Ngày này năm xưa: 05/11
(ĐCSVN) - Ngày 05/11/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng thảo luận một số chương trình công tác, nhận định tình hình kinh tế, chính trị, tư tưởng... Người nói: “Ta cần gan dạ làm, tin vào dân, nói rõ khó khăn, thiếu sót, việc gì thì làm được, việc gì chưa làm được, nói thật và giải thích cho dân”.
Sự kiện trong nước:
- Ngày 05/11/1426: Mở màn trận phục kích ở Tốt Động và Chúc Động, đánh tan âm mưu phản công của nhà Minh năm 1426. Trận đánh này diễn ra từ ngày 05/11/1426 (tức ngày 05 tháng 10 năm Bính Ngọ), do nghĩa quân Lam Sơn, dẫn đầu bởi anh hùng dân tộc Lê Lợi, đã đánh bại viện quân nhà Minh do danh tướng Vương Thông dẫn đầu. Thắng lợi Tốt Động và Chúc Động đã làm phá sản âm mưu phản công của quân xâm lược, ép nhà Minh phải chấp nhận đàm phám. Đây cũng là trận đánh làm nên tên tuổi của các tướng Đinh Lễ, Lý Triện.
- Ngày 05/11/1901: Trần Huy Liệu sinh ngày 5/11/1901 tại làng Vân Cát, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, trong một gia đình nhà Nho nghèo, yêu nước. Ông sớm rời quê vào Nam, tham gia hoạt động chính trị cùng nhiều thanh niên yêu nước. Ông tham gia lập Đảng Thanh niên, chủ trương Cường Học thư xã, soạn và in sách báo cổ vũ lòng yêu nước... Trần Huy Liệu từng bị bắt và kết án đày nhiều lần, trong đó, khi bị đày lên Sơn La (tháng 3/1945), ông tham gia cuộc nổi dậy phá nhà giam ở Nghĩa Lộ, vượt ngục về Hà Nội.
Nhà sử học Trần Huy Liệu là nhân chứng của nhiều sự kiện quan trọng. Ngoài tham gia thành lập Đảng Thanh niên, ông còn tham gia phong trào Đông Dương đại hội, ngục Sơn La... Ông từng kinh qua nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy Chính phủ lâm thời như: Phó Chủ tịch Ủy ban Dân tộc Giải phóng, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền, Bí thư Tổng bộ Việt Minh, Chủ tịch Hội Văn hóa cứu quốc... Ông là một nhà yêu nước, một chiến sỹ cách mạng kiên trung trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng thời là một nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà sử học cách mạng hàng đầu của đất nước.
- Ngày 05/11/1918: Nhà văn Nguyên Hồng, tên thật là Nguyễn Nguyên Hồng, sinh ra tại Nam Định. Ông sinh trưởng trong một gia đình nghèo, mồ côi cha từ nhỏ, phải theo mẹ ra Hải Phòng kiếm sống trong các xóm thợ nghèo. Năm 1938, Nguyên Hồng viết và xuất bản tác phẩm đầu tiên “Bỉ Vỏ”, tiểu thuyết ra đời đã gây tiếng vang trên văn đàn và đã được giải thưởng của “Tự lực Văn đoàn”. Năm 1943, Nguyên Hồng tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc bí mật cùng các nhà văn Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng…
Ông là thành viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 1957. Với cương vị Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hải Phòng từ năm 1964 - 1982, ông đã có rất nhiều đóng góp trong các hoạt động phát triển nền móng văn học nghệ thuật đất Cảng. Trong gần 50 năm cầm bút, Nguyên Hồng đã để lại một sự nghiệp sáng tác đồ sộ trên 40 tác phẩm với nhiều thể loại: Tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, bút ký… Ngày 02/5/1982, nhà văn đột ngột ra đi ở tuổi 64. Với những đóng góp to lớn cho nền văn học nước nhà, năm 1996, Nhà văn Nguyên Hồng đã vinh dự được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật đợt đầu tiên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “Ta cần gan dạ làm, tin vào dân” . (Ảnh tư liệu) |
- Ngày 05/11/1956: Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng thảo luận một số chương trình công tác, nhận định tình hình kinh tế, chính trị, tư tưởng... Người nói: “Ta cần gan dạ làm, tin vào dân, nói rõ khó khăn, thiếu sót, việc gì thì làm được, việc gì chưa làm được, nói thật và giải thích cho dân”. Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng bàn về vấn đề sửa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đất và chấn chỉnh Ủy ban Cải cách ruộng đất Trung ương. Người nói: “Sửa lại tổ chức Ủy ban Cải cách ruộng đất Trung ương phải có sắc lệnh mới”.
Sự kiện quốc tế:
- Ngày 05/11/1922: Khai mạc Đại hội thứ IV của Quốc tế cộng sản tại Moscow. Đây là dấu mốc quan trọng, thông qua luận cương về Mặt trận thống nhất công nhân do Ban chấp hành Quốc tế cộng sản soạn thảo. Bác Hồ, khi ấy còn hoạt động dưới tên Nguyễn Ái Quốc, cùng với Lenin là những người tích cực tham gia vào việc vận động, ủng hộ sự ra đời của Mặt trận đấu tranh sơ khai này.
Đập thủy điện Itaipu (Ảnh: The Guardian) |
- Ngày 05/11/1982: Itaipu - đập thủy điện lớn nhất thế giới lúc bấy giờ và là biểu tượng cho sự hợp tác của 2 nước láng giềng Brazil và Paraguay, được khánh thành. Itaipu được Hiệp hội kỹ sư cầu đường châu Mỹ công nhận là một trong 7 kỳ quan thế giới hiện đại, thu hút đông đảo du khách nước ngoài đến tham quan. Đập thủy điện Itaipu theo tiếng thổ dân da đỏ có nghĩa là “hòn đá biết hát”, được khởi công xây dựng năm 1975. Itaipu được coi là một trong những công trình xây dựng khổng lồ nhất trên thế giới với tổng vốn đầu tư lên tới 20 tỷ USD. Ðập Itaipu cao 196m và dài 7,76km tạo nên hồ thủy điện dài 170km với sức chứa 29 tỷ m3 nước.
- Ngày 05/11/2007: Liên minh thiết bị cầm tay mở (OHA) được thành lập, dẫn đầu bởi Google và 34 thành viên là một hiệp hội gồm 84 công ty để phát triển những tiêu chuẩn mở cho các thiết bị di động. Cùng ngày, phiên bản public beta đầu tiên của Android 1.0 dành cho các nhà phát triển ra mắt./.