Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần thêm động thái cứng rắn!

Thứ Tư, 06/11/2024 15:35 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực trấn áp nhưng tình trạng “quái xế” đua xe, lạng lách, đánh võng… vẫn xảy ra với nhiều biến tướng phức tạp, gây nhức nhối, bức xúc trong xã hội.

Những ngày qua, cái chết đầy oan ức của cô gái 27 tuổi vào rạng sáng 3/11  do những hành vi ngông cuồng, coi thường pháp luật của nhóm “quái xế” khiến cộng đồng quá đau xót và phẫn nộ.

Mạng xã hội sau đó lan truyền đoạn clip cho thấy cảnh hàng chục xe máy di chuyển với tốc độ cao, gây mất trật tự công cộng tại khu vực ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm. Đoàn xe không chỉ phóng nhanh, lạng lách mà còn liên tục hò hét, nẹt pô ầm ĩ. Khi đến ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu, nhóm “quái xế” này đã đâm vào cô gái điều khiển xe máy đang dừng chờ đèn đỏ khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

Công an quận Hoàn Kiếm sau đó đã tạm giữ 10 trường hợp liên quan đến vụ việc. Đáng chú ý, các nghi can đều ở độ tuổi học sinh từ 16 tới 19, chưa có tiền án tiền sự, trong số này có cả nữ sinh.

Nhóm thanh thiếu niên điều khiển xe máy gây tai nạn khiến 1 người tử vong rạng sáng 3/11. (Ảnh: tienphong.vn)

Vụ việc đau lòng trên một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng, nhất là hiện tượng thiếu niên chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe điều khiển mô tô. Nhiều người dân kêu gọi cần có những động thái cứng rắn, quyết liệt xử lý nghiêm minh hơn để chấm dứt các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội.

Theo phân tích, tình trạng đua xe thường tập trung ở giới trẻ, vị thành niên, lứa tuổi có tâm lý muốn thể hiện, lại thường thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình. Thế nhưng, do nuông chiều con cái, hoặc buông lỏng quản lý, thậm chí không hiểu biết các quy định của pháp luật nên cha mẹ vẫn “vô tư” giao xe cho con.

Pháp luật Việt Nam cũng nghiêm cấm hành vi đua xe trên đường phố, thực hiện các hành vi lạng lách, đánh võng, gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội. Những năm qua, lực lượng chức năng đã tập trung xử lý tình trạng tụ tập đua xe trái phép, khởi tố hình sự không ít trường hợp. Song có thể thấy, chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm này còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe “quái xế”.

Trị tận gốc “quái xế” cần mạnh tay hơn nữa!

Mới đây, tại Dự thảo Nghị định xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đã đề xuất xử lý mạnh tay đối với các hành vi đua xe trái phép. Những cá nhân tụ tập cổ vũ, xúi giục, giúp sức cho hành vi đua xe trái phép sẽ bị phạt từ 1-2 triệu đồng.

Đối với hành vi tổ chức đua xe trái phép, mức phạt sẽ từ 10-20 triệu đồng đối với cá nhân và từ 20-40 triệu đồng đối với tổ chức.

Dự thảo Nghị định cũng đề xuất tăng gấp 5 lần mức xử phạt đối với cha mẹ, người giám hộ giao xe cho con khi chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện (mức phạt cũ từ 4-6 triệu đồng; dự kiến mức phạt mới 28-30 triệu đồng).

Những đề xuất này được nhiều người đồng tình ủng hộ. Bởi rõ ràng, hành vi đua xe, lạng lách, đánh võng, là những hành động hết sức đáng lên án, thể hiện sự ngông cuồng, coi thường pháp luật, coi thường sức khỏe, tính mạng của người khác. Việc nâng chế tài xử phạt là một hình thức răn đe, nâng cao ý thức để ngăn chặn từ sớm, từ xa các “quái xế” có ý định tụ tập khoe “tay lái lụa”. Và các bậc phụ huynh cũng phải nhìn lại trước khi giao phương tiện cho con em mình khi chưa đủ điều kiện tham gia giao thông.

Cùng với tăng mức xử phạt, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm cần được đẩy mạnh hơn nữa, thực hiện thường xuyên, liên tục, để vừa kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi gây nguy hiểm trên đường.

Ngoài chế tài mạnh và sự nỗ lực của các lực lượng chức năng thì sự vào cuộc của gia đình là rất quan trọng. Các bậc phụ huynh có con em trong độ tuổi thanh, thiếu niên cần quan tâm, theo sát con em để nắm được những điều bất thường trong sinh hoạt, kịp thời phát hiện, ngăn cản những suy nghĩ lệch lạc có thể dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật.

Đặc biệt, cha mẹ cần cương quyết không giao phương tiện cho con em sử dụng khi chưa đủ tuổi, kể cả người đủ tuổi nhưng chưa có giấy phép lái xe hoặc không đủ điều kiện điều khiển phương tiện theo quy định.

Chỉ có như thế mới có thể ngăn chặn “quái xế” từ gốc!./.

TG

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN