Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vĩnh Phúc: Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến cơ sở

Chủ Nhật, 31/10/2021 08:28 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nhằm góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, UBND Vĩnh Phúc tỉnh đã ban hành Đề án phát triển một số chuyên ngành vệ tinh của các bệnh viện tuyến tỉnh tại các trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện, giai đoạn 2021-2025. Theo đó, dưới sự trợ giúp của các thầy thuốc đầu ngành tuyến tỉnh, các bác sĩ tuyến huyện sẽ tiếp cận nhiều kỹ thuật mới, nâng cao trình độ chuyên môn, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được đầu tư, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Ảnh minh họa:M.T

Giai đoạn 2016-2020, cùng với sự phát triển chung về y tế của cả nước, ngành Y tế Vĩnh Phúc đã có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều thành tựu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được quan tâm đầu tư; nhân lực y tế được tăng cường, nhiều kỹ thuật, công nghệ y học tiên tiến được áp dụng trong khám, chữa bệnh, góp phần cứu chữa nhiều người mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo.

Để TTYT tuyến huyện tiếp cận kỹ thuật mới, nâng cao trình độ chuyên môn, ngành Y tế lựa chọn Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh - 2 bệnh viện hạt nhân đã có kinh nghiệm thực tiễn triển khai thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2016-2020; đồng thời, lựa chọn 5 đơn vị vệ tinh của 2 bệnh viện hạt nhân, gồm TTYT các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương, Lập Thạch và Sông Lô. Các chuyên ngành vệ tinh được lựa chọn gồm hồi sức cấp cứu, ngoại khoa, chẩn đoán hình ảnh, sản phụ khoa và nhi khoa…

Năm 2018, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cử các kíp chuyển giao nhiều kỹ thuật cho các TTYT tuyến huyện. Năm 2019, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đào tạo, chuyển giao 29 gói kỹ thuật thuộc 8 chuyên ngành cho TTYT tuyến huyện.

Năm 2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cùng Sở Y tế tổ chức các đoàn công tác đến 7 TTYT tuyến huyện và bệnh viện đa khoa khu vực để khảo sát đánh giá nhu cầu chuyển giao kỹ thuật. Đồng thời, xác định chuyên ngành mũi nhọn để thành lập phòng khám vệ tinh tại tuyến dưới.

Qua đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã khai trương 3 phòng khám vệ tinh và cam kết chuyển giao kỹ thuật. Theo đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cử các kíp chuyển giao kỹ thuật tại các chuyên khoa như chấn thương chỉnh hình, ngoại tiết niệu, ngoại tổng hợp, ngoại thần kinh, mắt, tim mạch… về các TTYT tuyến huyện trực tiếp khám, chữa bệnh, "cầm tay chỉ việc" cho tuyến dưới, giúp người bệnh không phải chuyển tuyến mà vẫn có cơ hội được thụ hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại tuyến y tế cơ sở.

Cùng với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh khác đã triển khai mô hình phòng khám vệ tinh. Theo đánh giá của Sở Y tế, mô hình phòng khám vệ tinh giúp phát huy tối đa hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực, trang thiết bị ngay tại các TTYT tuyến huyện. Đây được coi là giải pháp để giải quyết tình trạng quá tải đã xảy ra trong nhiều năm qua tại các bệnh viện tuyến tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2016-2020, các TTYT tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như mô hình bệnh tật kép (bệnh lây nhiễm, bệnh không lây nhiễm, tai nạn lao động, tai nạn giao thông) đang có xu hướng tăng; nguồn lực đầu tư cho ngành Y tế tuy được quan tâm nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị còn hạn chế, chưa đồng bộ.

Bên cạnh đó, nhân lực y tế còn thiếu so với định mức biên chế và nhu cầu thực tế; chưa có đội ngũ thầy thuốc tay nghề giỏi để tiếp nhận việc chuyển giao kỹ thuật, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và trang thiết bị đã được đầu tư... Vì vậy, một số chuyên khoa dù đã triển khai tích cực song hiệu quả chưa cao, trong đó có chuyên ngành hồi sức cấp cứu, ngoại khoa, chẩn đoán hình ảnh, sản khoa và nhi khoa…

Nhằm nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho các đơn vị y tế, UBND tỉnh đã ban hành Đề án phát triển một số chuyên ngành vệ tinh của các bệnh viện tuyến tỉnh tại các TTYT tuyến huyện, giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu hình thành và phát triển mạng lưới đơn vị vệ tinh gồm một số TTYT tuyến huyện và một số chuyên khoa của bệnh viện tuyến tỉnh.

Các bệnh viện hạt nhân và đơn vị vệ tinh khi tham gia đề án được đầu tư nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, công nghệ thông tin để đảm bảo việc chuyển giao, tiếp nhận kỹ thuật đạt hiệu quả và bền vững; nâng cao năng lực khám, chữa bệnh của đơn vị vệ tinh thông qua việc tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và tư vấn, hỗ trợ khám, chữa bệnh.

Phấn đấu đến năm 2025, các đơn vị vệ tinh có thể thực hiện được từ 70-80% kỹ thuật tại tuyến các chuyên ngành vệ tinh và thực hiện từ 25-50% kỹ thuật vượt tuyến các chuyên ngành vệ tinh…

M.T

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN