Hiệp định Geneva 1954: Mở ra một trang mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc
(ĐCSVN) - Ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết, mở ra một trang mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Nhân dân ta.
Cuối năm 1953, trước những chuyển biến mạnh mẽ trên cục diện chiến trường ở Đông Dương, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương mở cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, phối hợp với cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 để đi tới chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và toàn Đông Dương.
Ngày 26/4/1954, khi Quân đội nhân dân Việt Nam kết thúc chiến dịch tấn công đợt 2 ở Điện Biên Phủ thì Hội nghị Geneva bắt đầu được khai mạc. Tham dự hội nghị có đại diện của: Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ, chính quyền Bảo Đại, Campuchia và Lào. Ban đầu, Hội nghị không bàn ngay về vấn đề Đông Dương, mà về vấn đề chiến tranh Triều Tiên.
Hội nghị Geneva (Thụy Sỹ) năm 1954 bàn về lập lại hòa bình ở Đông Dương (Ảnh tư liệu) |
17h30 ngày 7/5/1954, tin thất bại của thực dân Pháp ở chiến trường Điện Biên Phủ gửi về Hội nghị từ Đông Dương. Do đó mà sáng ngày 8/5/1954, vấn đề Đông Dương sớm được đưa lên bàn nghị sự. Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm quyền Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng cùng với 2 phái đoàn của Campuchia và Lào tham dự hội nghị.
Đại diện Chính phủ Việt Nam đến dự hội nghị với tư thế của một dân tộc chiến thắng. Bản đề nghị 8 điểm nổi tiếng của Phạm Văn Đồng cũng được đưa ra làm cơ sở thảo luận tại Hội nghị, bởi nó có ảnh hưởng rất lớn đến nhân dân các nước thuộc địa và các nước thực dân, đặc biệt là đối với nhân dân và chính phủ Pháp. Lập trường cơ bản của Việt Nam là hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ. Nước Pháp phải công nhận chủ quyền độc lập của Việt Nam và của Lào, Campuchia. Vấn đề thống nhất nước Việt Nam phải do nhân dân Việt Nam tự giải quyết, không có sự can thiệp của nước ngoài... Những đề nghị hợp tình, hợp lý của Đoàn đại biểu Việt Nam đã được dư luận tiến bộ ở chính nước Pháp và trên thế giới đồng tình ủng hộ.
Phái đoàn ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn, đến Geneva (Thụy Sĩ) tham dự Hội nghị Geneva về Đông Dương, sau những diễn biến tích cực về chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam tại Chiến dịch Điện Biên Phủ_Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Hội nghị Geneva về Đông Dương năm 1954 trải qua ba giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất: từ ngày 8/5 đến 19/6/1954; giai đoạn thứ hai: từ ngày 20/6 đến 10/7/1954; giai đoạn thứ ba: từ ngày 11/7 đến 21/7/1954; với 75 ngày thương lượng, đàm phán căng thẳng. Nhìn vào thành phần tham gia Hội nghị, Việt Nam có hai đồng minh lớn là Liên Xô và Trung Quốc, nhưng lại phải đấu tranh với 6 bên còn lại. Do lập trường giữa các đoàn có một khoảng cách khá lớn nên các cuộc đàm phán tiến triển rất chậm chạp.
Trải qua 75 ngày đêm đàm phán với 31 phiên họp, trong đó có các phiên họp toàn thể, phiên họp cấp trưởng đoàn cùng nhiều cuộc tiếp xúc song phương và đa phương, Hiệp định Geneva đã được ký kết với các nội dung:
Thỏa thuận chung cho ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia: Công nhận và tôn trọng các quyền cơ bản của nhân dân ba nước Đông Dương: Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, không can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi nước; Đình chỉ chiến sự trên toàn cõi Đông Dương; Pháp rút quân khỏi lãnh thổ ba nước. Quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Lào và Campuchia; Không có căn cứ nước ngoài và không liên minh quân sự với nước ngoài; Tổng tuyển cử ở mỗi nước; Không trả thù những người hợp tác với đối phương; Trao trả tù binh và người bị giam giữ; Thành lập Ủy ban liên hợp, Ủy ban kiểm soát và giám sát quốc tế.
Đối với riêng Việt Nam: Việt Nam bị tạm thời chia cắt thành hai miền qua vĩ tuyến 17, các bên tham gia Hội nghị nhấn mạnh rằng "Dù bất cứ trường hợp nào, không thể coi đó là biên giới chính trị hay lãnh thổ". Sự chia cắt đó chỉ là tạm thời. Hai miền phải thống nhất trước tháng 7 năm 1956 bằng tổng tuyển cử "tự do và dân chủ". Quân Pháp phải rút quân khỏi miền Bắc và Việt Minh rút khỏi miền Nam trong thời hạn 300 ngày; người dân có quyền lựa chọn ở miền Bắc hay miền Nam, trong thời gian đó, họ được tự do đi lại. Nghiêm cấm quân đội nước ngoài xâm nhập lãnh thổ Việt Nam. Một Ủy ban Giám sát quốc tế gồm có Ba Lan, Ấn Độ và Canađa sẽ giám sát việc thi hành các điều khoản của Hiệp định.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chiến ở Việt Nam. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Hiệp định Geneva đã thể hiện bản lĩnh của nền ngoại giao Cách mạng Việt Nam. Lần đầu tiên tham gia vào một hội nghị đa phương trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các nước lớn tham gia hội nghị đều có mục tiêu và lợi ích riêng nhưng đoàn đàm phán của ta đã phát huy chiến thắng trên chiến trường, phát huy sức mạnh chính nghĩa của dân tộc, kiên định về nguyên tắc nhưng mềm dẻo về sách lược để giành được những kết quả quan trọng trên bàn Hội nghị.
Hiệp định Geneva là một thắng lợi to lớn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hiệp định đã chấm dứt ách đô hộ kéo dài hàng thế kỷ của thực dân Pháp ở Việt Nam và trên toàn cõi Đông Dương. Lần đầu tiên các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam được các nước lớn công nhận tại một hội nghị đa phương. Pháp và các nước tham gia hội nghị “cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”, “tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội trị” của Việt Nam, Lào và Campuchia. Pháp buộc phải đình chỉ chiến sự và rút hoàn toàn quân đội khỏi lãnh thổ 3 nước Đông Dương. Gần 20 năm sau, Hiệp định Paris năm 1973 đã khẳng định lại những cơ sở pháp lý quan trọng này: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam đã công nhận”.
Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam cùng với Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 và Hiệp định Paris năm 1973 đã trở thành 3 văn kiện ngoại giao quan trọng nhất trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta. Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneva còn có ý nghĩa quốc tế to lớn và mang tính thời đại sâu sắc; mở đầu cho quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới, làm thay đổi cục diện thế giới và khu vực, thúc đẩy phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đòi độc lập dân tộc. Hiệp định là cơ sở chính trị - pháp lý quốc tế quan trọng để nhân dân Việt Nam đấu tranh trên mặt trận chính trị, ngoại giao, củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, độc lập và dân chủ trong toàn quốc./.