Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đại hội quốc dân Tân Trào - Hội nghị Diên Hồng của Cách mạng Việt Nam

Thứ Sáu, 16/08/2024 11:10 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Từ ngày 16 đến 17/8/1945, tại đình Tân Trào đã diễn ra Quốc dân Đại hội Tân Trào. Quốc dân Đại hội diễn ra trong bối cảnh quân dân ta đang đẩy mạnh phong trào kháng Nhật cứu quốc, tạo tiền đề mạnh mẽ cho cuộc Tổng khởi nghĩa giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu Quốc dân Đại hội tại Đình Tân Trào. (Tranh sơn dầu: Họa sĩ Cao Thương) 

Đại hội quốc dân tại Tân Trào là đại hội đại biểu của cả nước, gồm đủ các thành phần thuộc các đoàn thể, đảng phái, các cá nhân tiêu biểu cho dân tộc, tôn giáo, các địa phương ở Bắc, Trung, Nam…, tạo thành định chế dân cử mang tính nhân dân cao, như Quốc hội trong thời chiến.

Trong quá trình chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho quốc dân đồng bào thông báo chủ trương triệu tập Đại hội đại biểu quốc dân để thành lập một cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân ta, tạo nên sức mạnh dân tộc bên trong và tranh thủ ngoại viện của quốc tế nhằm chớp thời cơ thuận lợi thực hiện cho được mục tiêu độc lập, tự do.

Vì vậy, giữa tháng 8/1945, khi chủ nghĩa phát xít tuyên bố đầu hàng các nước Đồng minh không điều kiện và lực lượng cách mạng Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong cả nước, Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945 để quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước.

Đến chiều ngày 16/8/1945, tại đình Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh (Việt Nam độc lập Đồng minh hội) Đại hội đại biểu quốc dân (nay gọi là Quốc dân Đại hội Tân Trào) chính thức khai mạc.

Tham dự đại hội có hơn 60 đại biểu đại diện cho cả 3 miền Bắc-Trung-Nam, đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc và một số Việt kiều ở Thái Lan và Lào, để bàn kế hoạch Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về nhân dân.

Tại Đại hội, đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương đọc báo cáo, trong đó nhấn mạnh hai vấn đề lớn: Tổng khởi nghĩa và bầu Ủy ban dân tộc giải phóng. Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương lãnh đạo quần chúng nhân dân nổi dậy tước vũ khí của Nhật trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương, giành lấy chính quyền từ tay Nhật, lật đổ bọn bù nhìn tay sai của Nhật, đứng địa vị cầm quyền mà tiếp đón quân Đồng minh vào giải giáp quân Nhật trên đất Đông Dương.

Đại hội đã nghe đồng chí Hoàng Quốc Việt báo cáo về phong trào công nhân, đồng chí Trần Đức Thịnh báo cáo về vấn đề nông dân, đồng chí Nguyễn Đình Thi báo cáo về vấn đề văn hoá, đồng chí Hoàng Đạo Thuý về báo cáo về các hoạt động hướng đạo, v.v... Đại hội đại biểu quốc dân đã thông qua 3 quyết định lớn:

Thứ nhất, nhất trí tán thành chủ trương phát động Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương và Tổng bộ Việt Minh;

Thứ hai, thông qua 10 chính sách của Việt Minh, gồm:

“1. Giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trên nền tảng hoàn toàn độc lập.

2. Võ trang nhân dân Phát triển Quân Giải phóng Việt Nam.

3. Tịch thu tài sản của giặc nước và của Việt gian, tuỳ từng trường hợp sung công làm của quốc gia hay chia cho dân nghèo.

4. Bỏ các thứ thuế do Pháp, Nhật đặt ra; đặt một thứ thuế công bằng và nhẹ.

5. Ban bố những quyền của dân cho dân:

- Nhân quyền.

- Tài quyền (quyền sở hữu).

- Dân quyền: quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ (tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, ngôn luận, hội họp, đi lại), dân tộc bình quyền, nam nữ bình quyền.

6. Chia lại ruộng công cho công bằng, giảm địa tô, giảm lợi tức, hoãn nợ, cứu tế nạn dân.

7. Ban bố luật lao động; ngày làm tám giờ, định lương tối thiểu, đặt xã hội bảo hiểm.

8. Xây dựng nền kinh tế quốc dân, phát triển nông nghiệp. Mở quốc gia ngân hàng.

9. Xây dựng nền quốc dân giáo dục; chống nạn mù chữ, phổ thông và cưỡng bách giáo dục đến bậc sơ cấp. Kiến thiết nền văn hoá mới.

10. Thân thiện và giao hảo với các nước Đồng minh và các nước nhược tiểu dân tộc để giành lấy sự đồng tình và sức ủng hộ của họ".

Đình Tân Trào. 

Đồng thời hiệu triệu đồng bào tích cực phấn đấu thực hiện, trong đó, điểm mấu chốt đầu tiên là giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập;

Thứ ba, thành lập Ủy ban Dân tộc gải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch và các Ủy viên là: Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Dương Đức Hiền, Chu Văn Tấn, Nguyễn Văn Xuân, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Lê Văn Hiến, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Hữu Đang. Thường trực Ủy ban gồm 5 người: Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Dương Đức Hiền.

Đại hội cũng quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa, Quốc ca là bài Tiến quân ca.

Ngày 17/8/1945 Đại hội bế mạc.

Quốc dân Đại hội diễn ra khẩn trương và thắng lợi trong đêm trước cuộc Cách mạng Tháng Tám là hình ảnh tiêu biểu của khối đoàn kết dân tộc đồng tâm nhất trí đứng lên đem sức ta mà giải phóng cho ta ở một thời điểm thuận lợi ngàn năm có một.

Thắng lợi đó là một biểu hiện sáng tạo độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc vận dụng và thực thi từng bước tư tưởng dân quyền ngay trong tiến trình đấu tranh giành quyền độc lập dân tộc bằng hình thức tổ chức Quốc dân Đại hội để thông qua quyết sách chuyển xoay vận nước bằng Tổng khởi nghĩa, xoá khởi nghĩa, xoá bỏ chế độ cũ, thi hành 10 chính sách của Việt Minh, đặt cơ sở mang tính pháp lý cách mạng đầu tiên cho một chế độ mới của dân, do dân và vì dân sắp ra đời.

Thực hiện nghị quyết tổng khởi nghĩa giành chính quyền của Quốc dân Đại hội và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước, triệu người như một nhất tề nổi dậy với ý chí dù có hy sinh đến đâu, cũng phải giành cho được chính quyền trong toàn quốc./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN