Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày Nam Bộ kháng chiến: Mốc son lịch sử vẻ vang của dân tộc

Thứ Hai, 23/09/2024 08:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945) là một son trong lịch sử hào hùng của dân tộc ta, là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí bảo vệ độc lập, tự do, tinh thần quật cường, hào khí của quân dân Nam bộ, xứng đáng với danh hiệu vẻ vang “Thành đồng Tổ quốc” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi, mở ra bước ngoặt lớn, đem lại cho cách mạng Việt Nam thế và lực mới. Song không lâu sau đó, ngày 23/9/1945, đúng 3 tuần sau khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam độc lập, thì tại Sài Gòn, thực dân Pháp nổ súng quay lại xâm chiếm nước ta lần thứ 2. Nhân dân Nam Bộ chưa kịp hưởng niềm vui hòa bình, độc lập, tự do bao lâu thì lại phải bắt đầu cuộc kháng chiến chống quân xâm lược.

Đêm 22 rạng ngày 23/9/1945, thực dân Pháp dựa vào quân Anh, tiến hành gây hấn đánh chiếm các cơ quan đầu não của chính quyền cách mạng ở Sài Gòn.

Dân quân cứu nước Nam bộ trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến 1945. (Ảnh tư liệu)  

Trước hành động Pháp công khai tiến hành chiến tranh xâm lược, sáng ngày 23/9/1945, Xứ ủy và Ủy ban hành chính Nam Bộ đã tiến hành họp khẩn cấp để bàn việc thực hiện chủ trương kháng chiến của Trung ương Đảng tại số nhà 107 đường Cây Mai thuộc Chợ Lớn (nay là đường Nguyễn Trãi, Quận 5). Hội nghị phân tích những âm mưu và hành động xâm lược của thực dân Pháp, thái độ đồng lõa của đế quốc Anh và quyết định thành lập Uỷ ban kháng chiến Nam Bộ, do ông Trần Văn Giàu làm chủ tịch. Hội nghị đã thông qua “Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ”:

 “…Hỡi đồng bào!

Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp, tiêu diệt tay sai của chúng.

Hỡi anh em binh sĩ, quân dân tự vệ!

Hãy nắm chặt vũ khí trong tay xông lên đánh đuổi thực dân Pháp cứu nước.

Cuộc kháng chiến bắt đầu!”

Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, chiều ngày 23/9/1945, Sài Gòn triệt để tổng đình công, không hợp tác với thực dân Pháp. Các công sở, xí nghiệp, cửa hàng đều đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy, điện, nước bị cắt, chướng ngại vật mọc lên khắp nơi. Các đơn vị xung phong, Công đoàn và Thanh niên tiền phong lập tức chiếm lĩnh vị trí chiến đấu đánh trả quân địch. Đông đảo quần chúng nhân dân Sài Gòn hăng hái tham gia bảo vệ độc lập với tinh thần “độc lập hay là chết”, quyết tâm thực hiện lời thề “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ. Ảnh: Bảo tàng TP HCM 

Theo sát tình hình, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên có những chỉ đạo kịp thời, sát sao đối với cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Ngay trong ngày 23/9/1945, sau khi nhận được điện của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập khẩn cấp Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng, chuẩn y quyết tâm kháng chiến của Nam Bộ và cử một phái đoàn của Trung ương vào Nam Bộ để cùng Xứ ủy chỉ đạo cuộc kháng chiến.

Ngày 26/9/1945, qua Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam bộ khẳng định quyết tâm kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước:

“Hỡi đồng bào Nam Bộ!…

Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân.

Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc tranh đấu của chúng ta là chính đáng”…

Đáp lại lời kêu gọi của Người, quân và dân Nam Bộ sục sôi ý chí chiến đấu, đã nhất tề đứng lên, xông pha mặt trận quyết chiến với kẻ thù xâm lược.

Bằng sự kiên cường, bất khuất, quân và dân Nam bộ nói chung, nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định nói riêng đã chiến đấu kìm chân quân Pháp trong thành phố, thị xã, tiêu hao nhiều sinh lực địch, kẻ địch bị động, bất ngờ và chùn bước, phải chôn chân ở miền Nam nhiều tháng ròng để cả nước chuẩn bị lực lượng cho kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp.

Tiếng súng kháng chiến ở Sài Gòn - Chợ Lớn đã gây chấn động cả nước, thanh niên miền Bắc và miền Trung tình nguyện lên đường vào Nam đánh giặc, phong trào “Nam tiến” xuất hiện khắp nơi. Cả nước đã chi viện tối đa sức người, sức của cho Nam bộ, nhiều đoàn quân Nam tiến được thành lập, Quỹ Nam bộ kháng chiến ra đời, nhân dân quyên góp tiền bạc, quần áo, gạo, thuốc men chi viện cho đồng bào Nam bộ kháng chiến…

Nhân dân Nam bộ nổi dậy kháng chiến chống Pháp. Ảnh tư liệu  

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược của quân và dân ta trong những ngày đầu ở Nam Bộ có ý nghĩa rất to lớn, đã ngăn chặn một bước sự xâm lược của thực dân Pháp, giáng một đòn mạnh mẽ đầu tiên vào âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, làm tiêu hao một bộ phận sinh lực địch, hoàn thành tốt nhiệm vụ kìm giữ quân địch trong thành phố và các thị xã trong một thời gian dài, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền nhân dân, chủ quyền dân tộc. Đồng thời, tỏ rõ tinh thần yêu nước quật cường và tinh thần chiến đấu anh dũng để bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.

Để ghi nhận và biểu dương tinh thần chiến đấu kiên cường của quân dân Nam Bộ, tháng 2/1946, trong đợt tôn vinh chiến công vang dội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ tặng đồng bào Nam Bộ danh hiệu vẻ vang: “Thành đồng Tổ quốc”.

Từ gậy tầm vông, mã tấu cùng các loại vũ khí thô sơ, nhân dân miền Nam đã đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất của quân dân miền Nam thật xứng đáng với danh hiệu cao quý "Thành đồng Tổ quốc". Trên suốt chặng đường dài lịch sử, nhân dân miền Nam giữ vững lời thề son sắt, đã hy sinh tất cả vì sự nghiệp đấu tranh cho Hòa bình - Độc lập -Thống nhất đất nước. Cuộc chiến đấu kiên cường của nhân dân miền Nam nói riêng cùng với nhân dân cả nước nói chung đã lập nên chiến công chói lọi. Với thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Ngày 23/9 đã đi vào lịch sử là “Ngày Nam bộ kháng chiến”, mở đầu cho cuộc kháng chiến gian lao mà anh dũng của nhân dân Nam bộ. Tinh thần “Ngày Nam bộ kháng chiến” là động lực to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vượt qua khó khăn, thử thách, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hóa, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.

TP

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN