Ngày này năm xưa: 04/6
(ĐCSVN) – Ngày 04/6/1962, Chính phủ ra Quyết định thành lập thành phố Việt Trì thuộc tỉnh Phú Thọ, mở ra một chặng đường lịch sử mới rất quan trọng trong quá trình phát triển của thành phố Việt Trì.
Sự kiện trong nước:
- Ngày 04/6/1930: Đồng chí Châu Văn Liêm đã anh dũng hy sinh trong một trận đấu tranh mặt đối mặt với quân thù tại quận Ðức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc tỉnh Long An).
Đồng chí Châu Văn Liêm sinh ngày 29/6/1902 tại ấp Rạch Tra, xã Thới Thạnh, huyện Ô Môn (nay là xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai). Năm 1915, ông được cha mẹ gửi lên học ở Cần Thơ. Tại đây, ông thường cùng bạn bè thăm Ðình thần Bình Thủy, chùa Nam Nhã - nơi thờ các văn nhân, nhà nho yêu nước và được nghe kể chuyện cụ Phan Bội Châu bí mật về chùa này hội tụ những thanh niên yêu nước “Ðông Du” tìm đường cứu nước. Năm 1922, người thanh niên Châu Văn Liêm đậu bằng Thành Chung tại Sài Gòn, sau đó học ngành sư phạm. Sau ngày tốt nghiệp, ông về dạy lớp nhất tại Trường Tiểu học Long Xuyên và cưới vợ, sau đó chuyển về Trường Long Ðiền, quận Chợ Thủ (nay thuộc tỉnh An Giang). Giữa năm 1926, ông đề xướng và thành lập “Hội giáo viên, học sinh yêu nước” ở Long Xuyên; tháng 9/1926, thành lập “Việt Nam phục quốc Ðảng” ở Cần Thơ, cùng bạn bè mở tiệm thuốc ở Thới Lai và tổ chức một chiếc ghe đưa đón khách từ Ô Môn đi Thới Lai và Cờ Ðỏ để bí mật kết nối, liên lạc với những người có tâm huyết, phổ biến các tài liệu vận động lòng yêu nước trong đồng bào. Cuối năm 1927, đồng chí Châu Văn Liêm được kết nạp vào tổ chức “Thanh niên cách mạng đồng chí hội”, tiền thân của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1928, đồng chí làm Bí thư Tỉnh bộ Thanh niên cách mạng đồng chí hội tỉnh Long Xuyên (nay là tỉnh An Giang). Cuối năm 1928, đồng chí Châu Văn Liêm sang Sa Ðéc (nay thuộc tỉnh Ðồng Tháp) mở “Sa Ðéc học đường”. Ở đây, đồng chí không trực tiếp giảng dạy mà chỉ là lập cơ sở hoạt động. Từ ngày 3 - 7/2/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), đồng chí Châu Văn Liêm đã tham dự Hội nghị hợp nhất các Ðảng trong nước, thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam, do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Bế mạc hội nghị, đồng chí Châu Văn Liêm trở về nước tiến hành thống nhất tổ chức Ðảng từ Nha Trang tới Cà Mau và xúc tiến thành lập Ban Lâm thời chấp ủy Ðảng Cộng sản Việt Nam ở Nam kỳ (Xứ ủy) và hợp nhất bộ phận Ðông Dương Cộng sản liên đoàn ở Nam kỳ vào Ðảng Cộng sản Việt Nam.
Quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Châu Văn Liêm tuy ngắn nhưng những đóng góp của đồng chí cho quê hương, đất nước là rất lớn, in đậm trong lòng mỗi người dân Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Sự cống hiến của đồng chí Châu Văn Liêm cho Đảng và cách mạng Việt Nam là vô cùng to lớn, đặc biệt là những hoạt động của đồng chí trong việc thành lập, chỉ đạo hoạt động của tổ chức An Nam Cộng sản Đảng và những đóng góp trong thời kỳ vận động cách mạng tiến tới Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tượng nhà cách mạng Châu Văn Liêm (1902 - 1930) trong sân Trường Tiểu học Châu Văn Liêm tại An Giang. (Ảnh: angiang.dcs.vn) |
- Ngày 04/6/1952: Trong bài viết: “Đạo đức lao động” đăng trên Báo Cứu quốc, số 2092, với bút danh Đ.X, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra ý kiến về lao động và người lao động cũng như phong trào thi đua: “Trước kia người ta cho lao động là việc nặng nề, xấu hổ. Nay lao động là sự nghiệp quang vinh, vẻ vang, vui thú và anh dũng”.
Trong những năm kháng chiến kiến quốc vô cùng khó khăn và gian khổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn dân thi đua lao động thì kháng chiến sẽ mau thắng lợi, kiến quốc sẽ mau thành công. Lời kêu gọi: “Lao động là sự nghiệp quang vinh, vẻ vang, vui thú và anh dũng” có ý nghĩa to lớn, không chỉ động viên, cổ vũ tinh thần hăng say lao động của đồng bào cả nước mà còn khẳng định giá trị của lao động là vốn quý, lao động là thiêng liêng; lao động vừa tạo ra của cải vật chất, vừa phát triển con người toàn diện.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân lao động cả nước đã nêu cao truyền thống cần cù, siêng năng, ra sức ngày đêm lao động sản xuất nâng cao đời sống, bảo đảm lương thực cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp giành thắng lợi. Nhờ có đức tính siêng năng, cần cù lao động mà dân tộc ta, mỗi chúng ta không sợ khó, sợ khổ, biết bền bỉ, nhẫn nại trong học tập, lao động sản xuất…
Xây dựng đô thị Việt Trì trở thành Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. (Ảnh: baochinhphu.vn) |
- Ngày 04/6/1962: Chính phủ ra Quyết định thành lập thành phố Việt Trì thuộc tỉnh Phú Thọ, mở ra một chặng đường lịch sử mới rất quan trọng trong quá trình phát triển của thành phố Việt Trì. Trải qua 62 năm xây dựng và phát triển, thành phố Việt Trì đã chuyển mình phát triển mạnh mẽ trở thành đô thị loại I, là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - khoa học kỹ thuật của tỉnh Phú Thọ và năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để Việt Trì trở thành Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Sự kiện quốc tế:
- Ngày 04/6/1896: Henry Ford thử nghiệm lái chiếc xe 4 bánh đầu tiên do mình thiết kế. Cuộc thử nghiệm diễn ra vào lúc 4 giờ sáng, ở khu vực nhà kho phía sau nhà Henry Ford trên Đại lộ Bagley ở Detroit. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, mở ra kỷ nguyên xe hơi do chính Henry Ford là người thiết kế các mẫu xe và đưa vào khai thác thương mại sau này.
Henry Ford trên chiếc xe 4 bánh đầu tiên của ông năm 1896. (Ảnh: Wiki) |
- Ngày 04/6/1945: Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp ký thỏa thuận chia đôi nước Đức sau Chiến tranh thế giới thứ II.
- Ngày 04/6/1973: Donald Wetzel, Tom Barnes và George Chastain đã nhận được bằng sáng chế cho máy ATM.
Don Wetzel là người đồng sáng chế và là người đưa ra ý tưởng chính về máy rút tiền tự động, một ý tưởng mà ông nói rằng mình đã nghĩ ra khi đang xếp hàng chờ đợi tại một ngân hàng ở Dallas. Vào thời điểm đó (1968) Don Wetzel là Phó Chủ tịch Chiến lược Sản phẩm tại Docutel, công ty đã phát triển thiết bị xử lý hành lý tự động. Hai nhà phát minh khác được liệt kê trong bằng sáng chế Don Wetzel là Tom Barnes, kỹ sư cơ khí trưởng và George Chastain, kỹ sư điện.
Máy ATM đầu tiên, hay máy rút tiền tự động, được lắp đặt tại Trung tâm Rockville ở Ngân hàng Hóa chất New York. Nó nằm ngoài đường, chỉ phát tiền mặt nên không thay thế hoàn toàn giao dịch viên ngân hàng. Các máy ATM đầu tiên là máy ngoại tuyến, nghĩa là tiền không được rút tự động từ tài khoản, vì tài khoản ngân hàng khi đó chưa được kết nối mạng máy tính với máy ATM./.