Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vĩnh Phúc triển khai đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19

Chủ Nhật, 31/10/2021 16:51 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trong thời gian từ ngày 15/9/2021 đến ngày 15/11/2021, Vĩnh Phúc triển khai đợt cao điểm vận động quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 với mục tiêu phát huy truyền thống nhân ái, thương người như thể thương thân, ủng hộ kinh phí, hàng hóa, vật tư y tế, nhu yếu phẩm, ngày công để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Đợt vận động nhằm phát huy truyền thống nhân ái, thương người như thể thương thân, ủng hộ kinh phí, hàng hóa, vật tư y tế, nhu yếu phẩm, ngày công để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 (Nguồn ảnh: TC)

Kế hoạch vận động quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc nhằm mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, doanh nhân, tổ chức, cá nhân; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp Nhân dân phát huy truyền thống nhân ái, thương người như thể thương thân, ủng hộ kinh phí, hàng hóa, vật tư y tế, nhu yếu phẩm, ngày công để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Với phương châm “người có của góp của, người có công góp công; có nhiều góp nhiều, có ít góp ít” chung tay góp sức để vượt qua dịch bệnh, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, sĩ quan, chiến sĩ các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước ủng hộ mỗi người ít nhất 1 ngày lương.

Vận động người lao động trong các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổng công ty có vốn nhà nước không bị ảnh hưởng nhiều của dịch bệnh ủng hộ mỗi người ít nhất 1 ngày lương hoặc thu nhập.

Vận động các doanh nhân, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; các cơ quan, tổ chức quốc tế, người Vĩnh Phúc ở nước ngoài ủng hộ, hỗ trợ kinh phí, hàng hóa, vật tư y tế, sáng kiến, giải pháp cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, vận động nông dân, tổ chức, cá nhân ủng hộ lương thực, thực phẩm, nông sản để hỗ trợ Nhân dân vùng phong tỏa, giãn cách xã hội và cơ sở cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19.

Vận động các nhà hảo tâm, thiện nguyện trao tặng “bữa cơm nghĩa tình” giúp đỡ người gặp khó khăn, yếu thế, cơ nhỡ trong lúc dịch bệnh. Vận động các cơ sở lưu trú, nhà trọ, khách sạn miễn, giảm tiền thuê phòng; hỗ trợ một phần tiền điện, tiền nước sinh hoạt cho người dân gặp khó khăn do phải cách ly, giãn cách xã hội,…

Bên cạnh đó, vận động người Vĩnh Phúc đang sinh sống, làm việc, học tập ở nước ngoài ủng hộ kinh phí, vật chất cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, với chương trình “Triệu trái tim nhân ái hướng về Tổ quốc Việt Nam”.

Vận động cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, nông dân,… đóng góp ngày công, tham gia các hoạt động phòng, chống dịch phù hợp với khả năng.

Đợt cao điểm vận động bắt đầu tính từ ngày 15/9/2021 đến ngày 15/11/2021.

Về phân bổ, sử dụng nguồn lực, toàn bộ kinh phí cấp tỉnh vận động được sẽ để lại 50% phục vụ công tác phòng, chống dịch của tỉnh, 50% chuyển về Trung ương (Tiểu ban Vận động và huy động xã hội) để điều tiết chung.

Đối với các đơn vị là lực lượng tuyến đầu (Y tế, Quân sự, Công an), kinh phí vận động 1 ngày lương của cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, chiến sĩ, người lao động để lại 100% hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng trong ngành làm nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Toàn bộ nguồn kinh ở cấp huyện vận động được sẽ do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện báo cáo cấp ủy, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cùng cấp chỉ đạo sử dụng để phục vụ công tác phòng, chống dịch tại địa phương; nếu kinh phí không sử dụng hết thì chuyển về Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh để điều tiết chung cho công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Các khoản ủng hộ bằng vật chất ở cấp nào thì báo cáo cấp ủy, ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp đó chỉ đạo, phân bổ sử dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch tại địa phương, nếu không có nhu cầu sử dụng có thể ủng hộ các địa phương khác đang thực hiện phòng, chống dịch.

Về nội dung chi hỗ trợ, chi hỗ trợ các Chương trình do Trung ương phát động như: “Triệu phần quà đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch COVID-19”; Chương trình “Triệu túi quà an sinh”; Chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”; Chương trình “Triệu túi nông sản nghĩa tình”; Chương trình “Bữa cơm nghĩa tình giúp người gặp khó khăn vượt qua đại dịch”.

Đồng thời, chuyển kinh phí về Quỹ Vắc-xin phòng COVID-19 để mua vắc xin. Chi hỗ trợ mua vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19. Chi hỗ trợ thăm hỏi, tặng quà động viên các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, chi hỗ trợ người dân gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19,…

Triển khai Kế hoạch, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo, hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc các cấp xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện, tổng hợp, báo cáo định kỳ kết quả vận động theo quy định. Đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc vận động, ủng hộ quỹ trong thời gian thực hiện vận động.

Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, doanh nhân, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc tỉnh, căn cứ Kế hoạch của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, căn cứ vào điều kiện thực tế để có hình thức phát động, ủng hộ phù hợp, cụ thể, thiết thực, vận động sự chung tay, góp sức của tập thể, cá nhân cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Đồng thời, các Tổ chức Chính trị - xã hội tỉnh xây dựng kế hoạch và hướng dẫn tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân tham gia quyên góp ủng hộ bằng hình thức phù hợp, cụ thể, thiết thực, tránh chồng chéo trong công tác vận động.

Đáng chú ý, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các huyện, thành phố báo cáo cấp uỷ xây dựng, triển khai kế hoạch tổ chức đợt cao điểm vận động quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19. Thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ, động viên các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch, các hộ nghèo, người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bênh COVID-19 góp phần đảm bảo an sinh xã hội, không để người nghèo, người yếu thế gặp khó khăn mà không được trợ giúp. Tăng cường các hoạt động phối hợp với các tổ chức thành viên để tránh chồng chéo trong công tác vận động và triển khai kế hoạch./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN