Đường Hồ Chí Minh trên biển - biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng
(ĐCSVN) - Ra đời ngày 23/10/1961, Đường Hồ Chí Minh trên biển là nét độc đáo, sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam, của nghệ thuật quân sự Việt Nam đồng thời là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trí tuệ, ý chí, nghị lực, quyết tâm giành độc lập, tự do cho đất nước của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đất nước ta tạm thời chia cắt thành hai miền Nam - Bắc. Miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai tìm mọi cách phá hoại Hiệp định Giơnevơ, ra sức đàn áp, khủng bố, thực hiện “tố cộng - diệt cộng”, đặt cách mạng miền Nam trước muôn vàn khó khăn, nguy hiểm. Trước tình hình đó, Đảng ta quyết định chuyển hướng cách mạng miền Nam, từ đấu tranh chính trị sang kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài và đề ra chủ trương, nhanh chóng tổ chức chi viện sức người, sức của, vũ khí từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa cho chiến trường miền Nam.
Tàu HQ-671, trong kháng chiến chống Mỹ mang số hiệu 641, là con tàu “Không số” duy nhất còn lại trong số những con tàu làm nên đường Hồ Chí Minh trên biển, đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. Nguồn: TTXVN |
Để kịp thời chi viện cho các chiến trường, đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam; sau khi nghiên cứu, thử nghiệm, rút kinh nghiệm và chuẩn bị về mọi mặt, ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra quyết định thành lập Đoàn Vận tải quân sự 759 (đơn vị tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay), mở tuyến đường vận tải chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Quyết định thành lập Đoàn 759 thể hiện tầm nhìn chiến lược và sáng tạo của Bộ Chính trị mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến đường vận tải chiến lược trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ đây, đường Hồ Chí Minh trên biển - con đường nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, chính thức đi vào hoạt động.
Từ chủ trương đúng đắn đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện với tinh thần, quyết tâm cao nhất, khắc phục mọi khó khăn, thử thách, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, thông tuyến và vận chuyển được vũ khí đến những địa bàn chiến lược, xa hậu phương miền Bắc, vào thời điểm tuyến chi viện Trường Sơn chưa vươn tới. Đó thực sự là kỳ tích trong điều kiện con người, phương tiện của ta, đặc biệt là phải vượt qua sự ngăn chặn, đánh phá quyết liệt của địch.
Đêm 11/10/1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên do đồng chí Lê Văn Một làm Thuyền trưởng, đồng chí Bông Văn Dĩa làm Chính trị viên tàu cùng 11 thủy thủ đã rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng); ngày 16/10, tàu cập bến Vàm Lũng (Cà Mau), 30 tấn vũ khí từ hậu phương miền Bắc đã được chuyển đến chiến trường miền Nam an toàn. Sau thắng lợi chuyến đi đầu tiên, 3 chuyến tiếp theo lần lượt vào Nam. Trong hai tháng, 4 chuyến tàu của Đoàn 759 đã vận chuyển được 111 tấn vũ khí cho Khu 9 an toàn. Đây là một thắng lợi lớn, góp phần củng cố niềm tin và quyết tâm của quân dân miền Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Tập thể cán bộ, chiến sĩ tàu VT41 trước giờ xuất phát tại bến K15 (Đồn Sơn, Hải Phòng) chở gần 30 tấn vũ khí đầu tiên vào Cà Mau thành công (1962) – chuyến đi đầu tiên mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Nguồn: TTXVN |
Khi tuyến đường vận tải biển được khai thông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện biểu dương khen ngợi, đồng thời nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ Đoàn 759 hãy nhanh chóng rút kinh nghiệm, tiếp tục vận chuyển nhanh hơn nữa, nhiều hơn nữa vũ khí cho đồng bào miền Nam giết giặc.
Những chuyến tàu vỏ gỗ đi vào Cà Mau thành công, khẳng định chúng ta có thể vận chuyển bằng đường biển lâu dài, cần phải có những phương tiện vận chuyển tốt hơn đi trong mọi thời tiết. Quân ủy Trung ương chủ trương nhanh chóng đầu tư, trang bị cho Đoàn 759 loại tàu vỏ sắt trọng tải từ 50 tấn đến 100 tấn. Cuối năm 1962, Bộ Tổng Tư lệnh đề nghị Xưởng đóng tàu III (Hải Phòng) thuộc Bộ Giao thông vận tải đảm nhiệm việc đóng tàu vỏ sắt.
Ngày 17/3/1963, chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên do đồng chí Đinh Đạt làm thuyền trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Tiến làm chính trị viên chở 44 tấn vũ khí lên đường đến bến Trà Vinh an toàn. Nhờ tổ chức tốt, kỷ luật nghiêm, ý thức trách nhiệm cao, tinh thần vững vàng và trình độ chuyên môn giỏi, những chuyến đi của Đoàn đều hoàn thành tốt nhiệm vụ và giữ được bí mật. Chỉ trong 1 năm, Đoàn 759 đã thực hiện 29 chuyến hàng vào Nam Bộ, vận chuyển 1.430 tấn vũ khí cho chiến trường, đạt hệ số vận chuyển cao...
Trong giai đoạn 1962 - 1964, khi mà tuyến chi viện chiến lược trên bộ dọc theo Trường Sơn chỉ vươn tới Trị Thiên, Bắc Tây Nguyên, Bắc Khu V thì với hàng ngàn tấn vũ khí được chuyển từ miền Bắc vào Nam Bộ và Nam Trung Bộ bằng đường biển đã góp phần làm thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch. Nhờ có số vũ khí trên, quân và dân ta đã lập nên nhiều chiến công vang dội.
Tàu không số vận chuyển hàng hóa, vũ khí trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh tư liệu. |
Công việc vận chuyển đang tiến triển thuận lợi thì xảy ra sự kiện Tàu 143 bị lộ ở Vũng Rô ngày 16/2/1965. Con đường vận chuyển chiến lược trên biển không còn giữ được bí mật nữa. Biết rõ ý đồ của ta, địch tăng cường tuần tiễu, phong tỏa và kiểm soát chặt chẽ. Việc vận chuyển vũ khí, hàng hóa quân sự chi viện cho chiến trường miền Nam bằng đường biển gặp muôn vàn khó khăn.
Giai đoạn 1965 - 1972, mặc dù bị địch ngăn chặn, phong tỏa rất quyết liệt, khó khăn nguy hiểm, các đơn vị vận tải quân sự đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hi sinh, tổ chức hàng trăm lượt tàu ra khơi, về đích; vận chuyển vũ khí, đạn dược, trang bị kỹ thuật, khí tài quân sự, hàng hóa, thuốc chữa bệnh cùng các cán bộ, chiến sĩ từ hậu phương lớn vào tiền tuyến, đáp ứng kịp thời sức người, sức của cho chiến trường miền Nam trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh. Mỗi chuyến đi là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù, với thiên nhiên, với sóng gió, với mọi khó khăn thử thách, sẵn sàng hy sinh tính mạng, sẵn sàng điểm hỏa khối thuốc nổ đã được bố trí sẵn để hủy tàu, hủy hàng, bảo vệ bí mật con đường, con tàu và bến bãi… Nhiều người con ưu tú của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh, vĩnh viễn yên nghỉ nơi biển cả mênh mông...
Đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh trên biển đã tạo thành hai tuyến vận tải chiến lược, bổ sung, hỗ trợ cho nhau, đáp ứng nhu cầu của hai hướng chiến lược trên chiến trường Nam Bộ là cánh Đông và cánh Tây, chi viện kịp thời, hiệu quả sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Theo dòng thời gian, đường Hồ Chí Minh trên biển với những con tàu không số, gắn liền với tên tuổi, địa danh và biết bao chiến công hiển hách của những anh hùng liệt sĩ, của quân và dân ta vẫn mãi khắc ghi vào lịch sử dân tộc như một con đường huyền thoại - một trong những đỉnh cao của chiến tranh nhân dân Việt Nam, của truyền thống yêu nước, ý chí quật cường và sức sáng tạo; phản ánh khát vọng cháy bỏng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam./.