Xây dựng nội lực vững vàng cho ngành mía đường
(ĐCSVN) - Cùng với những cơ hội mở ra thì hội nhập quốc tế, tham gia các hiệp định thương mại tự do đang đòi hỏi ngành mía đường trong nước phải thực sự “tỉnh táo”, đồng thời, xây dựng nội lực vững vàng chính là “chìa khóa” để ngành phát triển.
Ngành mía đường Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề khi bị bán phá giá từ đường nhập khẩu trong năm 2020. (Ảnh minh họa: Duyên Duyên) |
Hội nhập quốc tế, tham gia các hiệp định thương mại tự do đang là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, để cạnh tranh hiệu quả, tự bảo vệ được nền sản xuất trong nước đang là bài toán đặt ra cho ngành mía đường Việt Nam khi vừa trải qua “cú sốc” từ sự cạnh tranh không lành mạnh khi thực thi hiệp định ATIGA (Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN).
Lao đao vì đường bán phá giá từ Thái Lan
Ngay sau khi thực hiện cam kết theo Hiệp định ATIGA, từ 1/1/2020, thuế suất nhập khẩu mặt hàng đường vào Việt Nam giảm bình quân từ mức 80% (đường thô) và 85% (đường trắng) xuống 5%. Trong một thời gian dài, ngành mía đường Việt Nam đã phải đối mặt với tình trạng nhập siêu và sản lượng nhập tăng một cách đột biến do không còn rào cản về thuế.
Theo số liệu thống kê của cơ quan Hải quan, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng đột biến trong năm 2020, đạt hơn 1,5 triệu tấn (trong đó, lượng đường chủ yếu được nhập từ Thái Lan). Đây là mức tăng rất lớn khi trong giai đoạn 2017-2019 đường nhập khẩu vào Việt Nam chỉ đạt từ 200 nghìn tấn đến 400 nghìn tấn, trong đó nhập khẩu đường thô và đường tinh luyện đạt gần 250 nghìn tấn/năm (năm 2018-2019); đường lỏng nhập khẩu trung bình đạt 150 nghìn tấn/năm.
Do lượng đường nhập khẩu tăng đột biến trong năm 2020 nên sản xuất đường trong nước chịu ảnh hưởng rất nặng nề, đẩy ngành mía đường trong nước rơi vào tình trạng lao đao khi niên vụ 2019-2020, diện tích trồng mía tiếp tục bị giảm 15-20%. Đồng thời, một loạt các nhà máy đã phải đóng cửa, chỉ còn 29/41 nhà máy đường còn hoạt động. Theo tính toán, đã có 3.300 người lao động bị mất việc làm và 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất mía đường trong nước.
Theo đại diện của Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn, ông Lê Văn Tam - Chủ tịch Hội đồng quản trị, với việc chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc đường nhập khẩu ở số lượng lớn, giá mía thấp làm cho diện tích vùng nguyên liệu tụt giảm nghiêm trọng. Diện tích mía của cả nước từ 300.000 ha, đến nay chỉ còn dưới 160.000 ha. Với các nhà máy đang còn hoạt động nhưng mang tính cầm chừng, nguyên liệu thiếu trầm trọng nên chỉ đáp ứng được 50% công suất thiết kế. Sản lượng đường sản xuất trong nước từ hơn 2 triệu tấn/năm đến nay chỉ còn dưới 1 triệu tấn.
Đứng trước thực trạng nhập khẩu đường tăng đột biến, giá ở mức thấp, vào ngày 21/9/2020, trên cơ sở kết quả thẩm định Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp của đại diện ngành sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đã bắt đầu điều tra vụ việc.
Trải qua gần 5 tháng điều tra theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan, Bộ Công Thương đã xem xét và đánh giá kỹ lưỡng thiệt hại của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá và mức độ được trợ cấp của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm đường mía của Thái Lan cũng như tính toán tác động đối với các ngành sản xuất hạ nguồn và người tiêu dùng.
Sau quá trình điều tra kỹ lưỡng, ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Trong đó, áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan với mức 48,88% cho đường tinh luyện và 33,88% cho đường thô.
Quyết định này của Bộ Công Thương đã mang lại công bằng cho ngành mía đường Việt Nam sau thời gian dài chịu tổn thất nặng nề. Đánh giá của nhiều chủ doanh nghiệp sản xuất mía đường cho thấy, đây là quyết định hết sức kịp thời, bước đầu tháo gỡ những khó khăn cho ngành mía đường trong nước. Đồng thời là điều kiện tốt để từng bước phục hồi lại ngành mía đường trong nước, đặc biệt là vùng nguyên liệu của các nhà máy và các doanh nghiệp sản xuất mía đường. Việc giá đường được đánh giá đúng với giá trị thực, giá đường tăng, các nhà máy sẽ tăng giá mua mía cho bà con nông dân, người trồng mía yên tâm tập trung đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng mía.
Thực tế niên vụ 2020-2021, nhiều nhà máy đã tăng giá thu mua mía cho bà con nông dân, đối với Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn đã thông báo giá mua mía trước vụ ép là 1.000.000 đồng/tấn 10 CCS tại ruộng, cao hơn giá trong vùng 200.000 đồng/tấn và cao hơn so với vụ trước 2019-2020 là 150.000 đồng/tấn.
Xây dựng nội lực vững chắc để tăng sức cạnh tranh
Quyết định 477 của Bộ Công Thương thực sự đã mang lại sự công bằng cho ngành mía đường Việt Nam, tuy nhiên, đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lộc - Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, thông qua việc điều tra, quyết định áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đường Thái Lan của Bộ Công Thương cho thấy bộ mặt thật của môi trường cạnh tranh trong ngành mía đường ASEAN đã bị biến dạng bởi các biện pháp trợ cấp và phá giá để dành thị phần mà không phải môi trường của năng lực cạnh tranh thực sự.
Ông Nguyễn Văn Lộc cũng cho rằng, việc áp thuế phòng vệ thương mại là sự can thiệp kịp thời và chẳng khác nào chiếc “phao cứu sinh” xuất hiện kịp thời trong hoàn cảnh “thập tử nhất sinh” của ngành đường Việt Nam.
Với việc điều tra làm rõ kết quả cho thấy ngành mía đường Việt Nam đã được minh oan trong bối cảnh cho rằng, giá đường Việt Nam không cạnh tranh nổi với các nước trong khu vực. Khi thực tế đây chỉ là mức thuế trợ cấp mà các doanh nghiệp Thái Lan được hưởng lợi để nhằm chiếm thị phần về mặt hàng đường tại thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, sau vụ việc này, về lâu dài, ngành mía đường Việt Nam vẫn cần xây dựng được một “sức khỏe” thật vững chắc để cạnh tranh sòng phẳng với các nước trong khu vực khi rào cản thuế đã không còn.
Ông Đinh Duy Vượt – Phó Trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Gia Lai (địa phương có diện tích trồng mía lớn) cho rằng, để ngành mía đường phát triển bền vững, không bị Thái Lan “thôn tính” và từng bước cạnh tranh sòng phẳng với Thái Lan, đồng thời phải thực hiện đúng cam kết ATIGA và hội nhập, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho nông dân trồng mía, trong đó đặc biệt là sửa đổi chính sách đất đai, xây dựng những cánh đồng lớn để phát triển vùng nguyên liệu tập trung - vốn được xem là điều kiện tiên quyết để cơ giới hóa, đồng thời, đầu tư về giao thông, thủy lợi…Đây chính là những vấn đề bức thiết hiện nay. Bên cạnh đó, cần phát triển các loại hình liên kết hợp tác hiệu quả trong tổ chức sản xuất nhằm tạo dựng mối liên kết gắn bó tin tưởng giữa doanh nghiệp với nông dân “sướng khổ có nhau, cùng thắng, cùng chia sẻ rủi ro nếu có”.
Đặc biệt, để xây dựng được vùng mía nguyên liệu chất lượng – yếu tố quan trọng để đưa ngành mía đường phát triển bền vững, ông Nguyễn Văn Lộc - Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, sẽ chỉ đạt được điều này nếu canh tác có hiệu quả, nghĩa là đạt được hai yếu tố năng suất cao và chi phí thấp. Như vậy, các doanh nghiệp cần rà soát đánh giá và quy hoạch lại các diện tích sản xuất mía và chỉ giữ lại các vùng trồng có tiềm năng đạt được hai yếu tố này.
Đáng chú ý, ở cấp độ cao hơn, ông Lộc cho rằng, vùng mía nguyên liệu chỉ có thể tồn tại bền vững nếu lợi nhuận từ cây mía cao hơn lợi nhuận từ cây trồng cạnh tranh trực tiếp tại địa phương. Có như thế, người nông dân mới có thể yên tâm tiếp tục đồng hành cùng các nhà máy.
Ngoài ra, giống cũng là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển “chất lượng” của ngành mía đường. Nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, cần phải chọn được những giống mía tốt, phát triển nhanh, trữ lượng đường tốt, phù hợp với từng vùng miền. Đồng thời phải có chính sách để nông dân thay đổi giống. Trong đó, Nhà nước và doanh nghiệp phải có những chính sách hỗ trợ để người dân có trách nhiệm thay đổi giống và tăng năng suất. Cần phải có một hệ thống về giống sẵn sàng để cung cấp cho nông dân khi cần.
Theo phân tích của các chủ doanh nghiệp ngành mía đường, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là việc kiểm soát đường nhập lậu. Nếu không quyết liệt, không kiểm soát chặt chẽ đường nhập lậu sẽ gây lũng đoạn giá đường trong nước, đường các nhà máy sản xuất trong nước sẽ không tiêu thụ được, doanh nghiệp mía đường sẽ tiếp tục gặp khó khăn như những năm trước đây.
Hơn nữa, cần tiến hành điều tra, khởi kiện các sự việc bán phá giá, trợ cấp quá mức, đây cũng được xem là động thái quyết liệt để bảo vệ ngành mía đường Việt Nam. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi tiếp tay buôn lậu với hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng đường và chất tạo ngọt.
Chỉ khi những giải pháp trên được triển khai đồng bộ và quyết liệt, ngành mía đường Việt Nam mới sớm vượt qua được giai đoạn khó khăn, xây dựng được tiềm lực, khẳng định vị thế của ngành hàng không chỉ với người tiêu dùng trong nước mà còn đủ lực cạnh tranh thậm chí vượt lên trên các nước trong khu vực./.