Đẩy mạnh các hoạt động phòng chống HIV/AIDS hướng tới mục tiêu kết thúc đại dịch vào năm 2030
(ĐCSVN) - Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, hướng tới mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030, nhiều tỉnh, thành phố đã nỗ lực triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS nhằm khống chế, không để HIV lan rộng trong cộng đồng.
* Công tác phòng, chống HIV/AIDS, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm nhờ được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành đoàn thể ở tỉnh Bắc Ninh, Ban chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc, bám sát vào tình hình thực tế.
Thời gian qua, Sở Y tế Bắc Ninh phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác truyền thông. Phối hợp với Báo Bắc Ninh, Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh đăng tải, phát sóng nhiều tin, bài với trọng tâm nội dung phản ánh về công tác điều trị ARV, bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV, thực hiện các mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và hướng tới kết thúc AIDS vào năm 2030.
Bên cạnh đó, tiến hành tiếp cận truyền thông, cấp phát bơm kim tiêm và bao cao su cho trên người nghiện chích ma túy, phát miễn phí bơm kim tiêm, thu gom bơm kim tiêm qua sử dụng, cấp ống nước cất và bao cao su cho các đối tượng...
Tính đến ngày 20/6, toàn tỉnh có 34.236 lượt người được tư vấn xét nghiệm HIV, tổng số khẳng định HIV là 44 trường hợp. Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV mẹ - con (tháng 6) được tổ chức với chương trình xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai cho 14.254 lượt, đồng thời triển khai chương trình tư vấn và lấy máu xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại trạm y tế trong các đợt tiêm chủng mở rộng và quản lí thai nghén.
Để nâng cao hơn nữa công tác này, thời gian tới, ngành Y tế tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động chuyên môn kĩ thuật phòng, chống HIV/AIDS với một số giải pháp cụ thể về hoạt động truyền thông, xã hội hóa một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, dạy nghề, tạo điều kiện cho bệnh nhân điều trị Methadone…
* Ngành y tế tỉnh Quảng Trị đang nỗ lực triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS nhằm mục tiêu khống chế, không để HIV lan rộng trong cộng đồng.
Tính đến ngày 30/6/2018, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị lũy tích 314 người nhiễm HIV/AIDS, 160 người chuyển sang giai đoạn AIDS và 95 người tử vong do AIDS ở 82/141 xã, phường, thị trấn. Trong 6 tháng đầu năm 2018, ngành y tế tỉnh Quảng Trị đã phát hiện thêm 3 trường hợp nhiễm HIV với 2 trong số đó là người nội tỉnh, không ghi nhận trường hợp người nhiễm HIV chuyển sang AIDS và tử vong do AIDS..
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Khoa Phòng chống HIV/AIDS của Trung tâm Y tế (TTYT) Dự phòng tỉnh Quảng Trị đã tổ chức 6 lớp tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng truyền thông phòng chống HIV/AIDS của 240 nhân viên y tế thôn, bản. Triển khai thực hiện Tháng Cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2018, khoa đã tổ chức 3 lớp tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng tư vấn dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho 105 chuyên trách HIV/AIDS và nữ hộ sinh các trạm y tế của 9 huyện, thị xã, thành phố...
* Theo báo cáo, trong 06 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh Kom Tum phát hiện mới 14 trường hợp nhiễm HIV, 03 trường hợp nhiễm HIV chuyển sang bệnh AIDS, 05 trường hợp tử vong do HIV/AIDS. Lũy tích đến tháng 6/2018, tổng số người nhiễm HIV là 473 người; tổng số người nhiễm chuyển sang giai đoạn AIDS là 273 người; số tử vong do HIV/AIDS là 174 người; số người nhiễm HIV/AIDS còn sống là 299 người. Đến nay, tổng số bệnh nhân HIV/AIDS điều trị ARV là 107 người.
Tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn, các cơ quan chức năng Kon Tum đã chủ động phối hợp với các đơn vị truyền thông tổ chức phát sóng, xây dựng chuyên mục tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS; ngành Y tế và các địa phương tăng cường đăng tải tin, bài, hình ảnh tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS trên trang thông tin điện tử, chú trọng việc lồng ghép triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”. Đồng thời, ngành Y tế cung cấp Tạp chí AIDS và cộng đồng; sổ tay hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS phục vụ công tác tuyên truyền tại Trung tâm y tế các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan; tăng cường triển khai các biện pháp can thiệp giảm tác hại bằng bao cao su, bơm kim tiêm đến nhóm đối tượng như người nghiện ma túy, người bán dâm, người nhiễm HIV, bạn tình của các đối tượng được can thiệp…
Bên cạnh đó, ngành Y tế Kon Tum đã triển khai giám sát phát hiện HIV trên tất cả các huyện, thành phố; phát triển hệ thống phần mềm thu thập thông tin phòng chống HIV/AIDS để phục vụ việc quản lý, sử dụng các số liệu về hoạt động phòng chống HIV/AIDS; phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên giám sát, hỗ trợ công tác phòng, chống HIV/AIDS đợt I/2018 tại một số Trung tâm y tế huyện, thành phố...
* Trong nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động phòng chống HIV/AIDS nhằm khống chế, không để HIV lan rộng trong cộng đồng, UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Công văn số 5454/UBND-KGVX về việc tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Y tế phối hợp với các Sở, ngành liên quan đẩy mạnh các hoạt động truyền thông chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; đảm bảo người nhiễm HIV/AIDS được đối xử bình đẳng và được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế và các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ cần thiết khác; cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và can thiệp, dự phòng, điều trị ma túy tổng hợp; mở rộng can thiệp cho nhóm quan hệ tình dục đồng giới, triệt để thực hiện dự phòng phổ cập, tập trung can thiệp dự phòng cho các nhóm nguy cơ cao, các nhóm dễ bị tổn thương, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS và các cơ sở y tế tăng cường giám sát chủ động, phát hiện sớm và điều trị bệnh nhân AIDS. Mở rộng xét nghiệm HIV tại cộng đồng, tư vấn xét nghiệm HIV lưu động tại nhà. Triển khai điều trị ngay khi phát hiện các trường hợp HIV dương tính. Đẩy mạnh dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Chỉ đạo các cơ sở điều trị chuẩn bị các điều kiện để bắt đầu thanh toán thuốc điều trị kháng vi rút HIV (ARV) qua bảo hiểm y tế từ năm 2019.
UBND huyện, thị xã, thành phố Quảng Nam tăng cường phối hợp liên ngành, nâng cao trách nhiệm phòng, chống HIV/AIDS của các cấp, ngành, huy động các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, mạng lưới người nguy cơ cao, nhiễm HIV/AIDS tham gia hoạt động phòng chống HIV/AIDS./.