Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Người chủ tịch xã “đau đáu” với công tác giảm nghèo và tín dụng chính sách

Thứ Hai, 16/12/2024 16:32 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ở tuổi gần 40, vị Chủ tịch UBND xã Yên Phúc, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn Triệu Văn Phương đang ở độ tuổi sung sức nhất của nghề và đời người, giữ vị trí Chủ tịch kiêm Trưởng ban chỉ đạo giảm nghèo xã, thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Văn Quan, Triệu Văn Phương luôn “đau đáu” với công tác giảm nghèo và triển khai hiệu quả tín dụng chính sách trên địa bàn.

Là một trong các xã khó khăn của huyện khó khăn, với 16 Tổ TK&VV đang hoạt động với tổng dư nợ các chương trình cho vay của NHCSXH huyện tính đến ngày 31/5/2024 là 36,716 tỷ đồng, có 494 hộ vay. Thời gian qua, tín dụng chính sách đã thực sự phát huy hiệu quả và mang lại “làn gió đổi thay” mát lành trên địa bàn.

Nhận thức rõ ràng, cụ thể Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư đã thật sự đi vào cuộc sống và đã tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Ở cương vị người đừng đầu, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn xã, Triệu Văn Phương đã không ngừng nêu cao tinh thần, trách nhiệm và nhận thức trong việc triển khai tín dụng chính sách, quan tâm hỗ trợ về địa điểm, trang thiết bị làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH.

Chủ tịch xã Triệu Văn Phương với cán bộ tín dụng chính sách Lạng Sơn tại hộ vay vốn sản xuất cao khô, sản phẩm đặc trưng của Yên Phúc (Ảnh: HNV) 

Trao đổi với chúng tôi, vị Chủ tịch dân tộc Nùng này cho biết, với chức năng nhiệm vụ của thành viên Ban đại diện, Chủ tịch UBND các xã luôn quan tâm, trực tiếp chỉ đạo Ban giảm nghèo cấp xã thực hiện nghiêm túc việc rà soát, xác nhận đúng đối tượng được thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách, tổ chức phân bổ vốn đến thôn, chỉ đạo trưởng thôn, Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) phối hợp với các tổ chức CT-XH nhận ủy thác họp bình xét cho vay công khai, qua đó chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời và đến đúng đối tượng thụ hưởng. Đồng thời chỉ đạo Ban giảm nghèo, Trưởng thôn và phối hợp với các tổ chức CT-XH nhận ủy thác trong việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, giám sát hoạt động của Tổ TK&VV, trực tiếp chỉ đạo Tổ đôn đốc thu hồi nợ khó đòi của địa phương. Từ đó, chất lượng tín dụng được nâng cao, nợ quá hạn được kiểm soát, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV, các chủ trương, chính sách mới được triển khai, tuyên truyền đầy đủ đến người dân.

Cũng theo Chủ tịch xã Triệu Văn Thắng, thông qua việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và các chính sách tín dụng ưu đãi đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, cấp uỷ chính quyền địa phương các cấp cùng tham gia thực hiện chương trình giảm nghèo, chăm lo cuộc sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách, hướng dẫn và tạo điều kiện cho họ biết cách làm ăn, từng bước chuyển biến nhận thức, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hiệu quả sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn xã đã giúp 376 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH; 178 hộ vượt qua ngưỡng nghèo là 178 hộ; 6 hộ có học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và học nghề; 75 lao động được tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm; 4 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 184 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (theo quy mô hộ gia đình) đã được xây dựng và cải tạo; 65 căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách được xây dựng.

Chủ tịch xã Triệu Văn Phương cùng hộ vay vốn sản xuất cao khô và các cán bộ tín dụng chính sách trên địa bàn  (Ảnh: HNV) 

Chia sẻ về nguyên nhân của những kết quả nổi bật trên, Chủ tịch Triệu Văn Thắng cho rằng, từ khi NHCSXH huyện được thành lập xã Yên Phúc đã được tiếp cận và triển khai các chương trình tín dụng đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Với mỗi chương trình là một nguồn lực, một nhịp cầu đưa chính sách ưu đãi về vốn của chính phủ đến với nhân dân xã miền núi. Lãnh đạo UBND xã Yên Phúc hiểu được tầm quan trọng của đồng vốn vay đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của xã chính vì vậy đã thực hiện đúng trách nhiệm trong việc xác nhận đúng đối tượng hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, không để thất thoát nguồn vốn của Nhà nước. Cấp ủy, chính quyền luôn coi đây là nhiệm vụ quan trọng giúp cho nhân dân xóa đói giảm nghèo, khắc phục những khó khăn trong cuộc sống. Với các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, đây là cơ hội để tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế xã- hội đi lên, đời sống tinh thần vật chất của người dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, góp phần tích cực vào xây dựng nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao. “Đáng chú ý, chúng tôi đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc để tập hợp lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội. Hàng năm xây dựng và thực hiện kế hoạch giám sát toàn dân giúp nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy tối đa hiệu quả. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ TK&VV không để nợ xâm tiêu, nợ quá hạn, lãi tồn đọng; chỉ đạo các thành viên trong Ban giảm nghèo xã phối hợp với NHCSXH huyện trong việc triển khai cho vay kịp thời các chương trình tín dụng ưu đã được Ban đại diện - HĐQT NHCSXH huyện giao chỉ tiêu kế hoạch hàng năm; Uỷ ban nhân dân xã đã thành lập được Ban thu hồi nợ gồm có đại diện UBND xã, Công an, Quân sự, Tư pháp, Trưởng thôn và các Hội đoàn thể… để triển khai thực hiện Chỉ thị số 06/CT-UBND tỉnh Lạng Sơn về nâng cao năng lực và hiệu quả vốn vay thông qua Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lạng Sơn”- Ông Triệu Văn Phương nói.

Quan trọng hơn cả, xã đã tích cực tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ đối với chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến các thôn và mọi người dân được biết, bằng cách niêm yết công khai các văn bản, pa-nô áp phích tại điểm giao dịch xã. Tăng cường công tác phối kết hợp chặt chẽ với NHCSXH huyện, các tổ chức tổ chức chính trị xã hội nhận uỷ thác phải làm tốt công tác kiểm tra, giám sát trước và sau cho vay, việc bình xét cho vay phải công khai minh bạch phát huy quyền làm chủ của người dân và duy trì việc họp giao ban giữa NHCSXH với các tổ chức tổ chức chính trị xã hội các cấp để đánh giá những mặt làm được, chưa làm được báo cáo kịp thời Ban đại diện HĐQT huyện xem xét giải quyết.

Khi xuống địa bàn Yên Phúc, theo chân vị Chủ tịch xã xuống một số hộ vay vốn tiêu biểu, chứng kiến sự quen thuộc, thân thiết giữa người đứng đầu một xã với từng hộ dân càng thấy rõ sự tận tâm, bám sát cơ sở của người cán bộ này. Ông giới thiệu chi tiết từng hộ với mức vay cụ thể, dùng nguồn vốn làm gì và quy mô sản xuất cụ thể ra sao. Ấn tượng để lại trong chúng tôi vẫn là nụ cười sáng, tác phong nhanh nhẹn và tinh thần sâu sát, sự quyết đoán trong quá trình tiếp xúc dân, xuống cơ sở và đặc biệt là quyết tâm triển khai hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn khi trao đổi với chúng tôi. Chia tay vị cán bộ xã đang ở độ “chín” của tuổi đời, tuổi nghề, chúng tôi đều tin tưởng rằng, bộ mặt nông thôn Yên Phúc sẽ ngày càng đổi thay theo chiều hướng ấm no, hạnh phúc./.

HNV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN