Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai - bước tiến quan trọng của phong trào văn hóa
(ĐCSVN) - Cùng với Hội nghị lần thứ nhất, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai được xem là “Hội nghị Diên Hồng” đầu tiên về văn hóa - nơi Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ nội hàm và đích đến của “nền văn hóa mới của nước Việt Nam mới”.
Bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai. Ảnh tư liệu |
Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai do Đảng ta chỉ đạo, đã diễn ra từ ngày 16 đến 20/7/1948 tại xã Đào Giã, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, khi cả nước đang trường kỳ kháng chiến chống Pháp. Cùng với Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai được xem là “Hội nghị Diên Hồng” đầu tiên về văn hóa - nơi Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ nội hàm và đích đến của “nền văn hóa mới của nước Việt Nam mới”; thực sự là ánh sáng soi đường tập hợp đông đảo lực lượng văn nghệ sĩ, trí thức, các nhà khoa học trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Mục tiêu của Hội nghị là vạch ra đường lối, nhiệm vụ và phương châm công tác văn hóa; đoàn kết những hoạt động văn hóa thành một mặt trận nhằm động viên các hoạt động văn hóa, văn nghệ kháng chiến, góp phần xây dựng nền văn hóa ở Việt Nam.
Hội nghị đã tập trung hầu hết các nhà lãnh đạo, các nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ nổi tiếng trong toàn quốc về dự.
Các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương chủ trì Hội nghị.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư chúc mừng hội nghị. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên, kêu gọi tri thức, các nhà hoạt động văn hóa văn nghệ tích cực tham gia đóng góp cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, trong phong trào thi đua ái quốc của toàn dân tộc và khẳng định: “Trong sự nghiệp vĩ đại kháng chiến kiến quốc của nhân dân ta, văn hóa gánh một phần rất quan trọng. Từ ngày chính quyền dân chủ thành lập đến nay, các nhà văn hóa ta đã cố gắng và đã có thành tích. Song từ nay trở đi chúng ta cần phải xây đắp một nền văn hóa kháng chiến kiến quốc của toàn dân. Muốn đi đến kết quả đó… các nhà văn hóa ta cần tổ chức chặt chẽ và đi sâu vào quần chúng”.
Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định nhiệm vụ của văn hóa là “chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của quốc dân, mà cũng phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới.
“Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng, chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ, mà còn để lưu truyền cái lịch sử oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho hậu thế” - Lời nhấn mạnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lá thư gửi các đại biểu tham dự Hội nghị cũng chính là lời lý giải vì sao vào đúng giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn ác liệt nhất, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn chỉ đạo tổ chức “Hội nghị Diên Hồng về văn hóa” lần thứ hai.
Người cũng bày tỏ, "đang có phong trào thi đua ái quốc của toàn dân, tôi mong rằng Hội nghị sẽ có một chương trình thi đua ái quốc về mặt trận văn hóa. Tôi chắc rằng, sau Hội nghị, văn hóa của ta sẽ có một sự phát triển mạnh mẽ".
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã được lắng nghe và nâng cao nhận thức lý luận văn hóa theo lập trường mác xít của Đảng. Đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã trình bày một báo cáo khoa học rất quan trọng có nhan đề: Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam. Bản báo cáo đã phát triển, mở rộng Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 của Đảng trên cơ sở các nguyên lý của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử.
Ngoài lời mở đầu và kết luận, Báo cáo được chia làm 7 phần: I: Văn hóa và xã hội; II: Lập trường văn hóa mác xít; III: Văn hóa Việt Nam xưa và nay; IV: Tính chất và nhiệm vụ của văn hóa dân chủ mới Việt Nam; V: Mặt trận văn hóa thống nhất trong mặt trận thống nhất; VI: Văn hóa Việt Nam trong mặt trận văn hóa dân chủ thế giới, VII: Mấy vấn đề cụ thể trong văn học nghệ thuật ở nước ta hiện nay.
Báo cáo Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam thể hiện những giá trị nền tảng lý luận của Đảng, vận dụng quan điểm mác xít về văn hóa vận dụng vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Bản báo cáo đã chỉ rõ tính chất, nhiệm vụ của nền văn hóa dân chủ mới ở nước ta. Đó là: “Về xã hội, lấy giai cấp công nhân làm gốc. Về chính trị, lấy độc lập dân tộc, dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội làm gốc. Về tư tưởng, lấy học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử làm gốc. Về sáng tác văn nghệ, lấy chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa làm gốc".
