Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đã có 372 thôn, bản đã ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn trong giai đoạn 2011 - 2015

Thứ Ba, 20/12/2016 10:55 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - "So với yêu cầu chưa đạt được, nhưng so với chính mình, vùng dân tộc thiểu số đã có bước phát triển đáng ghi nhận". Đó là lời phát biểu giải trình của đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.


Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu giải trình tại kỳ họp lần thứ hai, Quốc hội khóa XIV (ngày 3/11/2016)
Nguồn ảnh: Cổng thông tin điện tử Ủy ban Dân tộc

Đồng chí Đỗ Văn Chiến còn cho biết thêm, trong giai đoạn 2011 - 2015 Nhà nước đã đầu tư định canh, định cư cho 30 nghìn hộ; hỗ trợ đất sản xuất, đất ở cho 12 nghìn hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề 7 nghìn hộ; 80 xã, 372 thôn, bản đã ra khỏi tình trạng ĐBKK, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 35% xuống còn 16,8% cuối năm 2015.

Thực tế cho thấy vẫn còn những khó khăn, bất cập trong sản xuất, đời sống, giáo dục, y tế, văn hóa... của vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Do vậy, từ trung ương tới địa phương, các ngành, các cấp vẫn cần quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, nhất là các chủ trương, giải pháp lớn về đại đoàn kết các dân tộc, về quan tâm đầu tư phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách dân tộc giai đoạn 2011 - 2015, đánh giá đúng đắn kết quả đạt được, chỉ ra hạn chế, bất cập, nguyên nhân để làm cơ sở xây dựng chính sách giai đoạn 2016 - 2020; Điều tra, đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số đến từng xã, từng dân tộc, lập cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách; Nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách dân tộc giai đoạn 2016 - 2020.

Đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách rất quan trọng cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, Về nhóm chính sách chung, yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ phân bổ nguồn lực cho vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số, miền núi phải được ưu tiên cao hơn 2 - 4 lần so với nơi khác; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016), vùng dân tộc thiểu số và miền núi được thụ hưởng Dự án 1 là Hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các huyện nghèo 30a (18.745 tỷ đồng); Dự án 2 là Chương trình 135 với 3 hợp phần (tăng 1 hợp phần so với giai đoạn 2011 - 2015) với số vốn kế hoạch 15.936 tỷ đồng (cả 2 Dự án gần 35.000 tỷ đồng).

Thứ hai, Về nhóm chính sách đặc thù, ngoài chính sách chung, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, ban hành thêm một số chính sách đặc thù cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, cụ thể là 6 chính sách:

Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng Dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 (Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025 (Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ). Hỗ trợ trực tiếp cho 12 dân tộc rất ít người ở 194 thôn, bản thuộc 93 xã ở 37 huyện của 12 tỉnh (vốn kế hoạch 1.800 tỷ đồng);

Chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn(Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ). Hỗ trợ cả gạo, tiền ăn, tiền thuê chỗ ở, tiền thuê người nấu ăn cho các em (theo tôi chính sách như vậy là rất tốt, khó có thể tốt hơn nữa). Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bố trí 6.000 tỷ đồng cho kiên cố hóa trường, lớp học, chủ yếu cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020 (Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ). Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030. Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025 (Quyết định số 498/QĐ-TTg  ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ).

Theo đó, còn 3 chính sách nữa, các Bộ, ngành đã thống nhất trình Chính phủ, Chính phủ đang xem xét để phê duyệt.

Ngoài ra, theo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2011 – 2015, các Bộ, ban, ngành chức năng đã xác định rõ một số vướng mắc, bất cập và đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cho phù hợp với thực tế: Từ hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình sang hỗ trợ cho cộng đồng, tạo sinh kế (khắc phục tình trạng không hộ nào muốn thoát nghèo); từ cho không sang cho vay với lãi suất ưu đãi (khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại); từ hỗ trợ lâu dài sang hỗ trợ có điều kiện (hỗ trợtừ 3 - 5 năm phải cam kết thoát nghèo...); đối với những hộ già cả, mất sức lao động, không nơi nương tựa, hộ tàn tật,... chuyển sang hưởng chính sách xã hội.

Có thể nói, quá trình thực hiện chính sách dân tộc cũng cho thấy cần phải phân cấp mạnh hơn nữa cho địa phương (tỉnh, huyện) quản lý, có sự tham gia của cộng đồng.

Tuy nhiên, vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất (tỷ lệ hộ nghèo cao gấp hơn 3 lần so với bình quân chung của cả nước, nhiều tỉnh tỷ lệ hộ nghèo rất cao: Điện Biên: 48%, Sơn La: 47,8%, Hà Giang: 43,6%, Cao Bằng: 42,3%, Lai Châu: 40%, Lào Cai: 34%, Kon Tum: 26%...; thiên tai, dịch bệnh; thiếu việc làm, thu nhập thấp; tỷ lệ trẻ em bỏ học cao... vẫn đang là thách thức rất lớn).

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi gồm 5.259 xã, ở 457 huyện, thuộc 52 tỉnh, thành phố, với 13,4 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước, sinh sống chủ yếu ở nơi khó khăn nhất (trên 8 triệu người dân tộc thiểu số sống ở vùng biên giới), địa hình chia cắt, giao thông cách trở, đất rộng, người thưa. Dân số chiếm 1/6 nhưng diện tích chiếm 3/4, có huyện ở miền núi diện tích bằng một tỉnh ở đồng bằng. Có 2.400 xã, 3.100 thôn, bản đặc biệt khó khăn, nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn mà ngân sách nhà nước thì khó khăn. Mặc dù rất cố gắng nhưng giai đoạn 2011 - 2015, ngoài chương trình 135 bố trí đủ vốn (16.762 tỷ đồng), các chính sách còn lại chỉ cân đối được 7.557 tỷ/14.615 tỷ theo đề án được phê duyệt chiếm 51,7%.

Có thể nói, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc rất đúng đắn; Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành luôn dành sự ưu tiên cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào. Song bên cạnh đó, rất cần sự chủ động của đồng bào dân tộc thiểu số, đoàn kết cùng đồng lòng, chung sức, chia sẻ khó khăn chung với Nhà nước. Điều quan trọng nhất lúc này là đồng bào dân tộc thiểu số phải khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tự ti; quyết tâm vượt qua chính mình, tìm tòi, học tập, thay đổi cách làm ăn để thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng./.

T.L

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN