Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vĩnh Phúc: Nhiều giải pháp thúc đẩy tiêu dùng nhằm khôi phục sản xuất

Thứ Hai, 30/09/2024 09:56 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do suy giảm kinh tế, song nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong 8 tháng năm 2024 vẫn giữ nhịp độ tăng so với cùng kỳ năm 2023. Để thúc đẩy tiêu dùng nội địa, khôi phục sản xuất, kinh doanh, các cấp, ngành và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang thực hiện nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng trong những tháng cuối năm.

 Vĩnh Phúc: Nhiều giải pháp thúc đẩy tiêu dùng nhằm khôi phục sản xuất

Theo báo cáo của UBND tỉnh, 8 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt hơn 51.486 tỷ đồng, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2023. Nếu so với các tỉnh trong khu vực, mặc dù gặp nhiều khó khăn do suy giảm kinh tế, song từ đầu năm đến nay nhu cầu mua sắm hàng hóa, doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh vẫn có sự phát triển đáng kể.

Để có được kết quả này, ngay từ những tháng đầu năm, các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa. Cụ thể, tăng cường xúc tiến du lịch, thu hút khách về tham quan các khu du lịch kết hợp mua sắm; thường xuyên tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam. Đặc biệt, Sở Công Thương đã phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh tổ chức nhiều chương trình như: Hội chợ Hoa Xuân Tết Giáp Thìn 2024; Hội chợ thương mại, du lịch Lễ hội Tây Thiên - Tam Đảo; 2 phiên chợ hàng Việt về miền núi tại các huyện Sông Lô, Lập Thạch; tổ chức đoàn công tác khảo sát thị trường và xúc tiến thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh và 2 tỉnh Cần Thơ, Cà Mau…

Qua đó, tạo điều kiện tốt cho các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở tăng cường sản xuất, liên doanh liên kết mở rộng thị trường, hợp tác và đầu tư, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và nhân dân có thêm cơ hội mua sắm và quảng bá, giới thiệu những sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp tiêu biểu của địa phương.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Vĩnh Phúc đã có nhiều hoạt động quảng bá giới thiệu sản phẩm trong tỉnh tới người tiêu dùng thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử. Hiện Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến (VPTEX) của tỉnh đang có gần 2.200 doanh nghiệp đăng ký tham gia với hơn 4.200 sản phẩm chào bán. Việc đưa các sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất tiếp cận phương thức kinh doanh mới, tiêu thụ hàng hóa nhanh chóng, thuận lợi hơn.

Các doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng đang tích cực triển khai các chương trình kích cầu, gia tăng sức mua của người dân. Đáng chú ý, việc giảm thuế VAT 2% bắt đầu từ ngày 1/7 và giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 1/9 cùng chính sách cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội, điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30% từ tháng 7/2024 được kỳ vọng sẽ góp phần tăng mức tiêu dùng của người dân trong những tháng cuối năm.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 29 của Thủ tướng Chính phủ về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước những tháng cuối năm 2024. Trọng tâm là chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường tuyên truyền, giới thiệu về sản phẩm trong tỉnh tới người tiêu dùng; phối hợp với đơn vị sự kiện tổ chức các hội chợ kích cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa. Đồng thời, tuyên truyền, vận động, khuyến khích doanh nghiệp tăng nguồn dự trữ hàng hóa, tham gia chương trình bình ổn thị trường dịp cuối năm; tổ chức rà soát, đôn đốc các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh thực hiện chương trình khuyến mại, giảm giá, nhất là với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nhằm thu hút người tiêu dùng mua sắm…

Theo dự báo của các ngành chức năng, lượng hàng hóa lưu thông sẽ tăng mạnh từ nay đến cuối năm. Cùng với đó, hoạt động gian lận thương mại, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng sẽ có nhiều diễn biến phức tạp; hoạt động đầu cơ, găm hàng, tăng giá tùy tiện có thể xảy ra, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh chân chính cũng như quyền lợi của người tiêu dùng. Để kiểm tra, kiểm soát thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa, Cục Quản lý thị trường tỉnh cũng sẽ thường xuyên nắm bắt tình hình diễn biến cung - cầu, giá cả các mặt hàng. Trong đó, tập trung kiểm tra những mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm, như: Quần áo, giày dép, bánh kẹo, nước giải khát, bia rượu, lương thực, thực phẩm, hoa quả và triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán, tàng trữ các loại pháo cũng như đồ chơi nguy hiểm cho trẻ em.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ khuyến khích được người dân tăng cường mua sắm hàng hóa, kích cầu tiêu dùng nội địa, từ đó, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh phát triển.

B.P

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN