Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đổi mới chương trình công tác UBTVQH theo hướng từ sớm, từ xa

Thứ Tư, 14/12/2022 17:24 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Nghị quyết Chương trình công tác năm 2023 của UBTVQH cần nêu rõ tinh thần tiếp tục đổi mới theo hướng từ sớm, từ xa, đề cao công tác nghiên cứu tài liệu, công tác chuẩn bị cho ý kiến kỹ lưỡng từ các cơ quan của Quốc hội và UBTVQH.

Chiều 14/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, thông qua Chương trình công tác năm 2023 của UBTVQH.

Báo cáo về việc xây dựng dự thảo Nghị quyết Chương trình công tác năm 2023 của UBTVQH, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết và bố trí các nội dung trong Chương trình công tác năm 2023 của UBTVQH bám sát 3 nguyên tắc: Tuân thủ đúng thẩm quyền của UBTVQH và trình tự, thủ tục trong xem xét, quyết định, cho ý kiến về các nội dung thuộc thẩm quyền của UBTVQH theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quy chế làm việc của UBTVQH và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Bảo đảm tính toàn diện, khoa học, hợp lý và khả thi trong việc bố trí các nội dung thuộc Chương trình công tác của UBTVQH.

Theo nguyên tắc này, chưa bố trí vào chương trình các phiên họp thường kỳ, phiên họp chuyên đề của UBTVQH trong năm 2023 đối với 12 dự án luật theo đề xuất của Chính phủ, 02 dự án luật, 01 dự án pháp lệnh theo đề xuất của Tòa án nhân dân tối cao chưa có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban. Ảnh: TH.

Tại phiên họp tháng 5 và tháng 10/2023, UBTVQH tập trung cho ý kiến đối với các nội dung sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp; không bố trí cho ý kiến đối với các dự án luật trình Quốc hội lần đầu do 02 phiên họp này sát ngày khai mạc kỳ họp thứ 5, thứ 6 của Quốc hội khóa XV.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng cho biết, dự kiến trong năm 2023, UBTVQH tổ chức 12 phiên họp thường kỳ và 05 phiên họp chuyên đề, xem xét, cho ý kiến, quyết định hơn 80 nội dung tại phiên họp và cho ý kiến bằng văn bản đối với một số nội dung khác.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng nêu một số vấn đề xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Góp ý vào dự thảo Chương trình công tác, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, có thể các báo cáo từ trước đến nay còn gửi xin ý kiến Quốc hội mà không có dịp để thảo luận thì mỗi năm có thể chọn ra một số các báo cáo để trình Quốc hội và thảo luận. Ví dụ như về bình đẳng giới thì khóa trước cũng có một lần trình trước Quốc hội và thảo luận về báo cáo này. Còn báo cáo về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, nếu tiếp tục báo cáo trước Quốc hội năm nay thì cũng rất tốt.

Liên quan đến nội dung về việc kéo dài thời gian hiệu lực của Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu ở các tổ chức tín dụng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết ,Quốc hội thống nhất kéo dài hiệu lực Nghị quyết đến ngày 31/12/2023, giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa quy định xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, cùng với việc rà soát sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng trình Quốc hội xem xét chậm nhất là tại Kỳ họp thứ 5 vào năm 2023, do đó đề nghị bổ sung thêm nội dung này vào Chương trình.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được xây dựng rất công phu, bài bản, tương đối toàn diện, bao quát đầy đủ. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định cho rằng, Nghị quyết nên viết ngắn gọn hơn và bổ sung phần đánh giá tình hình thực hiện chương trình công tác năm cũ, rút ra một số kinh nghiệm để xây dựng chương trình trong năm mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Nghị quyết cần nêu rõ tinh thần tiếp tục đổi mới theo hướng từ sớm, từ xa, đề cao công tác nghiên cứu tài liệu, công tác chuẩn bị cho ý kiến kỹ lưỡng từ các cơ quan của Quốc hội và UBTVQH. Chỉ đưa ra UBTVQH những vấn đề lớn, còn ý kiến khác nhau, vấn đề xin ý kiến UBTVQH; việc trình UBTVQH cần có dự thảo văn bản kèm theo; đối với những nội dung đã có sự thống nhất cao và mang tính nội bộ có thể trình bằng văn bản, dành thời gian cho ý kiến vào những vấn đề lớn; giảm thời gian đọc Tờ trình… để giúp tiết kiệm thời gian họp tập trung và nâng cao chất lượng các phiên họp của UBTVQH.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị giảm phiên họp chuyên đề xuống còn 2 phiên họp chuyên đề/một năm, tăng thời gian họp UBTVQH, bởi có phiên họp của UBTVQH chỉ kéo dài 0,5-1 ngày; đồng thời bố trí dự phòng đối với từng phiên họp UBTVQH…/.

Vy Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN