Bài 3: Hỗ trợ thủ đô Vientiane phòng, chống dịch bệnh COVID-19 an toàn
(ĐCSVN) - Tiếp tục hành trình hỗ trợ CHDCND Lào trong công tác phòng, chống COVID-19, Đoàn chuyên gia Bộ Y tế đã có hoạt động kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tại thủ đô Vientiane.
- Bài 2: Hỗ trợ tỉnh Savannakhet phòng, chống dịch bệnh COVID-19 an toàn
- Bài 1: Hỗ trợ tỉnh Champasak phòng chống dịch bệnh hiệu quả, an toàn
Khu cổng vào bệnh viện của địa phương (Ảnh: PV) |
Theo đó, trong các ngày 21-23/5, đoàn đã làm việc với EOC tại Bộ Y tế Lào, Bệnh viện Quân đội 103, Trung tâm Trung tâm Xét nghiệm – Dịch tễ Quốc gia, Bệnh viện Setthathirath, Trung tâm cách ly Bộ Quốc phòng, tư vấn cho CDC Lào, Cục điều trị và đại diện lãnh đạo các Bệnh viện tuyến Trung ương, đặc biệt hội chẩn một số ca bệnh nặng tại Bệnh viện Mittaphab cũng như tư vấn chuyên môn cho đơn vị ICU cấp cứu ca bệnh COVID-19 của Bệnh viện Mittaphab.
Qua quá trình khảo sát, làm việc, đoàn chuyên gia y tế Việt Nam đánh giá, có thể trưng dụng Bệnh viện Quân đội 103 thành nơi điều trị các bệnh nhân COVID nhẹ đến nặng. Tuy nhiên, cần tăng cường nhân lực hồi sức để tham gia vào điều trị và bổ sung.
Đối với bệnh viện Setthathirath, đoàn chuyên gia kiến nghị dời khu vực cởi đồ phòng hộ xa lối vào của bệnh nhân, sử dụng thông khí tự nhiên bằng cách mở cửa sổ thông thoáng, giảm số lượng bệnh nhân trong mỗi phòng, khoảng cách các giường bệnh xa nhau, cập nhật quy trình, hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn, khóa cầu thang xuống tầng dưới của bệnh nhân…Cũng theo đoàn công tác, có thể cái tạo bệnh viện thành nơi điều trị các bệnh nhân COVID nhẹ đến nặng. Khoa ICU, cấp cứu, khoa sàng lọc bệnh nhân COVID vừa – nặng có đủ hệ thống oxy khí nén trung tâm, chỉ cần cung cấp thêm máy thở, các thiết bị hồi sức nâng cao. Đồng thời, cần tích cực đào tạo bác sỹ hồi sức để huy động nhanh chóng khi cần.
Khảo sát phòng bệnh và cơ sở trang thiết bị, hạ tầng phòng bệnh (Ảnh: PV) |
Tại bệnh viện Mittaphab, nơi có 3 ca bệnh nặng đang điều trị, Đoàn đã trực tiếp xem hồ sơ bệnh án, quan sát người bệnh và thảo luận cùng bác sĩ điều trị và điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân cho: 1 bệnh nhân nữ với chẩn đoán: Viêm phổi do COVID-19 bội nhiễm – Nhồi máu não – Rung nhĩ – Tắc mạch chân. Hiện, bệnh nhân tỉnh, huyết động ổn, SpO2 95% với oxy qua cannula 6 lít/phút, yếu nửa người trái, chân trái đau, tím từ trên gối xuống bàn chân, mất vận động, mất cảm giác. Bệnh nhân đang được điều trị Hydrocortisol, kháng sinh, kháng đông Enoxaparin 6000UI/ống x 2 lần (TDD), kháng virus, kiểm soát nhịp, lên kế hoạch đoạn chân trái. 2 bệnh nhân tiếp theo có chẩn đoán viêm phổi do COVID-19 bội nhiễm, đang điều trị kháng sinh, kháng virus, diễn tiến tốt, đáp ứng với điều trị.
Với 3 ca bệnh này, đoàn tư vấn bác sĩ điều trị cần có kế hoạch cho bệnh nhân làm các cận lâm sàng để chẩn đoán xác định bệnh; Chụp CT-Scan não để xác định tình trạng nhồi máu não; siêu âm mạch mạch máu chân để xác định tắc động mạch hay tĩnh mạch. Có kế hoạch giải quyết huyết khối tắc mạch, đưa bệnh nhân đi làm phẫu thuật thủ thuật. Tiếp tục cho thở oxy, chỉ định thuốc dexamethasone ưu tiên hơn so với hydrocortisol. Ngoài việc sử dụng kháng sinh kháng vi rút, cần sử dụng kháng đông ít nhất ở liều dự phòng.
Kiểm tra, khảo sát Trung tâm cách ly tập trung do quân đội quản lý tại Vientiane, Viện Quốc gia xét nghiệm và dịch tễ (National Center for Laboratory and Epidemiology), đoàn cùng với các đơn vị đã thảo luận về quy trình giám sát điều tra truy vết các trường hợp dương tính và người tiếp xúc gần. Đoàn cũng kiến nghị cần rút ngắn thời gian đáp ứng dịch xuống còn 72h, 48h thậm chí dưới 24h để khống chế hoàn toàn ụ dịch. An toàn mở của trở lại các khu có nguy cơ. Đoàn còn đề xuất, cần tiến hành xét nghiệm định kì cho nhân viên khu cách ly; xem xét tổ chức dãy phòng cho nhân viên y tế tách biệt với khu vực của người cách ly./.