Bình Dương tập trung cho chuyển đổi số
(ĐCSVN) – Trong Năm 2024, tỉnh Bình Dương thực hiện chủ đề "Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột: công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững" của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số…
Hiệu quả từ chuyển đổi số
Trung tâm điều hành, giám sát thông minh tỉnh Bình Dương. (Ảnh: UBND tỉnh Bình Dương) |
Theo đó, địa phương này tập trung nâng cao chất lượng chuyển đổi số trên các lĩnh vựcphục vụ người dân và doanh nghiệp. Thực hiện chuyển đổi số theo hướng mang lại kết quả thực chất, bền vững, ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng thuộc các chương trình, chiến lược quốc gia về phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Nghị quyết của Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh về chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng năm 2030. Kế hoạch chuyển đổi số phải rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm gắn với bố trí nguồn lực phù hợp; các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phải định lượng được, dễ triển khai, dễ đánh giá, dễ kiểm tra, giám sát; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiểm tra, đôn đốc, nghiêm khắc phê bình những cá nhân, đơn vị chậm chễ, không theo đúng kế hoạch.
Đồng thời, Bình Dương xây dựng, hoàn thiện hạ tầng số, nền tảng số, phần mềm và ứng dụng công nghệ thông tin để tạo lập, phát triển, kết nối, chia sẻ dữ liệu số tạo tiền đề phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số dựa trên kết quả Đề án 06, gắn với cải cách hành chính và phát triển thành phố thông minh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền và chất lượng dịch vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp; phấn đấu đưa Bình Dương vào TOP 10 tỉnh, thành phố về chỉ số chuyển đổi số.
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, đối với phát triển Chính quyền số, địa phương tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ cơ quan Nhà nước đảm bảo 100% hồ sơ thủ tục hành chính đủ điều kiện, hồ sơ công việc được xử lý trực tuyến; số hóa, kết nối liên thông toàn trình cơ sở dữ liệu, phần mềm nghiệp vụ hỗ trợ xử lý toàn trình trên môi trường mạng, cán bộ công chức, viên chức làm việc hoàn toàn trên môi trường mạng thông qua các nền tảng số của quốc gia và địa phương; đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ người dân và doanh nghiệp với việc triển khai rà soát cắt giảm quy trình cung cấp trên 80% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện, trong đó có 65% cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ tỉnh đến địa phương; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; trên 50% người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến từ xa tại nhà không phải đến cơ quan Nhà nước; 100% cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử…
Đối với phát triển dữ liệu số, phấn đấu đạt 100% cơ quan Nhà nước của tỉnh tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; 100% sở, ban, ngành, địa phương ban hành danh mục cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý và có kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu trong danh mục; 100% sở, ban, ngành, địa phương ban hành kế hoạch về dữ liệu mở, bao gồm danh mục dữ liệu mở, kế hoạch công bố dữ liệu mở của cơ quan Nhà nước thuộc phạm vi quản lý và mức độ tối thiểu cần đạt được trong từng giai đoạn của kế hoạch; hình thành kho dữ liệu dùng chung được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia và cung cấp dữ liệu mở của cơ quan Nhà nước của tỉnh để phục vụ phát triển Chính quyền số, phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội…
Có thể thấy, với sự năng động, sáng tạo, mạnh dạn triển khai những cách làm mới, tỉnh Bình Dương đã và đang nỗ lực chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực.
Là thành phố trẻ của tỉnh Bình Dương, Tân Uyên đang tích cực đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực. Người dân và doanh nghiệp đến Trung tâm Hành chính thành phố Tân Uyên đều được hướng dẫn làm hồ sơ và đăng ký sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cũng là một trong các đơn vị đạt được những kết quả rõ nét trong quá trình chuyển đổi số. Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, 100% thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đơn vị quản lý được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 trở lên, thời gian thực hiện một số thủ tục đã giảm từ 1 đến 5 ngày so với quy định. Bên cạnh đó, Sở còn chia sẻ công khai, minh bạch dữ liệu tài nguyên và môi trường như đất đai, quy hoạch, giá đất, khai thác khoáng sản…, thông qua Trang thông tin điện tử của Sở và Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) Bình Dương, giúp các ngành chức năng, tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận, tra cứu, sử dụng thông tin.
Tại Sở Giáo dục và Đào tạo đến nay, 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đều sử dụng phần mềm quản lý trường học, kết nối đồng bộ với cơ sở dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 100% cơ sở giáo dục đã triển khai các ứng dụng hồ sơ, sổ sách điện tử; triển khai thanh toán các loại phí giáo dục theo hình thức không dùng tiền mặt...
Trong khi đó, quá trình chuyển đổi số tại ngành Điện lực tỉnh Bình Dương cũng nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân và doanh nghiệp. Đã có khoảng 500 nghìn/576.956 khách hàng đã cài đặt ứng dụng quản lý sử dụng điện và liên lạc qua Zalo, trên 490.000 khách hàng thanh toán trực tuyến. Thông qua ứng dụng nêu trên, khách hàng có thể sử dụng các dịch vụ trực tuyến, tương tác với công ty các nội dung liên quan.
Ngành Công thương Bình Dương luôn xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành. Trong năm 2024, ngành đã triển khai rất nhiều các hoạt động liên quan đến hoạt động này. Sở Công thương đã tập trung Xây dựng Văn phòng Số, chuyển đổi số công tác chỉ đạo điều hành; xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu ngành Công thương với 5.659 thông tin cập nhập về lớp dữ liệu và thực hiện liên kế dữ liệu với hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh trong quá trình tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, chia sẽ dữ liệu quản lý của ngành trên Trung tâm IOC của tỉnh. Qua đó, giúp người dân, doanh nghiệp có thể dễ dàng tìm kiếm các thông tin liên quan đến ngành.
Hiện nay, Sở đã thực hiện ứng dụng 100% chữ ký số trong phát hành văn bản đi của cơ quan, tỷ lệ số hóa hồ sơ các thủ tục hành chính đạt 100%. Ngoài ra, cũng thực hiện các kết nối quốc tế, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường thông qua các hình thức trực tuyến. Qua đó, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả các hoạt động của ngành, giảm chi phí, tạo thuận lợi và minh bạch hơn trong quá trình điều hành, phân bổ nguồn lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ mà ngành được giao.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số
Từ năm 2023, UBND tỉnh Bình Dương đã vận hành nền tảng số “Ứng dụng Bình Dương số”. Thông qua ứng dụng này, người dân và doanh nghiệp có thể khai thác và thực hiện thông tin liên quan đến dịch vụ công; phản ánh tình hình an ninh trật tự và đời sống; tra cứu thông tin quy hoạch... Đây được xem là kênh giao tiếp tổng hợp giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền tỉnh, tạo sự thuận lợi trong việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Bình Dương không ngừng nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi số. (Ảnh: UBND tỉnh Bình Dương) |
Để không ngừng nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi số, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương đã đề nghị các sở, ngành và đơn vị liên quan đẩy mạnh hỗ trợ, hướng dẫn, giúp các địa phương giải quyết những khó khăn khi thực hiện. Mặt khác, các địa phương được yêu cầu đầu tư trang thiết bị, hoàn thiện hạ tầng, sớm thành lập trung tâm giám sát, điều hành thông minh; tích cực tuyên truyền, vận động người dân cài đặt, sử dụng “Ứng dụng Bình Dương số”…, để thuận lợi trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lê Tuấn Anh cho biết, nhằm nâng cao chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của tỉnh Bình Dương từ năm 2023 và các năm tiếp theo, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao trách nhiệm và hiệu quả chỉ đạo, điều hành đối với việc xác định DTI cấp bộ, cấp tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
Tỉnh Bình Dương đề ra mục tiêu đến năm 2025, có 100% cán bộ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước được tập huấn, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số; 70% số người dân trong độ tuổi lao động biết và có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến trong các lĩnh vực; 100% cán bộ chuyên trách, phụ trách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về công nghệ số…
Để đạt được những kết quả trên, UBND tỉnh Bình Dương đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ; định hướng của bộ, ngành và lãnh đạo tỉnh, nhằm triển khai thực hiện nghiêm túc, bảo đảm kịp thời, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương. "Bình Dương đang tiếp tục triển khai xây dựng dự án “Bảo đảm nguồn nhân lực công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước giai đoạn năm 2022-2026”; dự kiến bắt đầu tổ chức thực hiện các nội dung của dự án trong năm 2023".v..v…
Đối với công tác hỗ trợ doanh nghiệp, ngành tập trung tuyên truyền về chuyển đổi số, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho doanh nghiệp, đã tổ chức, phối hợp tổ chức hội thảo “Hành trình thay đổi diện mạo, năng lực chuyển đổi số ngành Công thương”; Hội nghị “Thúc đẩy mô hình chuyển đổi số cho doanh nghiệp ngành Công thương năm 2024”, v.v…
Xây dựng kênh tuyên truyền về phát triển thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế trên địa bàn tỉnh (qua các nền tảng mạng xã hội), tích hợp Cổng thông tin điện tử và fanpage của Sở; Thí điểm sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt tại một số doanh nghiệp ngành Công thương, chợ truyền thống;
Tăng cường ứng dụng mô hình kinh doanh trên môi trường trực tuyến, quảng bá trực tiếp sản phẩm sản xuất đến người tiêu dùng, tăng doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa cải tiến máy móc thiết bị, ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh, thường xuyên tiếp xúc, trao đổi và kịp thời đề xuất, kiến nghị với các cấp, các ngành những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong quá trình thúc đẩy các hoạt động ứng dụng số, đổi mới công nghệ, sáng tạo, v.v…/..