Báo cáo phân tích tính chất và nhiệm vụ của nền văn hóa mới Việt Nam: “Mục đích của những người làm công tác văn hóa chúng ta là thắng địch, giữ nước, làm cho dân mạnh, dân tiến, dân tin, dân vui, là chống văn hóa nô dịch, ngu dân của thực dân Pháp, khắc phục những tư tưởng phong kiến, lạc hậu trong văn hóa nước nhà, là xây dựng một nền văn hóa dân chủ mới Việt Nam và góp phần văn hóa Việt Nam vào kho tàng văn hóa thế giới".
Báo cáo của Tổng Bí thư Trường Chinh đã chỉ rõ: Muốn hoàn thành nhiệm vụ chính trị - văn hóa trong kháng chiến kiến quốc, để xây dựng nền văn hóa Việt Nam mang tính chất dân tộc, khoa học, đại chúng, cần có người trí thức, tổ chức, văn hóa văn nghệ mới.
Để xây dựng nền văn hóa mới, rất cần có người trí thức, người nghệ sĩ và tổ chức văn hóa, văn nghệ mới. Tác phẩm chỉ ra trách nhiệm của những chiến sĩ văn hóa lúc đó là: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với kháng chiến; không thỏa hiệp với tư tưởng và văn hóa phản động, không trung lập, không giữ thái độ bàng quan; Yêu khoa học, lấy khoa học Mác xít làm kim chỉ nam cho hành động, biết và làm đi đôi, lý luận và thực tiễn kết hợp; Một lòng một dạ phục vụ nhân dân; gần gũi quần chúng công, nông, binh, cảm thông với quần chúng, học hỏi nhân dân, nhưng giáo dục, dìu dắt nhân dân.
“Đó là thái độ chân chính của các chiến sĩ văn hóa mới chúng ta, và cũng là bí quyết thành công của chúng ta” - Tổng Bí thư Trường Chinh nhấn mạnh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nghệ sĩ nhiếp ảnh. (Ảnh tư liệu/nhandan.vn) |
Mặt khác, Hội nghị cũng phê phán một số khuynh hướng, một số quan điểm lệch lạc về mối quan hệ giữa nghệ thuật tuyên truyền về chủ nghĩa hiện thực trong văn nghệ, về quan điểm phục vụ, đối tượng phục vụ.
Đây có thể được xem là văn kiện hoàn chỉnh đầu tiên của Đảng ta về trí thức và văn hóa văn nghệ Việt Nam trong kháng chiến 9 năm (1945-1954).
Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai chính là bước ngoặt bước trưởng thành lớn trong đường lối lãnh đạo văn hóa của Đảng ta trong quá trình xây dựng nền văn hóa mới mang tính chất dân chủ nhân dân, là bản lề mở ra một giai đoạn mới trong văn hóa. Hội nghị có giá trị soi sáng thêm những điều còn băn khoăn trong các văn nghệ sĩ, các nhà văn hóa: Hiện nay đã có nhiều nhà văn hóa đi vào hàng ngũ, tiến một nhịp với toàn dân. Nhưng biết bao người vẫn loay hoay, lúng túng hoặc vẫn sống bên rìa của cuộc chiến đấu của dân tộc. Hội nghị văn hóa này là một cái đà thi đua cho văn nghệ sĩ nước ta.
Theo đó, với đường lối văn hóa “kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”, Đảng ta đã lãnh đạo cả dân tộc giành được nhiều thành tựu nhằm xây dựng một nền văn hoá mới, lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử Việt Nam: Đó là nền văn hóa dân chủ nhân dân.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhân dân ta đã vượt qua bao khó khăn gian khổ để hướng đến xây dựng nên một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, hòa bình, công bằng, dân chủ, văn minh, đem hạnh phúc đến cho con người, nhằm mục đích tới năm 2045, nước ta sẽ trở thành một nước phát triển có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai với tư tưởng và khát vọng cao cả của dân tộc ngày ấy về sức mạnh kỳ diệu của văn hóa, con người Việt Nam vẫn còn tỏa sáng đến mai sau, giúp dân tộc ta đi đến những bến bờ vinh quang hạnh phúc như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.