Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Trẻ em và "tù binh" của mạng xã hội

Thứ Bảy, 28/09/2024 13:41 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Sử dụng điện thoại để tìm kiếm thông tin phục vụ học tập là tốt, nhưng đừng để điện thoại âm thầm biến học sinh trở thành "tù binh" của mạng xã hội và game. Nhà tù vô hình này có thể chôn vùi tuổi thanh xuân, hoài bão và khát vọng của các em.

Những ngày gần đây, câu chuyện có nên cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong trường học hay không đang được dư luận quan tâm với nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là các bậc phụ huynh. Nên hay không nên? Vì sao? Giải pháp nào phù hợp và hiệu quả…, đó là những câu hỏi đang được đặt ra khi nghĩ về vấn đề này.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Thái Bình (quận 6) chơi cờ vua trong giờ ra chơi. (Ảnh: Nguyễn Quyên) 

Dưới góc độ của phụ huynh, chắc hẳn nhiều gia đình có con trong độ tuổi học sinh đều lo lắng thậm chí bất lực khi 3 tháng hè, tận mắt thấy các con sử dụng điện thoại để chơi game và tham gia vào các nền tảng mạng xã hội quá nhiều. Điều này thấy rõ nhất là tại các đô thị, khi cha mẹ bận đi làm, không thường xuyên chơi với con cũng như không có điều kiện đưa con tham gia các sân chơi thể thao, hoạt động ngoại khóa. Khi cha mẹ không thể kiểm soát việc con sử dụng các thiết bị điện tử tại nhà, họ chỉ mong hết 3 tháng hè để các cháu quay lại trường học, để “cai” các thiết bị ấy. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc những phụ huynh này không muốn trên trường các con sử dụng điện thoại thông minh hay máy tính bảng. Bởi vì họ lo sợ học sinh sẽ có nhiều “chiêu trò” qua mắt giáo viên, thậm chí là ngay chính trong giờ học để tiếp tục “nghiện” game, “sống ảo”, xao nhãng việc học tập, thậm chí xem những website độc hại sẽ gây hậu quả khôn lường.

Tuy nhiên, cũng có những phụ huynh khi họ kiểm soát được giờ học, giờ chơi của con mình thì cho rằng, các thiết bị công nghệ trong đó có điện thoại thông minh đang giúp các con tìm tòi, khám phá kho tri thức vô cùng lớn, giúp các con trau dồi kiến thức, mở mang tầm nhìn. Do đó, trong môi trường học đường, nếu thầy cô kiểm soát tốt việc sử dụng điện thoại của học sinh, chủ động hướng dẫn các em sử dụng đúng mục đích của giờ học thì sẽ góp phần phát triển phẩm chất, năng lực của người học thông qua việc đổi mới phương pháp và hình thức dạy học trong thời đại số.

Còn dưới góc độ của nhà trường, nhiều thầy cô cho rằng, việc sử dụng điện thoại di động đúng mục đích như: để tiện liên lạc với gia đình, trao đổi bài vở với bạn bè, tìm tòi kiến thức, học hỏi những điều tốt đẹp - những câu chuyện giáo dục, học hỏi về kỹ năng sống… thì đó là điều vô cùng bổ ích. Tuy nhiên, hiện nay, rất nhiều học sinh sử dụng điện thoại lại không hướng tới mục đích tốt đó, nên làm ảnh hưởng rất lớn đối với môi trường giáo dục. Thầy cô lo ngại điện thoại sẽ làm giảm sự tập trung của học sinh, ảnh hưởng đến chất lượng học tập, khi các em dễ bị phân tâm bởi tin nhắn và mạng xã hội trong giờ học. Giờ ra chơi, các em cũng chỉ cắm cúi vào chiếc điện thoại, ít vận động, ít tương tác trực tiếp với bạn bè. Trên thực tế, nếu các em đã “nghiện” game, “nghiện” mạng xã hội thì rất khó để các em có ý thức tự giác không sử dụng điện thoại ngoài mục đích học tập. Cũng từ việc sử dụng điện thoại này, ngoài ảnh hưởng tới học tập, còn phát sinh thêm nhiều vấn đề tiêu cực khác chẳng hạn như sự đua đòi khi bạn dùng điện thoại “xịn” hơn, đưa lên mạng những trò đùa ác ý… Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với những học sinh ở độ tuổi dậy thì, với nhiều sự thay đổi về tâm sinh lý, cảm xúc.

Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh mặc dù chưa có quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại tại trường học song một số trường cũng đã phối hợp với phụ huynh để có giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Nhà trường, xã hội cần tạo ra nhiều sân chơi bổ ích để cho các em được thỏa sức sáng tạo, phát triển tốt các kỹ năng mềm. (Ảnh:V.Lê) 

Tại trường THPT Thạnh Lộc, sau khi có sự thống nhất với phụ huynh, năm học này nhà trường đã ra quy định cứng rắn khi nghiêm cấm học sinh sử dụng điện thoại tại trường, bao gồm cả trong giờ học và giờ ra chơi. Theo Ban Giám hiệu nhà trường, trước đây, vào giờ ra chơi, học sinh ít vận động, thường chỉ ngồi một chỗ chăm chăm vào điện thoại. Nhiều em cũng bị chi phối bởi mạng xã hội khi sử dụng điện thoại tại trường, ảnh hưởng đến việc học. Thậm chí, không ít học sinh lên mạng xã hội nhắn tin qua lại, nói xấu lẫn nhau, dẫn đến nhiều hệ lụy. Hiện nay, giờ ra chơi không còn cảnh các em chúi mặt vào điện thoại nữa mà sân trường rất nhộn nhịp các em vui chơi. Không tham gia vui chơi thì từng tốp học sinh ngồi cùng nhau trao đổi, trò chuyện… Môi trường học đường trở nên rất gần gũi, các em gắn kết với nhau.

Để giúp học sinh thích nghi và hình thành một thói quen mới, song song với việc nghiêm cấm học sinh sử dụng điện thoại, nhà trường tính toán tạo thật nhiều sân chơi, hoạt động đa dạng, theo nhu cầu của học sinh để làm sao thu hút được các em tham gia trong giờ ra chơi.

Có những trường không cấm học sinh mang điện thoại đi học nhưng áp dụng theo hình thức, khi vào trường phải nộp cho bảo vệ hoặc giáo viên chủ nhiệm. Cuối mỗi buổi học, các em mới được trả lại điện thoại để sử dụng cho việc liên lạc với gia đình trong việc đón rước (nếu có).

Vấn đề học sinh sử dụng điện thoại trong trường học hiện nay cũng đang là mối quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, như: Anh, Bỉ, Hà Lan, Hungary, Hàn Quốc, Hy Lạp, Đan Mạch, Trung Quốc…

Có thể thấy, chưa năm học nào ghi nhận làn sóng cấm học sinh dùng điện thoại trong giờ học lại bùng nổ mạnh mẽ như năm học 2024 - 2025.

Tại Trung Quốc, theo China Daily, Bộ Giáo dục Trung Quốc cấm học sinh tiểu học và trung học mang điện thoại di động đến trường từ năm 2021. Biện pháp này nhằm bảo vệ thị lực của học sinh, đảm bảo các em tập trung vào học tập và ngăn trẻ em nghiện Internet và các trò chơi điện tử.

Hay như tại Anh, theo trang thông tin Chính phủ Anh, nước này đã ban hành hướng dẫn mới vào tháng 2/2024, khuyến khích các trường học trên toàn quốc cấm sử dụng điện thoại di động suốt cả ngày học, bao gồm cả giờ giải lao.

Các trường học ở Anh nhận thấy việc sử dụng điện thoại di động có thể dẫn đến việc bắt nạt qua mạng và làm gián đoạn lớp học. Khi thực thi hướng dẫn mới, các trường có thể cấm điện thoại khỏi khuôn viên trường, yêu cầu học sinh nộp lại điện thoại khi đến trường hoặc có thể giữ hộ học sinh…

Nhiều quốc gia đã ban hành lệnh hạn chế hoặc cấm sử dụng điện thoại di động trong trường học. (Ảnh: Forbes) 

Cấm, hạn chế hay không cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học đó là bài toán cần lời giải từ sự phối hợp của gia đình - nhà trường - xã hội và ý thức của chính các em học sinh. Trong chương trình giáo dục, cũng nên hướng dẫn học sinh cách sử dụng công nghệ hợp lý, cân đối giữa thời gian học tập, giải trí và nghỉ ngơi, phân tích mặt tích cực và mặt trái của các thiết bị điện tử, giúp các em sử dụng nó có trách nhiệm và hiệu quả, giúp hình thành thói quen tự giác. Đặc biệt, mỗi phụ huynh cần đồng hành với giáo viên một cách thường xuyên trong việc giám sát và định hướng cho con em cách sử dụng công nghệ hiệu quả. Sự nhất quán giữa xã hội, nhà trường và cha mẹ sẽ tạo nên môi trường giáo dục toàn diện, giúp học sinh phát triển cả về kiến thức và kỹ năng sống cần thiết cho tương lai, nhất là thời đại mà công nghệ số đang là xu hướng phát triển tất yếu như hiện nay.

Thiết nghĩ, chúng ta phải có sự đánh giá nghiêm túc, khách quan để có giải pháp phù hợp, khai thác tối đa mặt tích cực mà các thiết bị công nghệ mang lại cho con người. Cùng với đó là tạo thêm nhiều sân chơi bổ ích cho các em phát triển các kỹ năng sống.

“Sử dụng điện thoại để tìm kiếm thông tin phục vụ học tập là tốt, nhưng đừng để điện thoại âm thầm biến học sinh trở thành "tù binh" của mạng xã hội và game. Nhà tù vô hình này có thể chôn vùi tuổi thanh xuân, hoài bão và khát vọng của các em” -  trích trong phát biểu của PGS.TS Vũ Hải Quân (Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) tại lễ khai giảng năm học mới 2024 - 2025 của Trường phổ thông Năng khiếu TP Hồ Chí Minh.

Lời chia sẻ đầy tâm huyết, trách nhiệm của thầy cũng là lời nhắn nhủ chân tình tới các em học sinh và nó thật đáng để mỗi chúng ta phải suy ngẫm. “Đừng để điện thoại âm thầm biến học sinh trở thành "tù binh" của mạng xã hội và game”!

V.Lê

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN