Thừa Thiên Huế: Điểm đến với 8 di sản và hàng trăm lễ hội đặc sắc
ĐCSVN) - Ngoài 8 di sản văn hoá được UNESCO vinh danh, Thừa Thiên Huế đang lưu giữ gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa và hàng trăm lễ hội đặc sắc. Hiện nay, Thừa Thiên Huế được đánh giá là địa phương còn bảo tồn tốt nhất các giá trị di sản truyền thống của Việt Nam, cả về di sản vật thể và phi vật thể. Đồng thời, biến di sản thành các lợi thế cho sự phát triển và đạt nhiều thành tựu từ bảo tồn di sản.
Là kinh đô cuối cùng của chế độ phong kiến, triều Nguyễn đã để lại cho ngày nay nhiều di sản văn hóa, lịch sử vô cùng phong phú và đa dạng. Quần thể di tích Cố đô Huế là một phức hệ kiến trúc cung đình đa dạng, bao gồm thành quách, cung điện, lăng tẩm, vườn cảnh… phản ánh một cách toàn diện diện mạo của một kinh đô phương Đông trong thời kỳ phát triển rực rỡ nhất.
Quần thể di tích Cố đô Huế là một phức hệ kiến trúc cung đình đa dạng, bao gồm thành quách, cung điện, lăng tẩm, vườn cảnh… phản ánh một cách toàn diện diện mạo của một kinh đô phương Đông trong thời kỳ phát triển rực rỡ nhất. (Ảnh: Hoàng Lê) |
Công cuộc bảo tồn, trùng tu di tích, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, tôn tạo cảnh quan môi trường tại khu di sản Huế luôn được chú trọng và gắn liền với việc đẩy mạnh trao đổi hợp tác quốc tế, ứng dụng thành tựu khoa học bảo tồn tiên tiến của thế giới và phát triển nguồn nhân lực địa phương.
Quần thể Di tích Cố đô Huế được công nhận vào năm 1993, Âm nhạc cung đình Việt Nam - Nhã nhạc (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016) và Những bản đúc nổi trên Cửu Đỉnh (2024). Hai di sản chung với các địa phương khác, là di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (2016) và Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ (2017).
Ngắm Kinh thành Huế vào buổi Hoàng hôn. (Ảnh: Hoàng Lê) |
Thừa Thiên Huế luôn xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đến năm 2030 trở thành điểm đến di sản văn hóa nổi tiếng thế giới. Di sản, văn hóa và lễ hội được xem là thế mạnh và là động lực để xây dựng phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố di sản, thành phố festival ngang tầm thế giới.
Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên Huế: Huế vốn là thủ phủ của Đàng Trong và là Kinh đô của 2 triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn. Vì vậy, Huế có mật độ di sản dày đặc, nhiều loại hình phong phú và đa dạng, cùng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Ngoài 8 di sản văn hoá được UNESCO vinh danh, địa phương đang lưu giữ gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa và hàng trăm lễ hội đặc sắc. Hiện nay, Thừa Thiên Huế được đánh giá là địa phương còn bảo tồn tốt nhất các giá trị di sản truyền thống của Việt Nam, cả về di sản vật thể và phi vật thể. Đồng thời, biến di sản thành các lợi thế cho sự phát triển và đạt nhiều thành tựu từ bảo tồn di sản.
Tiết mục nghệ thuật tại chương trình Festival Huế. |
TS Phan Thanh Hải cho biết, thế mạnh lớn nhất của Huế là văn hóa và di sản nên việc khai thác các tiềm năng về di sản làm chất liệu cho festival là điểm quan trọng nhất. Do đó, chủ đề xuyên suốt của Festival Huế là "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển". Đặc biệt, đối với Festival Huế thì yếu tố quốc tế luôn đóng vai trò quan trọng. Qua những gì đã đạt được, hy vọng Huế sẽ sớm góp tên mình vào bản đồ các thành phố Festival nổi tiếng trên thế giới, là điểm đến mà mỗi người dân và du khách phải ghé đến ít nhất 1 lần trong đời
Thời gian qua, đã có hàng trăm công trình di tích được bảo quản, tu bổ, phục hồi trong đó có nhiều công trình lớn, có giá trị tiêu biểu cả về lịch sử và nghệ thuật. Các di sản văn hóa phi vật thể cũng được chú trọng nghiên cứu bảo tồn một cách bài bản và phát huy một cách hiệu quả.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế - Nguyễn Phước Hải Trung, công tác bảo tồn, tu bổ di tích là một công việc phức tạp có quan hệ đến nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ: từ lịch sử, mỹ thuật, văn học, Hán học đến khảo cổ, kiến trúc, kết cấu, vật liệu... các công nghệ truyền thống như vôi, vữa, sơn thếp, pháp lam,... các nghề thủ công như mộc, chạm khắc, nề ngõa. Cho nên, công tác bảo tồn, tu bổ di tích đòi hỏi phải được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, tuân thủ nghiêm túc các Công ước và Hiến chương quốc tế mà Chính phủ ta đã thừa nhận và các quy định của pháp luật.
Hiện nay, Thừa Thiên Huế đang tập trung nguồn lực để xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.
Lễ hội đường phố tại chương trình Festival Huế. |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Nguyễn Thanh Bình chia sẻ: Công cuộc bảo tồn di sản văn hóa tại Cố đô Huế luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy giá trị di sản và tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như khu vực miền Trung, Việt Nam, trọng tâm là kinh tế du lịch - dịch vụ.
“Các loại hình di sản văn hóa của Cố đô Huế sau khi được UNESCO công nhận đã trở thành nguồn lực có giá trị vô cùng to lớn để khai thác và phát triển kinh tế - xã hội địa phương; góp phần xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế theo hướng "Di sản văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường", xây dựng thương hiệu du lịch mới của tỉnh: "Cố đô Huế - 1 điểm đến 8 di sản - Quê hương hạnh phúc".” - ông Nguyễn Thanh Bình cho hay./.