Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

“Ý Đảng” gặp “lòng Dân”, đẩy băng băng “con thuyền” tín dụng chính sách

Thứ Năm, 26/12/2024 13:58 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Từ kết quả sau 22 năm triển khai tín dụng chính sách xã hội (2002-2024) và nhất là sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư (2014-2024), vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Theo Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam Huỳnh Văn Thuận, 22 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, với quyết tâm cao của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, NHCSXH đã triển khai tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, huy động được nguồn vốn lớn, đa dạng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo người nghèo và các đối tượng chính sách khác ở 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó, tập trung ưu tiên cho vay đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...

 Tín dụng chính sách đã trở thành “trụ đỡ” của công cuộc xóa đói giảm nghèo” (Ảnh: HNV)

Để triển khai tín dụng chính sách xã hội một cách nhanh chóng, kịp thời, đến đúng đối tượng thụ hưởng, NHCSXH đã thiết lập được mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, phương thức cho vay đặc thù, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn đất nước, phát huy được vai trò và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành trung ương; cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp đã xác định công tác tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đặc biệt, tập trung ưu tiên, cân đối, bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay với kết quả hết sức ấn tượng.

Với nguồn vốn lớn, đa dạng, trong 10 năm qua, tín dụng chính sách đã hỗ trợ 20.614.893 lượt hộ được vay vốn với doanh số cho vay đạt 706.668 tỷ đồng; góp phần giúp 3.106.518 hộ vượt ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho 4.093.287 lao động (trong đó, 49.327 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài), hỗ trợ 608.244 học sinh sinh viên được vay vốn đi học, xây dựng 12.807.358 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, 191.150 căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác; giải ngân cho 3.807 doanh nghiệp với số tiền 4.829 tỷ đồng để trả lương cho 545.637 lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đạt 38.400 tỷ đồng, với trên 615 nghìn lượt khách hàng được vay vốn.  

Ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc NHCSXH (Ảnh: HNV) 

Nhìn lại chặng đường đã qua và phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, cũng như Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới, ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam nhận định rằng, tín dụng chính sách đã thực sự phát huy hiệu quả trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, góp phần vào cải thiện an sinh xã hội của cả nước, nhất là trong những năm trở lại đây, cụ thể trên 4 bình diện:

Một là, tín dụng chính sách xã hội góp phần phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững. Trong bối cảnh Việt Nam vươn lên là quốc gia có mức thu nhập trung bình khiến các nguồn vốn hỗ trợ từ quốc tế đối với người nghèo và đối tượng yếu thế giảm mạnh, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã khẳng định vị trí quan trọng, phát huy hiệu quả thiết thực, kịp thời hỗ trợ nguồn lực tài chính cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Từ đó góp phần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, giữ vững định hướng XHCN trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam.

Hai là, tín dụng chính sách xã hội góp phần triển khai đồng bộ hệ thống chính sách xã hội nhằm nâng cao phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, tạo điều kiện phát triển toàn diện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Ba là, tín dụng chính sách xã hội tham gia hiệu quả vào quá trình quản lý xã hội phát triển bền vững, góp phần đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội. Với mục tiêu hỗ trợ vốn để người nghèo, đối tượng chính sách khác đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Bốn là, cùng với phương thức quản lý tín dụng đặc thù, hiệu quả, có sự tham gia của cả hệ thống chính trị cộng với làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đã làm thay đổi nhận thức trong cộng đồng xã hội. Người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã mạnh dạn thay đổi tư duy, cách làm; chủ động vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống; từng bước tiếp cận với nền sản xuất hàng hóa và quan hệ tín dụng “có vay - có trả”; xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chế độ cấp phát, cho không của Nhà nước.

Ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng giám đốc NHCSXH (Ảnh: HNV) 

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh rằng, chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm lo đời sống nhân dân. Nếu dân đói, rét, dốt hay ốm thì Đảng và Chính phủ đều có lỗi. Từ quan điểm này, Đảng và Nhà nước luôn triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, đặc biệt là người nghèo. Ngân hàng Chính sách xã hội được thành lập năm 2002 để thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, với sứ mệnh cung cấp tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác cũng là một trong những biểu hiện của việc làm vì chăm lo cho dân. Đặc biệt, nhằm nâng cao hiệu quả, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 (Chỉ thị số 40) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đây được xem là giải pháp sáng tạo, chính sách đúng, trúng, hợp lòng Dân. Minh chứng sống động từ 22 năm hoạt động, đặc biệt với hành trình 10 năm thực hiện Nghị Chỉ thị số 40-CT/TW, đã một lần nữa khẳng định vai trò là một trong những quyết sách lớn cầu nối quan trọng giữa “ý Đảng” và “lòng Dân”.  Sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy Đảng và chính quyền từ Trung ương xuống cơ sở đã thể hiện rõ qua các cách làm sáng tạo và hiệu quả. Những năm qua, các chương trình tín dụng chính sách phát huy hiệu quả đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và giảm tỷ lệ hộ nghèo của cả nước.

Có thể thấy, tín dụng chính sách xã hội thực sự đã trở thành một “điểm sáng” và là một “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và là “điểm tựa” cho người dân, đặc biệt là người nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội. Theo thống kê, tính đến ngày 31/7/2024, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đạt gần 47,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,7%/tổng nguồn vốn, tăng hơn 43,5 nghìn tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. Từ đó, nâng tổng nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách đến nay đạt trên 373 nghìn tỷ đồng với tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt trên 350,8 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 221,4 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2014, với hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,5%. Bên cạnh đó, có hơn 21 triệu hộ được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất - kinh doanh, giúp hơn 3,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 4,2 triệu lao động vay vốn tạo việc làm; xây dựng hơn 13,2 triệu công trình cung cấp nước sạch, vệ sinh, môi trường đến với người dân vùng nông thôn; hơn 610 nghìn học sinh, sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập; hơn 193 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách và hơn 1,2 triệu lượt lao động được doanh nghiệp vay vốn trả lương do ảnh hưởng dịch COVID-19…

Thực tế cũng cho thấy, tín dụng chính sách đã trở thành “phao cứu sinh”, giúp hàng triệu hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm ấn tượng từ 14,2% xuống 4,25% trong giai đoạn 2011 - 2015 và tiếp tục giảm từ 9,88% xuống 2,23% trong giai đoạn 2016 - 2021, đến cuối năm 2023 còn 2,93% theo chuẩn nghèo đa chiều.

Những kết quả trên đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân, Đảng chính là chỗ dựa tin cậy của người dân. Và kết quả đó cũng khẳng định rõ quan điểm của Đảng là luôn lấy dân là gốc và không để ai bị bỏ lại phía sau, làm động lực để chúng ta tiếp tục tin tưởng vào sự sáng suốt, quyết đoán của Đảng trong việc đề ra đường lối, chủ trương lãnh đạo xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, tự tin vững bước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.

Hân Nguyễn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN