Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bài 4: Nghĩa tình Việt – Lào được các chuyên gia y tế hai nước bồi đắp thêm

Thứ Bảy, 29/05/2021 10:12 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thực hiện Quyết định 2321/QĐ-BYT ngày 9/05/2021 v/v cử công chức, viên chức đi công tác nước ngoài, với nhiệm vụ được giao “hỗ trợ Lào trong công tác xây dựng bệnh viện dã chiến, công tác điều trị, công tác xét nghiệm, truy vết” nhằm giúp nước CHDCND Lào ứng phó với dịch COVID-19, trong các ngày 11/5/2021-22/5/2021, Đoàn đã phối hợp hiệu quả, giúp nước bạn tăng khả năng phòng, chống dịch COVID-19.

Với thời gian hoạt động gần 1 tháng, ở 3 địa bàn chủ yếu là tỉnh Champasak (11-15/5), tỉnh Savannakhet (16-19/5) và tại thủ đô Vientiane (20/5-23/5), Đoàn đã thăm và khảo sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các làng/ xã có tỷ lệ người mắc COVID-19 cao; các cơ sở cách ly tập trung; đơn vị xét nghiệm; bệnh viện dã chiến; bệnh viện điều trị ca bệnh nhẹ; bệnh viện điều trị ca bệnh nặng; bệnh viện đa khoa tỉnh; trạm y tế xã và quầy thuốc tư nhân. Đoàn cũng trực tiếp tham gia hội chẩn, can thiệp điều trị một số ca bệnh COVID-19 nặng với bác sĩ của các bệnh viện; tổ chức hội thảo tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch; chẩn đoán điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn.

Tập huấn phòng chống dịch COVID-19 tại Lào (Ảnh: PV)

Nhìn chung, có thể nói, tại nước bạn Lào, công tác phòng, chống dịch COVID-19 từ Trung ương đến địa phương đã và đang thực hiện quyết liệt, huy động được sự vào cuộc đồng bộ hệ thống chính trị, các ban, ngành và chính quyền địa phương; Công tác chỉ đạo điều hành đồng bộ, xuyên suốt; Phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các đơn vị, bảo đảm lồng ghép chặt chẽ và nghiêm ngặt trong quản lý điều trị ca bệnh COVID-19; Các đơn vị được phân công nhiệm vụ đang thực hiện nghiêm túc và hiệu quả.

Đặc biệt, công tác giám sát dịch tễ đã có kế hoạch phòng chống, đáp ứng dịch COVID-19 linh hoạt, phù hợp; có hướng dẫn quy trình giám sát dịch tễ cụ thể. Huy động các cấp chính quyền, công an, quân đội tham gia quản lý khu cách ly tập trung. Công tác truyền thông đã khuyến khích được người dân trong cộng đồng tham gia tự nguyện vào công tác phòng chống dịch.

Về công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 đã thiết lập được đơn vị xét nghiệm tại các tỉnh; cán bộ được tập huấn nắm chắc kỹ thuật chuyên môn. Sinh phẩm và vật tư xét nghiệm được cung cấp đầy đủ và kịp thời.

Về công tác vệ sinh môi trường đã xây dựng và phổ biến hướng dẫn thực hiện vệ sinh môi trường, quản lý rác thải cho người được cách ly và nhân viên phục vụ.

Việc phòng ngừa lây nhiễm chéo trong bệnh viện đã thực hiện sàng lọc tại cổng vào; thiết lập khu cách ly; trang phục phòng hộ cá nhân (PPE) và kiểm soát nhiễm khuẩn.

Về công tác bảo đảm năng lực cấp cứu, điều trị COVID-19 đã lên kế hoạch phân công các bệnh viện quản lý điều trị ca bệnh cụ thể; Bộ Y tế thường xuyên xây dựng và cập nhật hướng dẫn chuyên môn chẩn đoán và điều trị COVID-19.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt mạnh và thành tựu đạt được, Đoàn nhận thấy vẫn còn tồn tại một số nguy cơ lây nhiễm chéo và tái bùng phát dịch, cụ thể:

Nguy cơ các ca COVID-19 xâm nhập với các biến chủng mới có khả năng lây lan cao và thời gian ủ bệnh kéo dài như B.1.1.7 hay B.1.615. Đặc biệt, việc xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người cách ly nhập cảnh 2 lần vào ngày đầu và ngày 7 trong quá trình cách ly là chưa thực sự an toàn.

Nguy cơ có thể từ các ca bệnh tại cộng đồng chưa truy vết, lấy mẫu và cách ly đầy đủ và chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy định cách ly tại nhà; hoặc những người tiếp xúc gần chưa được thông tin về ca bệnh dương tính, hoặc không tự nguyện đi làm xét nghiệm. Thông tin bị chậm và gián đoạn giữa các hệ thống phòng chống dịch từ tuyến cơ sở tới trung ương.

Nguy cơ lây nhiễm trong khu cách ly do điều kiện cơ sở vật chất hạn chế; kiến thức và ý thức tự phòng ngừa của nhân viên phục vụ; quản lý, giám sát người cách ly; Ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh bề mặt môi trườngcủa người được cách ly chưa cao; việc thu gom, xử lý rác thải trong khu cách ly chưa nghiêm ngặt, chưa thống nhất giữa các địa phương.

Nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện như việc sàng lọc người ra vào bệnh viện chưa thống nhất, triệt để; chưa quản lý và cảnh báo cho người thân của bệnh nhân nghi ngờ; khử khuẩn thiết bị, quản lý chất thải chưa thống nhất; thiếu phòng đệm trong các khoa lâm sàng; chưa tiến hành xét nghiệm sàng lọc định kỳ cho cán bộ y tế khi có dịch trong cộng đồng để xác định ca bệnh chỉ điểm lây truyền từ cộng đồng tới bệnh viện...

Năng lực thu dung, quản lý điều trị ca bệnh. Trong đó đối với ca bệnh nhẹ: cơ số giường tại cơ sở điều trị COVID-19 còn ít; Nhân lực mỏng, thiếu bác sĩ hồi sức; thiếu phòng hồi sức cấp cứu, dụng cụ cấp cứu và thuốcđiều trị hồi sức tích cực và bệnh nền… Đối với ca bệnh nặng và rất nặng, mới dừng lại ở khả năng điều trị cơ bản chưa sẵn sàng ở cả tuyến Trung ương và tỉnhđể điều trị ca bệnh rất nặng, chưa có thiết bị ECMO, lọc máu liên tục, các xét nghiệm hỗ trợ theo dõi điều trị hồi sức nâng cao.

 Đoàn khảo sát các bệnh viện để hỗ trợ tăng khả năng phòng, chống dịch COVID-19 (Ảnh: PV)

Từ nhận định trên, Đoàn đã tập trung kiến nghị, đề xuất một số giải pháp để tiếp tục tăng cường bảo đảm phòng chống dịch, đó là:

Cần rút ngắn thời gian đáp ứng chống dịch xuống còn 72h, 48h hoặc sớm hơn trong vòng 24h để khống chế sự lây truyền của COVID-19 ở các ổ dịch trong cộng đồng.Thần tốc truy vết, thần tốc lấy mẫu, thần tốc xét nghiệm, thần tốc đáp ứng cách ly và điều trị. Thiết lập tổ tư vấn giúp Chính phủ và Bộ Y tế thu thập và phân tích thông tin phòng chống dịch của y tế và ngành liên quan để tối ưu các nguồn lực phân bổ cho phòng chống dịch. Tăng cường truyền thông các biện pháp phòng chống COVID-19 nâng cao sự tham gia của cộng đồng vào công tác phòng chống dịch.

Không để trường hợp nhiễm COVID-19 từ khu cách ly tập trung vào cộng đồng. Cải thiện điều kiện vệ sinh cá nhân; tăng cường các biện pháp phòng chống lây nhiễm chéo trong cơ sở cách ly tập trung.

Nâng cao năng suất xét nghiệm,tăng số máy và mở rộng số lượng các cơ sở có khả năng xét nghiệm SARS-CoV-2. Chuyển từ xét nghiệm tự nguyện sang chủ động xét nghiệm thần tốc phát hiện ca bệnh trong cộng đồng thông qua việc mở rộng các đối tượng tiếp xúc ca bệnh; có triệu chứng nghi nhiễm; và đối tượng nguy cơ cao.

Công tác bảo đảm phòng ngừa lây nhiễm chéo trong bệnh viện và từ bệnh viện ra bên ngoài, cần xây dựng Bộ tiêu chuẩn bảo đảm an toàn bệnh viện phòng, chống COVID-19.Xây dựng và cập nhật văn bản hướng dẫn và quy định chung và tăng cường giám sát về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phòng ngừa lây nhiễm chéo COVID-19; hướng dẫn sàng lọc, phân luồng, cách ly, vệ sinh môi trường, khử khuẩn, tiệt khuẩn. Kiểm soát người bệnh và người nhà của người nghi nhiễm; bệnh nhân có triệu chứng liên quan đến COVID-19 trong bệnh viện; Cung cấp dung dịch khử khuẩn, hóa chất khử khuẩn (Cloramin B), thiết bị phun khử khuẩn. Đào tạo về năng lực chuyên môn kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện cho cán bộ chuyên trách tại bệnh viện.

Cũng theo Đoàn chuyên gia y tế Việt Nam, để nâng cao năng lực thu dung, quản lý điều trị COVID-19, cần thống nhất thực hiện hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19, bổ sung chỉ định cận lâm sàng khi nhập viện. Về năng lực chuyên môn, có thể nói hiện tại mới chỉ có thể dừng lại ở mức độ cấp cứu cơ bản, kiểm soát hô hấp bằng thở máy xâm nhập, nhưng chưa có những can thiệp ở mức sâu hơn với các tình trạng nặng như viêm phổi ARDS, cơn bão Cytokine. Có kế hoạch chung về thu dung, quản lý điều trị, cấp cứu COVID-19 chung của quốc gia và hướng dẫn các địa phương thống nhất lên kế hoạch theo các cấp độ dịch. Đặc biệt cần lựa chọn ít nhất 1 bệnh viện tại Trung ương và mỗi khu vực được trang bị đầy đủ trang thiết bị, năng lực chuyên môn bảo đảm thành đơn vị ICU đủ năng lực điều trị ca bệnh rất nặng cần Lọc máu, Tim phổi nhân tạo (ECMO)…/.

Hằng Hà

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN