Ngày này năm xưa: 01/5
(ĐCSVN) - Hiện nay, Ngày Quốc tế Lao động (01/5) đã trở thành ngày hội lớn của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Đây cũng là ngày biểu thị tình đoàn kết hữu nghị với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, cùng đấu tranh cho thắng lợi của hòa bình, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Sự kiện trong nước:
Chân dung đồng chí Trần Phú. (Ảnh tư liệu) |
- Ngày 01/5/1904: Ngày sinh của đồng chí Trần Phú. Đồng chí Trần Phú xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước, tại xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; quê xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Mùa hè năm Nhâm Tuất 1922, đồng chí Trần Phú thi đậu thủ khoa kỳ thi Thành chung Trường Quốc học Huế. Để nối nghiệp gia đình, đồng chí Trần Phú đã khước từ chốn quan trường, vào làm giáo viên Trường Tiểu học Cao Xuân Dục ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Với kiến thức uyên thâm, tình thương và đức độ, thầy Trần Phú đã tổ chức rất nhiều lớp học quốc ngữ, góp công đào tạo được nhiều học trò học giỏi, yêu nước. Cũng trong thời gian này, đồng chí Trần Phú đã tham gia sáng lập Hội Phục Việt, lãnh đạo phong trào đòi thực dân Pháp trả lại tự do cho Cụ Phan Bội Châu, tổ chức lễ truy điệu cho Cụ Phan Chu Trinh.
Bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú khi được Hội Phục Việt cử sang Quảng Châu, Trung Quốc bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người trực tiếp huấn luyện, đào tạo, kết nạp vào Cộng sản Đoàn - nhóm nòng cốt của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Kết thúc khóa huấn luyện, đồng chí trở về nước hoạt động nhưng do bị mật thám Pháp truy lùng ráo riết, đồng chí phải quay lại Quảng Châu, làm việc tại Tổng bộ Thanh niên.
Mùa xuân năm 1927, đồng chí Trần Phú được cử sang học tập tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Matxcơva. Nhờ kết quả học tập tốt, đồng chí được Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản cử làm Bí thư nhóm cộng sản Việt Nam tại Trường. Tốt nghiệp Đại học Phương Đông loại xuất sắc, tháng 11/1929, đồng chí được Quốc tế Cộng sản cử về nước hoạt động, được Đảng giao nhiệm vụ chuẩn bị dự thảo Luận cương Chính trị.
Tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Hương Cảng Trung Quốc đã thông qua Luận cương Chính trị. Hội nghị Trung ương tháng 10/1930 đã chính thức bầu đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trần Phú đã có nhiều đóng góp to lớn về chính trị, tư tưởng và tổ chức trong công tác xây dựng Đảng. Cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng xuất bản Báo Cờ Vô sản - cơ quan ngôn luận của Đảng; Tạp chí Cộng sản - cơ quan lý luận của Đảng; chỉ đạo lập Hội Phản đế đồng minh, chỉnh đốn Nông hội đỏ, chống chính sách khủng bố trắng của kẻ thù.
Được sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của Ban Thường vụ Trung ương và đồng chí Trần Phú, khí thế cách mạng của quần chúng nhân dân trong cả nước bùng lên mạnh mẽ. Tổ chức Nông hội đỏ phát triển nhanh chóng, đội ngũ hội viên tăng nhanh. Tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, Mỹ Tho, Bến Tre… đã liên tiếp nổ ra các cuộc biểu tình, bãi công của công nhân, nông dân, tạo ra cao trào cách mạng 1930 - 1931, mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ - Tĩnh.
Tháng 3/1931, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ Hai được tổ chức tại Sài Gòn dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú đã đề ra các chủ trương, nhiệm vụ cách mạng trước yêu cầu mới. Giữa lúc phong trào của nhân dân ta đang phát triển mạnh mẽ, ngày 18/4/1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt. Tại bốt Ca-ti-na, kẻ thù hèn hạ cắt gân bàn chân, dùng nhiều cực hình tra tấn nhưng đồng chí Trần Phú vẫn kiên quyết không khai báo. Sau 3 tháng bị giam cầm, tra tấn, ngày 6/9/1931, đồng chí Trần Phú đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà thương Chợ Quán, Sài Gòn khi mới bước vào tuổi 27 - độ tuổi đầy nhiệt huyết, tài năng.
- Ngày 01/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 47-SL về tổ chức Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy gồm: Bộ Tổng Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Tình báo, Văn phòng, Cục Quân huấn, Cục Thanh tra, Cục Dân quân.
Theo đó, Phòng Địch vận, Ban Dân vận thuộc Phòng Tuyên truyền - Huấn luyện là những cơ quan tiền thân của Cục Dân vận ngày nay được thành lập.
Trải qua 77 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Cục Dân vận và ngành Dân vận Quân đội đã không ngừng lớn mạnh về tổ chức, lực lượng, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cục Dân vận đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; được tặng thưởng nhiều Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Huân chương Lao động, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đặc biệt, Cục còn vinh dự được nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.
- Ngày 01/5/1948, Bác ra “Lời kêu gọi thi đua yêu nước”, trong đó có đoạn: “Nước ta kinh tế lạc hậu, nhưng lòng yêu nước và chí quật cường chẳng kém ai. Nay muốn tự cấp, tự túc, đi kịp người ta, thì chúng ta phải đi mau. Vì vậy, sĩ, nông, công, thương, binh, gái trai già trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc Thi đua yêu nước, tức là tăng gia sản xuất”.
- Ngày 01/5/1951, Chủ tịch Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi cả nước đẩy mạnh phong trào thi đua ái quốc nhân Ngày Quốc tế Lao động. Người kêu gọi giai cấp công nhân, nhân dân lao động đẩy mạnh phong trào thi đua ái quốc để chuẩn bị đầy đủ điều kiện đặng chuyển mạnh sang tổng phản công. Trọng tâm thi đua là: Quân đội thi đua giết giặc lập công; Công nhân thi đua sản xuất lương thực; Người trí thức thi đua sáng tạo, phát minh; Cán bộ thi đua cần kiệm liêm chính Toàn dân thi đua tích cực tham gia kháng chiến.
Sự kiện quốc tế:
- Ngày 01/5/1886: Ngày Quốc tế Lao động. Năm 1886, tại thành phố công nghiệp lớn Chicago, Đại hội Liên đoàn lao động Mỹ thông qua Nghị quyết nêu rõ: "Từ ngày 01/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ". Sở dĩ ngày 01/5 được chọn bởi đây là ngày bắt đầu một năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ... Từ đó, ngày 01/5 trở thành Ngày Quốc tế Lao động, ngày đấu tranh của giai cấp công nhân, ngày nghỉ ngơi và biểu dương lực lượng, ngày hội của công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.
Hiện nay, Ngày Quốc tế Lao động cũng đã trở thành ngày hội lớn của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Đây cũng là ngày biểu thị tình đoàn kết hữu nghị với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, cùng đấu tranh cho thắng lợi của hòa bình, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Ngày 01/5 trở thành ngày Quốc tế lao động, ngày đấu tranh của giai cấp công nhân, ngày nghỉ ngơi và biểu dương lực lượng, ngày hội của công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.(Ảnh tư liệu) |
- Ngày 01/5/2004: Liên minh châu Âu (EU) tổ chức đợt kết nạp thành viên mới thứ năm trong lịch sử tồn tại, nâng tổng số thành viên chính thức lên 25 nước. 10 thành viên được kết nạp là: Séc, Ba Lan, Hungary, Slovakia, Slovenia, Latvia, Litva, Estonia, Malta và Síp.