Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi hội tụ tình cảm của nhân dân Việt Nam

Thứ Năm, 29/08/2024 09:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đáp ứng nguyện vọng tha thiết của toàn dân, Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ ta đã quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng lǎng của Người tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Ngày 29/8/1975, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức trọng thể lễ khánh thành lǎng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội trường Ba Đình.

Đầu năm 1970, Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng) cùng với Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức nhóm thiết kế phác thảo Lăng Bác trên cơ sở nhiệm vụ thiết kế đã được phê duyệt. Chỉ trong thời gian ngắn, đã có 77 phương án của các cá nhân và tập thể đề xuất. Trong số này, 5 phương án có thể hiện mô hình được chọn để báo cáo Bộ Chính trị. Sau đó, một phương án được chọn để làm việc với phía Liên Xô, nhờ giúp đỡ trong quá trình thiết kế và xây dựng Lăng. Nguồn ảnh: bqllang.gov.vn

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, ngày 29/11/1969, Bộ Chính trị quyết định: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người”. Nhiệm vụ thiêng liêng và trọng trách lớn lao đó được giao cho Quân đội mà trực tiếp là Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Quyết định xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được lan truyền rất nhanh đến mọi tầng lớp nhân dân qua các phương tiện thông tin. Một đợt sáng tác mẫu thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát động. Từ tháng 5 đến tháng 8/1970, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 200 phương án thiết kế của 16 đơn vị, ngành và nhiều cá nhân gửi tới. Hội đồng sơ tuyển đã chọn được 24 phương án có nhiều ưu điểm nhất để triển lãm lấy ý kiến nhân dân từ tháng 9 đến tháng 11/1970 tại 5 địa điểm: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Thái Nguyên, Sơn La.

Từ ý kiến đóng góp của nhân dân, bản “Thiết kế sơ bộ” về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được hoàn chỉnh. Với sự giúp đỡ của Liên Xô, ngày 9/2/1971, Chính phủ hai nước đã ký kết Hiệp định Liên Xô giúp đỡ kỹ thuật cho Việt Nam giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người.

Lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguồn ảnh: bqllang.gov.vn

Ngày 2/9/1973, Lễ khởi công xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã diễn ra tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Với tấm lòng biết ơn và kính yêu vô hạn Hồ Chủ tịch, toàn dân và toàn quân đã đem hết trí tuệ, tinh thần tập trung cao độ để xây dựng ngôi nhà vĩnh cửu của Người. Cả nước hướng về công trình xây dựng Lăng, như một tiếng gọi thiêng liêng của mỗi người dân, mỗi địa phương muốn dành những gì ưu tú nhất của quê hương để được dâng lên Người: Nhà máy Xi măng Hải Phòng đã sản xuất hàng vạn tấn xi măng có chất lượng tốt nhất, trên mỗi bao bì đều in đậm dòng chữ: “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”. Đồng bào, chiến sĩ miền Nam đã vượt bao khó khăn gian khổ của chiến tranh ác liệt, đi hàng ngàn cây số để đưa nhiều vật liệu quý từ Nam Bộ, Tây Nguyên về xây dựng Lăng...

Ngày 29/8/1975, sau 2 năm xây dựng với sự đồng tâm, đồng lòng của toàn dân tộc, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành. Đón Bác về Lăng, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác chuyển sang một giai đoạn mới. Thi hài Bác được bảo vệ và giữ gìn trong một khu vực rộng, hàng ngày có hàng nghìn lượt người đến viếng Bác. Đồng thời, phải tổ chức lực lượng quản lý, vận hành các thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác y tế đặc biệt, bảo đảm an ninh khu vực, tổ chức gác tiêu binh danh dự và đón tiếp khách đến viếng Bác.

Dòng người vào Lăng viếng Bác. 

Về Lăng viếng Bác, đối với mỗi người dân Việt Nam như một nhu cầu tình cảm, một phong tục tập quán mới, một sinh hoạt truyền thống biết ơn cội nguồn, hướng về gốc rễ trước mỗi bước đi lên. Từ cụ già đến các cháu thiếu nhi; từ người dân bình thường đến cán bộ, công chức nhà nước, tuy mỗi người có một tâm trạng khác nhau nhưng khi về bên Bác đều thấy thanh thảnh, bình yên. Nhiều người nước ngoài khi đến Việt Nam, đứng trước Lăng của Người đã có cảm nhận: Hiếm có lãnh tụ nào trên thế giới được nhân dân mến mộ như Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngoài hoạt động phục vụ thăm viếng, trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình còn diễn ra các sinh hoạt văn hoá, chính trị. Những lễ báo công, giao ước thi đua, kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn... và những năm gần đây, nam nữ thanh niên đã hình thành nên phong tục tập quán mới đó là đặt hoa trước Lăng Bác trong ngày cưới. Từ ngày 19/5/2001, nghi lễ chào cờ hàng ngày đã được tiến hành trang trọng trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hình ảnh của Tổ quốc với lãnh tụ được hoà quyện vào nhau, càng tôn thêm giá trị văn hoá, tinh thần và ý nghĩa chính trị của công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bởi vậy, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị sâu sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta, có giá trị thiết thực đối với việc giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách cho mỗi người dân Việt Nam./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN