Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đổi thay từ vốn tín dụng chính sách trên cao nguyên Mộc Châu

Thứ Hai, 09/12/2024 14:36 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - 11 tháng năm 2024, doanh số cho vay của NHCSXH huyện Mộc Châu đạt hơn 126 tỷ đồng với 2.436 lượt khách hàng vay vốn. Tổng dư nợ của NHCSXH Mộc Châu đến tháng 11/2024 đạt 379 tỷ đồng, tăng so với cuối 2023 hơn 50 tỷ đồng.

Nổi tiếng với khí hậu ôn đới mát mẻ, đất đai màu mỡ, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế và còn là một điểm du lịch hấp dẫn giữa miền Tây Bắc bao la; song cũng chính địa hình đẹp, hùng vĩ, được mệnh danh là "cao nguyên trắng ấy", với 88% là núi đồi bát úp hẹp và dốc, cũng lại tạo ra thách thức cho công cuộc giảm nghèo của huyện Mộc Châu (Sơn La). Thêm nữa, nơi đây có nhiều xã bản nằm trong vùng đặc biệt khó khăn, với tỷ lệ hộ nghèo, nhất là tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số, khá cao.

 Điểm giao dịch xã của NHCSXH Mộc Châu (Ảnh: PV)

Tuy nhiên, chính những khó khăn trên lại minh chứng rõ hơn sự kiên trì, nỗ lực vượt khó của những người làm tín dụng chính sách suốt 22 năm qua ở Mộc Châu, góp phần quan trọng vào hành trình thực hiện thắng lợi các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Rất nhiều hộ đồng bào Mông, Dao tại xã Tân Lập đã sử dụng hiệu quả vốn vay của NHCSXH huyện Mộc Châu để phát triển kinh tế gia đình, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó đã góp phần đưa sản xuất nông nghiệp của xã phát triển theo hướng tập trung và bền vững. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 65,2 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn 5%.

Cán bộ tín dụng NHCSXH Mộc Châu thăm hộ dân tộc sử dụng vốn chính sách để giảm nghèo, ổn định đời sống (Ảnh: PV) 

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập, ông Nguyễn Mạnh Cang cho biết: Hiện đã có 164 hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, với tổng dư nợ trên 29 tỷ đồng. Các hộ dân đều sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích như đầu tư thâm canh lúa nước, ngô lai, chè sạch theo công nghệ VietGap và phát triển nuôi trâu bò sinh sản, vỗ béo nhốt chuồng.

Gia đình ông Lường Văn Quang, ở bản Hoa 1,  đã sử dụng 100 triệu vốn vay để khai hoang mở đất, đào mương dẫn nước ngọt để trồng 3 ha ngô lai, thu hoạch 12 tấn/ha/năm, thoát cảnh nghèo, xây được nhà mới khang trang, kiên cố.

Còn chị Hoàng Thị Lá, ở bản Phách, xã Chiềng Khứa, cũng là một hình mẫu giảm nghèo bền vững. Là cán bộ chi hội phụ nữ ở vùng sâu vùng xa, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, chị quyết tâm sử dụng vốn vay của NHCSXH đầu tư trồng chanh leo, mận hậu trên 5.000m2 đồi dốc. Đất đã chẳng phụ công người chăm sóc, liền mấy mùa xuân, chanh leo, mận hậu đều được mùa quả sai trĩu cành, lại bán được giá, giúp gia đình chị thu hoạch cao gấp 5,7 lần so với trồng lúa nương, sắn khoai. “Nhờ chính sách vay vốn ưu đãi của Nhà nước, gia đình tôi đã có của ăn của để. Cứ đà này, đến Tết năm nay nhà tôi trả xong nợ vay ngân hàng và thoát hẳn nghèo đúng với bản đăng ký”, chị Lá tâm sự.

 Cán bộ tín dụng NHCSXH Mộc Châu thăm hộ dân tộc sử dụng vốn chính sách để giảm nghèo, ổn định đời sống (Ảnh: PV)

Những năm vừa qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã thực sự trở thành công cụ hữu hiệu giúp địa phương thực hiện thắng lợi Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Năm 2023, cùng với tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ giảm nghèo ở Mộc Châu cũng khá ấn tượng, còn 3,5% và theo đánh giá sơ bộ đến tháng 11/2024, tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm xuống dưới 3,5%.

Cùng với đó, vốn chính sách cũng góp lực thực hiện các cơ chế chính sách tạo việc làm mới, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định, cải thiện đời sống đối với lao động nông thôn và thực hiện hiệu quả chương trình “Xóa nhà dột nát cho hội viên nông dân nghèo” và duy trì phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau” trên cao nguyên Mộc Châu.

Theo ông Phạm Việt Hải, Giám đốc NHCSXH huyện Mộc Châu, trong suốt 2 thập kỷ qua, đặc biệt 10 năm qua, nhờ triển khai thực hiện mạnh mẽ, sâu rộng Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, dòng chảy tín dụng chính sách trên vùng cao Mộc Châu luôn được khơi thông, góp phần thiết thực, hiệu quả giúp dân phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống.

Cụ thể, tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH đến 30/11/2024 đạt gần 4.800 tỷ đồng, hoàn thành 99,7% năm, trong đó nguồn vốn trung ương chuyển về 389 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách tỉnh, huyện giao là 24.651 triệu đồng để bổ sung nguồn vốn ưu đãi kịp thời cho vay trực tiếp tới hộ nghèo và các đối tượng chính sách đặc thù đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

Riêng 11 tháng năm 2024, doanh số cho vay của NHCSXH huyện Mộc Châu đạt hơn 126 tỷ đồng với 2.436 lượt khách hàng vay vốn. Tổng dư nợ của NHCSXH Mộc Châu đến tháng 11 này đạt 379 tỷ đồng, tăng so với cuối năm ngoái hơn 50 tỷ đồng.

Niềm vui của hộ vay vốn tín dụng chính sách bên vườn cam được mùa (Ảnh: PV) 

Cùng với việc mở rộng tín dụng, việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng được NHCSXH huyện và các tổ chức hội, đoàn thể đặc biệt chú trọng quan tâm thực hiện quyết liệt trong thời gian qua. Nhờ đó, chất lượng tín dụng chính sách được duy trì ổn định, ngày càng nâng cao, để rồi đến nay, nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,20% tổng dư nợ, nợ quá hạn bằng 0 và số xã không có nợ quá hạn là 11 trong tổng số 15 xã, thị trấn của huyện. Những nỗ lực của NHCSXH Mộc Châu đã góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới đảm bảo an ninh trật tự xã hội, bảo vệ biên giới vùng cao nguyên trong nhiều năm liên tục.

Theo đánh giá của Bí thư huyện ủy Mộc Châu, ông Trần Dân Khôi: Những nỗ lực của NHCSXH Mộc Châu cùng hệ thống chính trị đã góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự xã hội, bảo vệ biên giới lãnh thổ.

Vốn chính sách đã phủ kín cao nguyên Mộc Châu rộng lớn, cho vay đúng đối tượng thu hưởng giúp cho 677 hộ thoát ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho trên 8.499 lao động, tạo điều kiện xây dựng, sửa chữa 8.218 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, phát triển và chăn nuôi được 9.732 con trâu bò; trồng mới được 1418 ha cây ăn qua, hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo theo QĐ 33 và NĐ 28/2022 là 137 hộ.

Cùng với nền tảng tín dụng đã tạo dựng trong thời gian qua, Giám đốc NHCSXH huyện Mộc Châu Phạm Việt Hải kỳ vọng, hoạt động tín dụng chính sách những năm tháng tiếp theo sẽ đóng góp nhiều hơn vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới của huyện, để mỗi dịp năm mới vè nhìn lại tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, vững chắc và miền cao nguyên thêm no đủ, tươi sáng từ dòng vốn tín dụng chính sách.

 

Đông Dư

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN