Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xâm phạm hoạt động tư pháp và thẩm quyền điều tra các hành vi xâm phạm

Thứ Tư, 24/02/2021 17:02 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Vừa qua, Tòa soạn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhận được nhiều câu hỏi của bạn đọc xoay quanh nội dung về Tội xâm phạm hoạt động tư pháp; Cơ quan nào có thẩm quyền điều tra các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp?...

Cụ thể, các câu hỏi của bạn đọc nêu rõ: Tội xâm phạm hoạt động tư pháp được hiểu như thế nào và hiện nay, Luật quy định cơ quan nào có thẩm quyền điều tra các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp?

Sau khi nghiên cứu pháp luật hiện hành và tham vấn một số luật sư chuyên nghiên cứu về lĩnh vực trên, chúng tôi xin trả lời như sau:

Bạn đọcTội xâm phạm hoạt động tư pháp được hiểu như thế nào?

Trả lời: Trước đây, tội xâm phạm hoạt động tư pháp rất khó phát hiện và chứng minh, bởi loại tội này có những đặc điểm chung của tội phạm và một số đặc điểm riêng. Do đó việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận và hướng dẫn áp dụng chưa phổ biến lắm. Bộ luật Hình sự năm 2015 ra đời đã đánh dấu một bước tiến quan trọng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm này hiệu quả hơn. Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp được quy định trong Chương XXIV Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017. Qua đó đã được sửa đổi, bổ sung nhiều so với Chương XXII Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Theo Điều 367 Bộ luật Hình sự năm 2015, các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là những hành vi xâm phạm sự đúng đắn của hoạt động tố tụng và thi hành án. Trong đó hoạt động tố tụng là quá trình giải quyết vụ án, vụ việc ở các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính - lao động - kinh doanh thương mại… bao gồm toàn bộ hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, mọi công dân góp phần vào việc giải quyết vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật.

Về dấu hiệu của tội xâm phạm hoạt động tư pháp, có khách thể và chủ thể. Khách thể là các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử) và hoạt động thi hành án được luật hình sự bảo vệ. Còn chủ thể của các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, có thể là chủ thể đặc biệt hoặc chủ thể thường, tuy thuộc vào từng tội phạm cụ thể, bao gồm: các bộ nhân viên của cơ quan tư pháp có nghĩa vụ thực hiện hoạt động tố tụng. Người của các cơ quan, tổ chức bổ trợ tư pháp có trách nhiệm thực hiện các hoạt động bổ trợ tư pháp. Các cá nhân khác có chức vụ, quyền hạn hoặc không có chức vụ, quyền hạn.

Trên thực tế, chủ thể của các tội xâm phạm hoạt động tư pháp phần lớn là chủ thể đặc biệt, là người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan tư pháp hoặc trong cơ quan nhà nước khác, hoặc tổ chức; người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và những người khác có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.

Chủ thể của tội xâm phạm hoạt động tư pháp có thể là người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan nhà nước khác, những người tham gia tố tụng; người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp khác hoặc là bất kỳ người nào có đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

Bạn đọcHiện nay, Luật quy định cơ quan nào có thẩm quyền điều tra các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp?

Trả lời: Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 (Điều 20), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (Điều 163), Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 (Điều 30) quy định Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền điều tra các tội phạm xảy ra trong lĩnh vực hoạt động tư pháp.

Tội phạm xảy ra trong lĩnh vực hoạt động tư pháp cụ thể là: các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc cơ quan điều tra, tòa án, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.

Điều 163 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định về Thẩm quyền điều tra như sau:

Cơ quan điều tra của Công an nhân dân điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.

Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.

Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.

Việc phân cấp thẩm quyền điều tra như sau:

Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự khu vực điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực.

Cơ quan điều tra cấp tỉnh điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp huyện xảy ra trên địa bàn nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phạm tội có tổ chức hoặc có yếu tố nước ngoài nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra.

Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự cấp quân khu hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp khu vực nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra;

Cơ quan điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng điều tra vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại; vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều quốc gia nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra./.

Ban Bạn đọc

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN