Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cơ hội đầu tư hay rủi ro?!

Thứ Tư, 25/09/2024 10:17 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Giá vàng thế giới đang liên tục lập kỷ lục mới, đã chạm mức 2.630 USD/ounce – một cột mốc cao nhất trong lịch sử. Trên sàn giao dịch Comex New York, hợp đồng vàng tương lai giao tháng 12/2024 cũng vọt lên đỉnh mới với mức 2.653 USD/ounce. Sự tăng giá của vàng trên thế giới kéo theo sự biến động mạnh mẽ trên thị trường vàng trong nước.

 Ảnh minh họa (Ảnh: TL)

 

Trước xu hướng tăng giá vàng trên thị trường quốc tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã điều chỉnh giá bán vàng miếng trực tiếp cho Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) và bốn ngân hàng thương mại quốc doanh (Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank), đẩy mức giá bán sản phẩm vàng miếng SJC lên 83,5 triệu đồng/lượng vào sáng nay (23/9). Mức giá mua vào cũng đạt 81,5 triệu đồng/lượng, cho thấy sự chênh lệch rõ rệt so với vàng thế giới, nhưng chênh lệch này đã thu hẹp đáng kể so với các thời điểm trước.

Giá vàng nhẫn tròn 9999, Bảo Tín Minh Châu cũng điều chỉnh giá vàng nhẫn tròn trơn tăng lên ngưỡng 80,08-81,18 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 690.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 640.000 đồng/lượng chiều bán ra so với mở cửa phiên giao dịch sáng qua.

Giới phân tích cho rằng xu hướng tăng giá của vàng xuất phát từ nhiều yếu tố kinh tế và địa chính trị. Đầu tiên, kỳ vọng các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế đã thúc đẩy giá vàng. Điều này phản ánh qua chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), khi thị trường đang đặt cược vào khả năng Fed sẽ giảm lãi suất thêm 0,5% thay vì 0,25% như dự đoán trước đó. Lãi suất giảm đồng nghĩa với việc vàng trở nên hấp dẫn hơn khi các kênh đầu tư khác trở nên ít lợi nhuận.

Thứ hai, tình hình bất ổn chính trị trên thế giới, đặc biệt là các căng thẳng địa chính trị ở châu Âu và cuộc bầu cử tại Mỹ, đã tạo ra môi trường thuận lợi cho vàng – vốn được coi là một nơi trú ẩn an toàn của dòng tiền trong thời kỳ bất ổn. Các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đẩy mạnh việc mua vàng nhằm cơ cấu lại danh mục dự trữ ngoại hối, góp phần làm tăng thêm nhu cầu vàng. 

Dù vàng hiện tại đang ở mức giá rất cao, nhưng không phải tất cả các chuyên gia đều lạc quan về tương lai của kim loại quý này. Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO của AFA Capital, cho rằng dư địa tăng giá của vàng không còn nhiều. Theo ông, giá vàng hiện tại đã phản ánh phần lớn các rủi ro về kinh tế, bao gồm nguy cơ suy thoái toàn cầu. Dự báo từ J.P. Morgan cũng chỉ ra rằng giá vàng có thể đạt đỉnh 2.600 USD/ounce vào quý IV/2025 – một tín hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng giá vàng có thể chững lại.

Bà Dương Kim Anh, Giám đốc Đầu tư Công ty TNHH Quản lý Quỹ Vietcombank, chia sẻ rằng, đầu tư vàng là một kênh đầu tư đầy biến động và khó lường. Trong quá khứ, giá vàng từng đạt đỉnh 1.800 USD/ounce vào năm 2011, nhưng sau đó giảm sâu tới 70-80%, và phải mất đến 7 năm sau vàng mới quay lại mức đỉnh cũ. Việc đầu tư vào vàng vì vậy tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu giá biến động không như mong đợi.

Ngoài ra, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Maybank Investment Bank, nhận định rằng, dù Fed giảm lãi suất sẽ hỗ trợ giá vàng, nhưng lãi suất hiện tại của Fed vẫn ở mức cao 5-5,5%, điều này cho thấy thời kỳ tiền rẻ chưa thực sự quay trở lại. Do đó, khả năng giá vàng tăng mạnh vượt 3.000 USD/ounce trong năm nay là khó xảy ra.

Trong bối cảnh thị trường vàng biến động mạnh mẽ và khó đoán, nhiều nhà đầu tư tại Việt Nam đang dần rút khỏi kênh đầu tư này. Ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết, AFA Capital đã ngừng tăng tỷ trọng đầu tư vào vàng từ tháng 6/2024 và sẽ tiếp tục giảm tỷ trọng trong tháng 9 này. Ông khuyến nghị các nhà đầu tư nên phân bổ danh mục đầu tư vào nhiều loại tài sản khác nhau, thay vì tập trung vào vàng, để giảm thiểu rủi ro.

Giới chuyên gia cũng đồng tình rằng, mặc dù giá vàng có thể tiếp tục tăng trong ngắn hạn do các yếu tố địa chính trị và kinh tế, nhưng lợi nhuận từ việc đầu tư vào vàng sẽ không còn hấp dẫn như trước. Với những chính sách quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước và áp lực tỷ giá VND mạnh lên, vàng đang mất dần sức hút với các nhà đầu tư trong nước.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia đã kiến nghị Chính phủ cần xây dựng một thị trường vàng hiện đại, liên thông với thị trường thế giới. Đề xuất về việc cho phép lưu thông vàng trong hệ thống tín dụng thông qua các sản phẩm như chứng chỉ vàng và sàn vàng quốc gia là một giải pháp giúp huy động nguồn lực vàng trong dân cư. Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng đưa ra khuyến nghị rằng việc chuyển từ giao dịch vàng miếng sang các sản phẩm tài chính phái sinh có thể là hướng đi bền vững để tăng cường huy động nguồn lực vàng.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm ổn định thị trường vàng trong nước. Một trong những bước quan trọng là nghiên cứu và sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng, phù hợp với tình hình thực tế và kinh nghiệm quốc tế.

Trong bối cảnh giá vàng thế giới và trong nước đều đang biến động mạnh, việc đầu tư vào vàng không còn là lựa chọn dễ dàng. Mặc dù vàng vẫn giữ vai trò là kênh trú ẩn an toàn, song rủi ro từ biến động giá và khó khăn trong giao dịch khiến vàng mất dần sức hút. Để đầu tư hiệu quả, nhà đầu tư cần thận trọng, đa dạng hóa danh mục và không đặt cược quá nhiều vào một kênh đầu tư duy nhất như vàng.

Chỉ khi thị trường vàng trong nước được cải thiện với những bước đi cụ thể về cơ chế và chính sách, nhà đầu tư mới có thể tận dụng hết tiềm năng của tài sản này.

 

Minh Phương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN