6 tháng đầu năm, Hà Nội đầu tư cho nông thôn mới gần 5.730 tỷ đồng
(ĐCSVN) - 6 tháng đầu năm 2016, tổng kinh phí đầu tư cho nông thôn mới (NTM) Thành phố Hà Nội là gần 5.730 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước là trên 5.351 tỷ đồng và nguồn vốn huy động ngoài ngân sách gần 380 tỷ đồng.
Đó là kết quả Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020” cho biết tại Hội nghị sơ kết Ban Chỉ đạo 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2016, diễn ra ngày 20/7.
6 tháng đầu năm, toàn Thành phố có thêm 11 xã đạt chuẩn NTM. Ban Chỉ đạo Quốc gia đang kiểm tra, rà soát để chuẩn bị công nhận thêm 3 huyện là Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, do áp dụng chuẩn nghèo đa chiều mới nên đến nay, toàn Thành phố có 169 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí, 142 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 71 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 - 14 tiêu chí, còn 1 xã Ba Vì, huyện Ba Vì đạt và cơ bản đạt 8 tiêu chí. Đời sống nông dân được cải thiện và từng bước nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn hết năm 2015 đạt 33 triệu đồng/người.
Đến nay, toàn Thành phố đã thực hiện dồn điền, đổi thửa được gần 78.562 ha, đạt 103%, tăng 1.670 ha so với năm 2015. Sau dồn điền đổi thửa đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung như các vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Đông Anh, Thanh Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn,… cho giá trị thu nhập tăng thêm so với sản xuất lúa truyền thống khoảng 20 - 25%; vùng sản xuất rau an toàn tại các huyện: Đông Anh, Phúc Thọ, Hoài Đức, Gia Lâm, Chương Mỹ,... với giá trị sản xuất từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm; vùng trồng cây ăn quả ở một số xã thuộc huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ… với giá trị 0,5 - 1,5 tỷ/ha/năm…
Tuy nhiên, còn 6 huyện vẫn chưa dồn điền đổi thửa xong với tổng diện tích khoảng 1.007 ha gồm: Gia Lâm: 362,84 ha; Đông Anh: 264,69 ha; Quốc Oai: 1,35 ha; Hoài Đức: 301,5 ha; Chương Mỹ: 48,83 ha và Mỹ Đức: 27,85 ha. Cùng với đó sản xuất nông nghiệp còn tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, tốc độ tái cơ cấu chậm; công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn hạn chế, chất lượng sản phẩm còn thấp, nhất là việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp chưa được nhiều; kết quả xây dựng NTM chưa đồng đều ở các địa phương.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội đề nghị tiếp tục tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, sản xuất hàng hóa, tăng nhanh diện tích trồng rau, hoa, cây ăn quả; phát triển chăn nuôi, thuỷ sản. Khuyến khích liên kết giữa người dân với hợp tác xã, với các doanh nghiệp để nhằm mục tiêu nâng cao năng suất, giá trị hàng hóa, từ đó nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Để tạo điều kiện cho các hộ nông dân sau dồn điền đổi thửa có cơ sở pháp lý để liên kết sản xuất với các hợp tác xã, với các doanh nghiệp, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương cần xác định việc cơ bản hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp trong năm 2016.
Theo kế hoạch về xây dựng NTM, Thành phố phấn đấu hoàn thành 35 xã đạt chuẩn NTM trong năm 2016, trong khi đó, 6 tháng đầu năm mới đạt 11/35 xã. Từ thực tế đó, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các địa phương rà soát lại thật cụ thể, tập trung nguồn lực cho các xã có khả năng hoàn thành trong năm nay, với phương châm không dàn trải, làm được xã nào chắc xã đó. Đối với các địa phương chưa hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, cần tập trung để hoàn thành dứt điểm trong năm nay…/.