Bình Dương: Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc
(ĐCSVN) - Có thể khẳng định, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã giúp diện mạo ở các xã trong tỉnh Bình Dương ngày càng khởi sắc. Hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội được đầu tư cơ bản, đồng bộ và ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển.Tại các huyện nông thôn mới, sự đổi mới ngày càng rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao, cơ hội việc làm rộng mở, hộ nghèo giảm nhanh, sắc diện nông thôn tươi tắn, trù phú.
Bình Dương thực hiện thí điểm xây dựng Làng thông minh ở xã Bạch Đằng (thành phố Tân Uyên). |
Qua ba năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đến nay tỉnh Bình Dương hoàn thành 100% xã nông thôn mới với tất cả 41 xã đều đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, các xã còn lại đang tiếp tục đầu tư nâng chất các tiêu chí theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.
Đặc biệt, huyện Dầu Tiếng đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, thành phố Tân Uyên, thị xã Bến Cát được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2016 và 2018; các huyện Bàu Bàng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên đã được Hội đồng Trung ương thẩm định để được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định.
Đến nay, nhiều công trình hạ tầng nông thôn tại Bình Dương được đầu tư xây mới, nâng cấp sửa chữa, từng bước đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra nhiều việc làm mới, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến, góp phần tích cực nâng cao thu nhập của nông dân.
Việc xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, được cả hệ thống chính trị, đông đảo nhân dân, các doanh nghiệp tích cực tham gia, tạo động lực cho kinh tế nông thôn phát triển. Tham gia hưởng ứng phong trào “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới” đã có nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả của nhiều cơ quan, đơn vị. Cụ thể, Đoàn Thanh niên tỉnh với “Phong trào tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”; Liên đoàn Lao động tỉnh với phong trào “Thi đua lao động giỏi, sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”; Hội Liên hiệp Phụ nữ có các chương trình, phong trào “Phụ nữ Bình Dương chung sức xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn minh đô thị”, “Bình Dương chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau”; Hội Nông dân với các phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân giúp nhau làm kinh tế gia đình; Hội Cựu chiến binh với các phong trào “Tuyến đường văn minh đô thị”...
Tổng vốn thực hiện chương trình nông thôn mới từ năm 2021-2023 là 6.408,9 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách chiếm 49%, các nguồn vốn huy động, vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp và vốn đóng góp của cộng đồng dân cư chiếm 51%. Cách làm của tỉnh Bình Dương là bố trí vốn xây dựng nông thôn mới lồng ghép; trong đó, ưu tiên đầu tư cho những công trình nước sạch, giao thông, điện, bảo vệ môi trường, cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục... Tất cả các dự án xây dựng cơ bản trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đều được thẩm định nguồn vốn và thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục của Luật Đầu tư công. Cách làm như thế giúp các cấp chủ động trong quá trình chọn danh mục đầu tư, cũng như phối hợp triển khai nhanh hơn, không có nợ đọng và có sự giám sát chặt chẽ của người dân.
Nhằm rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, tỉnh Bình Dương cũng đang triển khai thực hiện kế hoạch về xây dựng nông thôn mới thông minh đến năm 2025. Kế hoạch thực hiện trên cả 3 tiêu chí về chính quyền, kinh tế, xã hội thông qua các giải pháp về công nghệ thông tin.
Trong đó, tỉnh tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Hệ thống này đóng vai trò quản lý mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm. Để tăng tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, nhất là các sản phẩm OCOP, địa phương xây dựng nhiều nền tảng trực tuyến, thực tế ảo để xúc tiến thương mại, khuyến khích nông dân đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử, ứng dụng thanh toán trực tuyến. Tỉnh còn phối hợp với nhiều doanh nghiệp công nghệ để ứng dụng hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử.
Qua đó, đã có hơn 2.000 tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử; 17.000 tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực nông nghiệp đăng ký tài khoản để mua - bán trên các sàn. Đến năm 2025, tỉnh cũng đặt mục tiêu có 70% số xã ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, quản lý trang trại, vùng trồng, tiếp cận thị trường.
Đặc biệt, tỉnh cũng tập trung phát triển mô hình “Làng thông minh” để biến nông thôn thành nơi đáng sống. Mục tiêu đưa chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.
Thực tế, tỉnh Bình Dương đã thực hiện thí điểm xây dựng Làng thông minh ở xã Bạch Đằng (thành phố Tân Uyên) trong giai đoạn 2020 – 2025. Tỉnh cũng xác định, xây dựng Làng thông minh sẽ tạo nơi tập trung các sáng kiến về những vấn đề và nhu cầu hiện nay trong cộng đồng như: công nghệ, nông nghiệp, việc làm, nâng cao năng suất lao động cho người dân, sự gắn kết của cộng đồng, y tế, giáo dục, năng lượng, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, xanh, sạch... Trong tương lai, đây sẽ là nơi đáng sống, thân thiện với thiên nhiên, môi trường; là nơi phát triển nông nghiệp thông minh, phát triển du lịch sinh thái; đồng thời trở thành một biểu tượng xanh cho một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đến năm 2025, hoàn thành việc thực hiện thí điểm xây dựng Làng thông minh, xã Bạch Đằng được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời, xây dựng được 07 Làng thông minh và năm 2030 là 14 Làng thông minh, tạo đột phá mới trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu./.