Công bố Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam - Đường đến phát thải ròng bằng không
(ĐCSVN) - Báo cáo đưa ra các kịch bản phát triển của hệ thống năng lượng Việt Nam đến năm 2050, tập trung vào việc phân tích các lộ trình thực tế để Việt Nam đạt được cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam - Đường đến phát thải ròng bằng không. |
Ngày 19/6, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, Cục Năng lượng Đan Mạch tổ chức Lễ công bố Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam - Đường đến phát thải ròng bằng không.
Báo cáo này là ấn phẩm thứ 4 trong chuỗi các Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam được xây dựng trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch. Đây là chương trình hợp tác đối tác lâu dài giữa Việt Nam và Đan Mạch trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng xanh.
Thông điệp của báo cáo hướng đến lựa chọn tốt nhất và hiệu quả nhất về chi phí nhằm hỗ trợ tăng trưởng bền vững của Việt Nam là mở rộng quy mô điện mặt trời và điện gió, cũng như điện hóa ngành giao thông vận tải và công nghiệp. Điều quan trọng là cần sớm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh tại Việt Nam để tránh những chi phí lớn không cần thiết.
Báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị cụ thể về cách Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trung hòa khí hậu vào năm 2050 và đảm bảo đạt đỉnh phát thải carbon vào năm 2030.
Ông Đoàn Ngọc Dương - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo |
Phát biểu tại Lễ công bố, ông Đoàn Ngọc Dương - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết: Việt Nam là quốc gia có quy mô nền kinh tế đang tăng nhanh với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm từ 6 - 7% trong vòng vài thập kỷ gần đây. Trong giai đoạn 2020 - 2023, mặc dù tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp, nền kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi và phát triển khả quan so với nhiều nền kinh tế trên thế giới. Việt Nam đang nỗ lực mạnh mẽ để hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Trong bối cảnh đó, nhu cầu năng lượng và nhu cầu điện của Việt Nam trong những năm tới dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và dân sinh.
Tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu COP26 được tổ chức tại Glasgow (Vương quốc Anh) vào tháng 11/2021, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Cam kết này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu chuyển dịch từ nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu.
Ông Đoàn Ngọc Dương khẳng định, so với các ấn phẩm trước đây, Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam - Đường đến phát thải ròng bằng không xem xét và phân tích các kịch bản triển vọng năng lượng với các giả định đầu vào khác nhau nhằm nghiên cứu các khả năng đảm bảo nhu cầu năng lượng để phát triển kinh tế - xã hội trong các tình huống khác nhau cho Việt Nam trong tình hình mới. Đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi hệ thống năng lượng xanh và bền vững, đạt được các cam kết của Việt Nam với quốc tế trong lĩnh vực năng lượng và chống biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) và các mục tiêu liên quan trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ông Nicolai Prytz Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam |
Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam ông Nicolai Prytz cũng cho biết thêm, báo cáo là tài liệu tham khảo cho các đối tác Việt Nam trong quá trình ra quyết định cũng như hỗ trợ Việt Nam trong việc định hình quá trình chuyển đổi năng lượng xanh.
“Báo cáo Triển vọng Năng lượng - Đường đến phát thải ròng bằng không là một kết quả quan trọng của Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng lâu dài giữa chúng tôi và Việt Nam. Đây cũng là một lĩnh vực hợp tác chủ chốt trong Quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh Việt Nam - Đan Mạch. Tôi hy vọng rằng báo cáo này sẽ là một nguồn tài liệu tham khảo có giá trị cho các đối tác Việt Nam trong quá trình ra quyết định cũng như hỗ trợ Việt Nam trong việc định hình quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của mình. Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không, Việt Nam cần có những nỗ lực nhanh chóng, mạnh mẽ và bền vững. Điều này không chỉ quan trọng trong việc giải quyết nhu cầu năng lượng ngày càng tăng mà còn giúp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi việc tiếp cận năng lượng tái tạo ngày càng trở nên quan trọng trong các quyết định đầu tư. Đan Mạch cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi này” - Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam ông Nicolai Prytz chia sẻ.
Trong khuôn khổ lễ công bố báo cáo đã diễn ra buổi tọa đàm với sự tham gia của đại diện các cơ quan hoạch định chính sách Việt Nam, Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz và Cục trưởng Cục Năng lượng Đan Mạch, ông Kristoffer Böttzauw. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận về những phát hiện chính và những tác động chính sách của báo cáo, bao gồm các rào cản đối với việc mở rộng đầu tư vào năng lượng xanh, tầm quan trọng của tăng trưởng kinh tế xanh và vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong quá trình chuyển đổi xanh. Buổi tọa đàm mang ý nghĩa quan trọng không chỉ trong việc nâng cao nhận thức về các thách thức và cơ hội hiện tại mà còn tạo ra một diễn đàn mở để các bên liên quan trao đổi ý kiến và tìm kiếm các giải pháp chung. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, góp phần vào công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và bền vững./.