Tây Bắc và chuẩn bị chiến trường Đông Bắc.
- Ngày 6/1/1959: Khánh thành Bảo tàng cách mạng Việt Nam. Bảo tàng Cách mạng Việt Nam ở phố Tông Đản, Hà Nội. Bằng trưng bày nhiều hiện vật và tài liệu, thể hiện một cách khái quát và có hệ thống lịch sử phát triển của phong trào cách mạng Việt Nam từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.
- 06/1/1975: Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Quân Giải phóng miền Nam và lực lượng vũ trang địa phương, chính quyền, cùng với người dân Phước Long nổi dậy chiến đấu giải phóng Phước Long. Phước Long cũng là tỉnh lỵ đầu tiên của miền Nam được giải phóng. Đây là cơ sở chiến lược đánh giá so sánh sức mạnh giữa quân và dân ta với địch. Có thể nói việc giải phóng Phước Long là một đòn trinh sát chiến lược để Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Từ đó, tiến tới quyết tâm đẩy mạnh thực hiện các chiến dịch, chiến lược quan trọng giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước như: Chiến dịch Tây Nguyên Ban Mê Thuột, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Chiến dịch Hồ Chí Minh tổng tấn công giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Quốc tế
- Ngày 6/1/1884: Ngày mất Gregor Johann Mendel, một nhà thực vật học nổi tiếng người Áo. Ông làm thí nghiệm lai phối hợp các thứ đậu khác nhau và công bố trong luận vǎn Sự lai giống thực vật. Về sau thuyết Menđen về Định luật di truyền được phổ biến rộng rãi.
- Ngày 6/1/1912: Thuyết trôi dạt lục địa lần đầu được công bố. Ngày 6 tháng 1 năm 1912, nhà địa vật lý học người Đức Alfred Wegener đã lần đầu tiên đưa ra thuyết trôi dạt lục địa. Nghiên cứu của ông dựa trên việc các lục địa ở bên bờ Đại Tây Dương có thể xếp khít vào với nhau.
- Ngày 6/1/1919: Ngày mất Theodore Roosevelt. Theodore Roosevelt là một chính khách, chính trị gia, nhà bảo tồn học, người theo chủ nghĩa tự nhiên, nhà văn, và là Tổng thống thứ 26 của Hoa Kỳ tại nhiệm từ năm 1901 đến 1909. Ông mất ngày 6 tháng 1 năm 1919.
- Ngày 6/1/1924: Ngày sinh của ông cố Kim Dae-jung. Kim Dae-jung là tổng thống thứ 8 của Hàn Quốc. Ông được mệnh danh là “Nelson Mandela của châu Á” vì đã dành phần lớn cuộc đời để hoạt động chính trị nhằm đấu tranh chống lại chế độ độc tài.