Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngành NN&PTNT Vĩnh Phúc đạt được nhiều kết quả nổi bật trong năm 2020

Thứ Tư, 02/12/2020 16:56 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trong năm 2020, mặc dù ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc gặp nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, địa phương vẫn đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp năm 2020 ước đạt trên 10.300 tỷ đồng, tăng 2,86% so với năm 2019.

 Trong năm 2020, ngành NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả nổi bật (Ảnh minh họa: BT)

Giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp năm 2020 ước đạt trên 10.300 tỷ đồng

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2020, ngành NN&PTNT của địa phương triển khai nhiệm vụ trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể như: thời tiết diễn biến bất thường, cuối tháng một xảy ra hiện tượng mưa đá và mưa rào, tháng tư đến tháng sáu ảnh hưởng của không khí lạnh và mưa lớn đã tác động bất lợi đến sản xuất trồng trọt; diện tích gieo trồng cây hàng năm tiếp tục giảm; dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát, tuy nhiên công tác tái đàn của người dân còn gặp nhiều khó khăn do giá con giống quá cao, nguồn cung cấp con giống từ các cơ sở chăn nuôi uy tín, đảm bảo an toàn còn hạn chế,….

Tuy vậy, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; sự nỗ lực, phấn đấu của toàn ngành, các doanh nghiệp và bà con nông dân trên địa bàn toàn tỉnh đã góp phần khắc phục khó khăn, phấn đấu giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp ước đạt 10.394,2 tỷ đồng, tăng 2,86% so với năm 2019.

Cụ thể, trong năm 2020, trên lĩnh vực trồng trọt, cơ cấu cây trồng tiếp tục chuyển biến rõ nét, tỷ lệ giống lúa chất lượng đạt trên 70% tổng diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh. Các cây trồng có giá trị kinh tế cao phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; hình thành một số vùng sản xuất rau, quả hàng hóa tập trung, liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Cơ giới hóa được tăng cường áp dụng trong sản xuất.

Trên lĩnh vực chăn nuôi, ước hết năm 2020, đàn lợn, đàn gia cầm và đàn bò của tỉnh tăng, trong đó, đàn lợn tăng 10,9%, đàn gia cầm tăng 2,62%, đàn bò tăng 0,24% so với cùng kỳ năm 2019.

Với lĩnh vực sản xuất thủy sản, được duy trì ổn định, đàn cá phát triển tốt; diện tích nuôi thâm canh được mở rộng. Các giống cá mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất; giá thủy sản ở mức khá đem lại thu nhập ổn định cho các hộ nuôi trồng thủy sản.  Ước thực hiện năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 6.828,7 ha; sản lượng thủy sản 22,7 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM), đến nay, toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM, 4/9 huyện, thành phố (chiếm 44,4%) được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Bên cạnh đó, có 18 sản phẩm được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm OCOP. Ước tính đến hết năm có 100% số xã đạt chuẩn NTM, 5/9 huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 thôn đạt chuẩn thôn dân cư NTM kiểu mẫu.

 Lĩnh vực sản xuất thủy sản của tỉnh trong năm 2020 được duy trì ổn định (Ảnh minh họa: BT)

Phấn đấu năm 2021 tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 1,5%

Năm 2021 là năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm 2021-2025, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, ngành NN&PTNT Vĩnh Phúc xác định tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi lao động nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030...

Trên cơ sở đó, ngành NN&PTNT của tỉnh Vĩnh Phúc hướng tới mục tiêu trong năm 2021: Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 1,5%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 25%.

Để đạt được mục tiêu trên, theo Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc, địa phương sẽ tập trung triển khai một số nội dung trọng tâm. Cụ thể, về trồng trọt, phối hợp với các địa phương chỉ đạo thực hiện tốt Hướng dẫn cơ cấu giống cây trồng và thời vụ năm 2021. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực; đồng thời, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao.

Về lĩnh vực chăn nuôi, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại lĩnh vực chăn nuôi; rà soát với từng đối tượng nuôi cụ thể để điều chỉnh quy mô phù hợp với nhu cầu thị trường; phát triển các sản phẩm chăn nuôi chủ lực, có lợi thế tại địa phương; phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh và xử lý tốt môi trường. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới (về giống, thức ăn, thú y), công nghệ cao vào sản xuất; đồng thời duy trì và phát triển chăn nuôi nông hộ theo phương thức chăn nuôi hữu cơ, sinh thái. Phát triển mạnh sản xuất, cung ứng, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn tạo liên kết theo chuỗi giá trị.

Trên lĩnh vực thủy sản, tiếp tục thực hiện bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ và quy trình thực hành nuôi tốt (VietGAP); tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi; phát triển nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái.

Cùng với đó, phát triển ngành nghề nông thôn; hỗ trợ bảo tồn và phát triển các làng nghề; gắn hoạt động kinh tế của các làng nghề với dịch vụ du lịch và bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường. Củng cố và phát triển các Hợp tác xã ở các xã NTM; hoàn thành hệ thống hạ tầng thiết yếu trên địa bàn thôn, xã trực tiếp gắn với phát triển sản xuất, đời sống của người dân; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, làm chuyển biến rõ nét môi trường nông thôn theo hướng xanh, sạch, đẹp./.

Thanh Minh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN