Tín dụng chính sách góp phần đưa Quảng Bình phát triển toàn diện
(ĐCSVN) – Vừa qua, đặc biệt 2 năm trở lại đây, Quảng Bình thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; hơn 80% số đơn vị cấp huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%.
Trong hai thập kỷ qua, Quảng Bình đã từng bước đưa nền kinh tế địa phương phát triển và ổn định, với GRDP bình quân đầu người năm 2023 là 60 triệu đồng, tăng hơn 50 triệu đồng so với năm 1999. Toàn tỉnh có 93/128 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 73% số xã. Hai năm gần đây, Quảng Bình thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; hơn 80% số đơn vị cấp huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%.
Điểm giao dịch xã của Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Bình (Ảnh: PV) |
Ông Trần Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: Kết quả này có được là nhờ sự cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đóng trên địa bàn, với việc mang nguồn vốn tín dụng tới kịp thời, đúng đối tượng.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Bình, ông Trần Vân Tài chia sẻ: Từ khi thành lập (2002) đến nay, hoạt động của Chi nhánh luôn bám sát chỉ đạo của ngân hàng cấp trên; đồng thời tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương, từ đó triển khai nhiều giải pháp phù hợp để huy động nguồn vốn từ nhiều kênh, nhiều đối tượng, với nhiều hình thức.
Trải qua 22 năm hoạt động, từ nguồn vốn ít ỏi (200 tỷ đồng), hiện tại, tổng nguồn vốn của NHCSXH Quảng Bình đã có xấp xỉ 6.000 tỷ đồng, tăng gần 30 lần so với năm 2003.
Tính riêng 11 tháng năm 2024, NHCSXH đã thực hiện huy động được 1.377 tỷ đồng vốn, hoàn thành vượt mức kế hoạch năm, trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương ngân sách của UBND tỉnh và 8 huyện, thị xã, thành phố tăng 57 tỷ đồng so với đầu năm, hoàn thành 109,4 % kế hoạch tỉnh giao năm 2024.
Hộ vay vốn chăn nuôi bò (Ảnh: PV) |
Kết quả đó khẳng định những nỗ lực của NHCSXH trong việc tìm kiếm, huy động đủ nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống của hơn 20.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Kết quả đó cũng khẳng định việc cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ở Quảng Bình đã quán triệt đầy đủ nội dung Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng, chỉ đạo sâu sát việc giao các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước về một đầu mối quản lý thống nhất, đồng thời cân đối bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS khó khăn trên địa bàn vay vốn ưu đãi. Hiện nguồn vốn ngân sách từ UBND tỉnh và 8 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc đã ủy thác sang NHCSXH lên 229,8 tỷ đồng, đạt 162,56% kế hoạch tăng trưởng Trung ương (TW) giao.
Song hành với công tác huy động nguồn vốn, NHCSXH Quảng Bình đã xây dựng được mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Đó là việc vay vốn chính sách đã gắn kết chặt chẽ 4 nhà: "Ngân hàng, chính quyền, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn” (TK&VV), chung tay giúp người dân vay vốn. Hiện tại 523 các cấp hội đồng nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, Đoàn thanh niên đang tham gia quản lý 3.624 tỷ đồng, chiếm 99,7% tổng dư nợ tín dụng chính sách.
Đặc biệt, việc thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng Tổ TK&VV, được ví như “cánh tay nối dài” của NHCSXH trong thực hiện tín dụng chính sách, đã góp phần không nhỏ vào chuyển tải nhanh chóng, an toàn nguồn vốn ưu đãi đến đúng các đối tượng thụ hưởng.
Hầu hết Tổ TK&VV ở Quảng Bình đã đảm bảo tiêu chí 3 đủ: Đủ số thành viên, đủ vốn hoạt động, đủ tổ trưởng có năng lực, tạo thành mạng sóng phủ kín toàn địa bàn từ trên nẻo cao Minh Hóa, Tuyên Hóa đến vùng ven biển Quảng Trạch, Quảng Ninh và giúp những cán bộ tín dụng chính sách thực hiện tốt phương châm ”giao dịch tại nhà, giải ngân tại xã”.
Hộ vay vốn chăn nuôi gà (Ảnh: PV) |
Chính sách về cùng nguồn vốn, các chương trình phát triển kinh tế được kiện toàn lại, thế mạnh nông, lâm nghiệp được lựa chọn. Từ thành thị đến nông thôn trong vùng sâu, vùng cao biên giới, vùng bãi ngang ven biển, hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, có đủ điều kiện, đều được tiếp cận dễ dàng với dòng vốn ưu đãi của Nhà nước. Không có hộ nghèo, không có gia đình đồng bào dân tộc khó khăn nào bị bỏ lại phía sau.
Ông Hồ Phình ở xã Lâm Hóa (huyện Tuyên Hóa), từng thuộc diện hộ nghèo, thường xuyên thiếu ăn. Nhờ đầu tư 50 triệu đồng vốn chính sách vào chăn nuôi bò sinh sản, cùngnuôi gà, lợn và trồng rừng kinh tế, thu nhập bình quân gia đình ông hiện đã lên tới trên 100 triệu đồng/ năm. Tấm gương vươn lên thoát nghèo của gia đình ông Hồ Phình được bà con người Mã Liềng noi theo.
Gia đình chị Cao Thị Hà, ở xã Hòa Hợp (huyện Minh Hóa), sau 2 lần vay vốn của chương trình tín dụng dành cho hộ dân tộc thiểu số nghèo, đã đầu tư trồng 250 trụ thanh long và làm chuồng trại nuôi lợn, bò, đưa thu nhập gia đình mỗi năm lên hơn 150 triệu đồng.
NHCSXH phối hợp với chính quyền, đoàn thể các xã bãi ngang ven biển, đẩy mạnh cho ngư dân vay mua sắm lưới cụ, vươn khơi đánh bắt hải sản (Ảnh: PV) |
Tại huyện Bố Trạch, NHCSXH cũng đã chủ động phối hợp với chính quyền, đoàn thể các xã bãi ngang ven biển, đẩy mạnh cho vay hộ nghèo làm nhà ở phòng chống bão lũ, giúp ngư dân chuyển đổi ngành nghề, mua sắm lưới cụ vươn khơi đánh bắt hải sản.
Gia đình ông Hồ Sĩ Lượng, ở xã Đức Trạch, được vay 100 triệu đồng vốn chính sách, đã đầu tư mua thêm lưới cụ, cải tạo lại thuyền để tiếp tục bám biển, nâng cao cuộc sống.
Dòng vốn chính sách đã góp phần giúp 46 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, vươn lên phát triển sản xuất kinh doanh; gần 4,7 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập; thu hút và tạo việc làm thường xuyên cho gần 43 nghìn lao động. Thông qua việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 40, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, các cấp ủy, chính quyền cùng tham gia thực hiện chương trình giảm nghèo, chăm lo cuộc sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hộ vay vốn trồng cây ăn quả (Ảnh: PV) |
Để duy trì và tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, NHCSXH tỉnh Quảng Bình đã có sự chủ động khi bước sang năm mới 2025, với việc tập trung huy động nguồn lực, nguồn vốn, tổ chức truyền tải kịp thời an toàn nguồn vốn đến đúng các địa chỉ, đối tượng được thụ hưởng; tăng cường củng cố hoạt động ủy thác của các tổ chức hội, đoàn thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách đến mọi tầng lớp nhân dân… góp phần thực hiện thắng lợi Chỉ thị số 39/CT-TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư TW Đảng khóa 13 về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới.