Sân chơi mang đậm giá trị văn hóa truyền thống
(ĐCSVN) - Không chỉ là sân chơi mang đậm giá trị văn hóa truyền thống, Chương trình giao lưu hát ru, hát dân ca còn là dịp để cán bộ, hội viên phụ nữ Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức, phương pháp, kỹ năng công tác Hội.
Hát ru, hát dân ca là một loại hình nghệ thuật dân tộc mang giá trị nhân văn cao đẹp, được lưu truyền trong dân gian từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các làn điệu hát ru, hát dân ca có chức năng giáo dục, thẩm mỹ cao, góp phần hình thành nuôi dưỡng và phát huy nhân cách, di dưỡng tâm hồn, gieo vào tâm thức tuổi thơ những ký ức, những hình ảnh đẹp về lòng nhân ái, đạo lý làm người và tình yêu quê hương đất nước. Nhằm giữ gìn, lan tỏa những giá trị của hát ru, hát dân ca, Chương trình giao lưu hát ru, hát dân ca đã có sự tham gia của 11 đội đến từ Hội phụ nữ các đơn vị: Vùng 4 Hải quân, Học viện Hải quân, Lữ đoàn 189, Lữ đoàn 954, Trung đoàn 196, Kho 858/Cục Kỹ thuật Hải quân cùng hơn 400 đồng chí cán bộ, chiến sĩ, quân nhân các đơn đơn vị.
Một tiết mục tham gia tại Chương trình giao lưu hát ru, hát dân ca. |
Nét nổi bật của Chương trình giao lưu đó là tiết mục tham gia của các đội đã được đầu tư dàn dựng công phu, bảo đảm tính nghệ thuật và tính giáo dục cao vì vậy đã thực sự cuốn hút người xem. Khơi dậy, phát huy năng lực sáng tạo của cán bộ, hội viên, các đội đã khéo léo sử dụng những chất liệu hát ru, dân ca của địa phương để giới thiệu về đơn vị mình gắn với đặc trưng văn hóa vùng miền nơi đơn vị đóng quân. Phần tuyên truyền các làn điệu hát ru, hát dân ca được thể hiện các hoạt cảnh, ca cảnh, tiểu phẩm, kịch hát, kịch múa với nhiều nội dung hay dựa trên nền nhạc mang âm hưởng những làn điệu hát ru, dân ca truyền thống của quê hương, đất nước.
Đồng chí Thiếu tá, QNCN Thái Thị Huệ, Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở Lữ đoàn 146 chia sẻ: “Xuất phát từ tình yêu hát ru, hát dân ca nên từng hội viên đều rất tâm huyết trong chuẩn bị, luyện tập. Những nội dung thể hiện trong chương trình giao lưu thực sự là những đứa con tinh thần của cả đội; từ phần giới thiệu về đội đến phần thi tuyên truyền với chủ đề “Mẹ và người lính Trường Sa” đều phản ánh nét riêng của phụ nữ Trường Sa. Chương trình giao lưu hát ru, hát dân ca đã là sân chơi bổ ích. Chúng tôi mong muốn được tham gia nhiều hơn những sân chơi như vậy”.
Cùng chung cảm xúc nói trên, đồng chí Thượng úy, QNCN Dương Thị Thương, nhân viên phòng Hậu cần - Kỹ thuật, Lữ đoàn 189 cho biết: “Tham gia chương trình giao lưu, tôi ấn tượng nhất với phần tuyên truyền các làn điệu hát ru, hát dân ca của các đội. Các tiết mục được dàn dựng công phu, giàu tính nghệ thuật đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, văn nghệ trong đơn vị, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ và hội viên phụ nữ”.
Đại diện Ban Tổ chức tặng Cờ lưu niệm cho các đội tham gia Chương trình. |
Trao đổi cùng chúng tôi, Đại tá Nguyễn Hữu Minh, UVBTV, Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân cho biết, tham gia Chương trình giao lưu, các đội đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa tiết mục hát ru, hát dân ca với những hình thức minh họa, hình ảnh trực quan trên sân khấu hoặc hình ảnh, clip trình chiếu trên màn hình led. Thông qua những làn điệu hát ru, hát dân ca được chuyển thể gắn với đặc điểm nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị đã hướng vào tuyên truyền các nội dung ý nghĩa, như: Phụ nữ Quân đội học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sỹ Hải quân thời kỳ mới” của phụ nữ Hải quân;… Qua đó, góp phần nâng cao kiến thức, phương pháp, kỹ năng công tác Hội và tham gia hoạt động Hội; khẳng định hiệu quả của sự vận dụng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội Phụ nữ trong xây dựng, triển khai các mô hình hoạt động thực tiễn.
Có thể thấy, Chương trình giao lưu hát ru, hát dân ca do Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân phối hợp với các đơn vị trong cụm lực lượng Hải quân trong khu vực tổ chức là dịp để tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ nói riêng, cán bộ, chiến sĩ nói chung về vị trí, vai trò của văn hóa trong xây dựng Quân đội, phát triển đất nước; khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa kết tinh trong mỗi làn điệu hát ru, hát dân ca. Chương trình thực sự là sân chơi mang đậm giá trị văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc; phù hợp với tâm lý, góp phần bồi dưỡng tâm hồn và làm phong phú thêm đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và hội viên phụ nữ ở các cơ quan, đơn vị./.