Ngày này năm xưa: 04/11
(ĐCSVN) - Ngày 04/11/1831 là ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Tuyên Quang.
Sự kiện trong nước:
- Ngày 04/11/1831: Ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn.
Lễ kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh Lạng Sơn (04/11/1831 - 04/11/2021). (Ảnh: Đình Hiệp) |
Lạng Sơn là một tỉnh miền núi biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, giàu truyền thống văn hóa lịch sử. Trải qua các thời kỳ lịch sử, Lạng Sơn dần được hình thành và phát triển với các tên gọi khác nhau. Ngày 04/11/1831, năm Minh Mệnh thứ 12, được đổi tên là tỉnh Lạng Sơn. Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, trừ thời gian (tháng 12/1975 đến tháng 12/1978), hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng được hợp nhất thành tỉnh Cao Lạng, tên gọi tỉnh Lạng Sơn vẫn được giữ như hiện nay.
Trong gần 2 thế kỷ, nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn luôn phát huy truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Phát huy những thành quả đạt được, Lạng Sơn tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới với nhiều thành tựu to lớn đạt được trên các mặt như: Quốc phòng an ninh được củng cố, kinh tế tăng trưởng nhanh và tương đối ổn định, GDP bình quân được giữ vững, văn hóa - xã hội ngày một phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Lạng Sơn tiếp tục khẳng định vị trí, tầm quan trọng về kinh tế, văn hóa, chính trị, quân sự và ngoại giao đối với vùng Đông Bắc nói riêng và cả nước nói chung.
- Ngày 04/11/1831: Ngày thành lập tỉnh Tuyên Quang.
Một góc thành phố Tuyên Quang. (Ảnh: baotuyenquang.com.vn) |
Ngày 04/11/1831, vua Minh Mệnh tiến hành chia định địa hạt trên phạm vi cả nước, tỉnh Tuyên Quang có 1 Phủ và 5 châu, bao gồm: Huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Na Hang và thành phố Tuyên Quang của tỉnh Tuyên Quang. Sau khi đất nước thống nhất, vào năm 1976, tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang sáp nhập thành tỉnh Hà Tuyên. Đến năm 1991, tỉnh Hà Tuyên được chia tách thành hai tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang. Kể từ đó, đơn vị hành chính tỉnh Tuyên Quang ổn định đến ngày nay.
Nằm ở vị trí chiến lược, “phên giậu của trung châu, địa đầu quan yếu", tỉnh Tuyên Quang luôn sát cánh cùng nhân dân cả nước, anh dũng chiến đấu chống giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn, bờ cõi biên cương của Tổ quốc. Trong hành trình 35 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang luôn đoàn kết, sáng tạo, kế thừa thành quả cách mạng của các thế hệ cha anh, vượt qua mọi khó khăn, xây dựng tỉnh đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trên tất cả các mặt.
Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng lòng, chung sức, với quyết tâm chính trị cao xây dựng quê hương ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; khai thác hiệu quả tiềm nặng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
- Ngày 04/11/1909: Ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ. Đồng chí Hoàng Văn Thụ tên khai sinh là Hoàng Ngọc Thụ, sinh ra trong một gia đình nông dân dân tộc Tày có truyền thống yêu nước và hiếu học ở thôn Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên (nay là thôn Nhân Hòa, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Với tấm lòng yêu nước nồng nàn, tư chất thông minh, sự nhạy bén về chính trị, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã sớm nhận thấy sự đúng đắn và kiên định đi theo con đường cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ dẫn. Là một trong những đảng viên của thời kỳ dựng Đảng, đồng chí đã tích cực tham gia phong trào đấu tranh cách mạng, tham gia thành lập Chi bộ đặc biệt ở Long Châu, Trung Quốc, và được Đảng tin tưởng, giao trọng trách Phụ trách Ban Cán sự Đảng của tỉnh Lạng Sơn, Ủy viên Xứ ủy, rồi Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, phụ trách công tác dân vận, mặt trận. Ngày 24/5/1944, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã anh dũng hy sinh trước mũi súng quân thù. Với 35 năm tuổi đời, 16 năm hoạt động cách mạng liên tục, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Hoàng Văn Thụ là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
- Ngày 04/11/1991: Lực lượng Cảnh sát Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 156 của Tổ chức Interpol. Trong phiên họp đầu tiên của Kỳ họp Đại hội đồng Interpol lần thứ 60 tại thành phố Penta De Este (Urugoay), Đại Hội đồng Interpol đã chính thức thông qua đơn xin gia nhập Tổ chức của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) Việt Nam với đa số phiếu tán thành, mở ra một cơ chế hợp tác đa phương về thực thi pháp luật trên phạm vi rộng nhất từ trước đến nay. Từ đó, ngày 04/11 là ngày truyền thống của Lực lượng Interpol Việt Nam.
- Ngày 04/11/1993: Ngành Điện lực nước ta đã bắt đầu xây dựng nhà máy thủy điện Ialy (ở tỉnh Kontum - nay thuộc tỉnh Gia Lai). Đây là nhà máy thủy điện lớn nhất ở Tây Nguyên và lớn thứ hai của nước ta, sau nhà máy thủy điện Hoà Bình. Thủy điện Ialy được khởi công xây dựng năm 1993 và hoàn thành vào năm 2003. Một điều đặc biệt là phần lớn các hạng mục của Nhà máy thủy điện Ialy được xây dựng ngầm trong lòng núi và là công trình thủy điện duy nhất ở Việt Nam có hệ thống cáp dầu 500 kV. Thủy điện Ialy có nhiệm vụ sản xuất và cung cấp cho đất nước trung bình mỗi năm 3,650 tỷ kWh, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên. Công trình thuỷ điện Ialy là bậc thang thứ ba trên sông Sê San. Theo quy hoạch trên dòng Sê San có 9 bậc thang thủy lợi - thủy điện. Trong đó, 6 bậc thang trên đất Việt Nam và công trình thủy điện Ialy là bậc thang lớn nhất.
Sự kiện quốc tế:
- Ngày 04/11/1946: Công ước thành lập Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (United Nations Educational Scientific and Cultural Organization - UNESCO) chính thức có hiệu lực với 20 quốc gia công nhận: Australia, Brazil, Canada, Trung Quốc, Tiệp Khắc, Đan Mạch, CH Dominica, Ai Cập, Pháp, Hy Lạp, Ấn Độ, Lebanon, Mexico, New Zealand, Na Uy, Saudi Arabia, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ.
Từ 20 quốc gia sáng lập ban đầu, UNESCO hiện có 195 quốc gia thành viên và 9 quan sát viên. UNESCO có trụ sở chính đặt tại Paris (Pháp) với hơn 50 văn phòng, một số viện và trung tâm trực thuộc đặt khắp nơi trên thế giới.
Nước biển dâng - một trong những hệ quả của sự nóng lên toàn cầu. (Ảnh minh họa: KL) |
- Ngày 04/11/2016: Thỏa thuận Paris về biến đổi Khí hậu chính thức có hiệu lực. Đây được xem là dấu mốc quan trọng để các quốc gia nghiêm túc hướng tới hoàn thành các mục tiêu trong thỏa thuận Paris về biến đối khí hậu. Nhằm hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu, Thỏa thuận Paris đã đề ra một mục tiêu rất tham vọng là giữ cho mức tăng nhiệt độ trái đất dưới ngưỡng 2°C và tiếp tục nỗ lực để hạn chế sự gia tăng ở mức 1,5°C vào cuối thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp, như yêu cầu của các quốc gia chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu.
Để đạt được mục tiêu này, Thỏa thuận cũng nêu rõ: Thế giới phải nhanh chóng giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính với mức nhiều nhất có thể. Tiến độ cụ thể được đặt ra là tới giữa thế kỷ này (khoảng sau năm 2050), thế giới phải đạt cân bằng giữa lượng khí phát thải do hoạt động của con người với khả năng hấp thụ của trái đất cùng với công nghệ “thu gom khí thải". Thỏa thuận cũng quy định, đến năm 2018, các nước phải có đánh giá về tác động toàn diện trong việc ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu và công bố những kế hoạch cụ thể về cắt giảm khí carbon khi Thỏa thuận Paris có hiệu lực. Sau thời gian này, cứ 5 năm, tính từ năm 2023, các quốc gia sẽ rà soát lại những mục tiêu đã đề ra. Một điểm đáng chú ý nữa là Thỏa thuận cũng quy định các nước phát triển có nghĩa vụ ràng buộc về pháp lý, phải cung cấp những nguồn tài chính cho các nước đang phát triển dành riêng cho các hoạt động chống biến đổi khí hậu. Theo đó, trước năm 2025, các nước thành viên nên đạt được một thỏa thuận chung cung cấp ít nhất 100 tỷ USD/năm cho các nước đang phát triển để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu./.