Người dân hưởng lợi gì từ hệ thống thông tin quốc gia về đất đai?
(ĐCSVN) - Nhiều bạn đọc hỏi người dân có thể khai thác, sử dụng thông tin gì về giá thửa đất khi Thông tư 56/2024/TT-BTC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2024.
Luật sư Trương Anh Tuấn (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, ngày 31/7/2024, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 56/2024/TT-BTC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2024.
Thông tư này quy định rất chi tiết các mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khi tổ chức, cá nhân muốn khai thác và sử dụng tài liệu đất đai từ Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai, bao gồm giá cụ thể; giá chuyển nhượng trên thị trường; giá thu thập qua điều tra khảo sát; giá theo bảng giá đất; giá theo kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất... Đây được xem là những thông tin hết sức thiết thực mà rất nhiều người dân nên biết để bảo đảm quyền lợi cho bản thân trong các hoạt động kinh doanh, mua bán, cầm cố...
Theo đó, người dân có thể khai thác và sử dụng thông tin về giá thửa đất (giá chuyển nhượng trên thị trường…) với mức phí 10.000 đồng, mức phí để có bản đồ kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện là 1 triệu đồng, hay chỉ cần thanh toán 25.000 đồng là có thể khai thác và sử dụng thông tin về lịch sử biến động của thửa đất (theo hồ sơ đăng ký biến động), chưa bao gồm chi phí vật tư (in kết quả, sao chép dữ liệu), chuyển kết quả của cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai từ Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai cho người nộp phí...
Ảnh minh họa: Chi Lê |
Người nộp phí theo quy định tại Thông tư này là tổ chức, cá nhân yêu cầu khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu đất đai từ Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai theo quy định của pháp luật.
Tổ chức thu phí theo quy định tại Thông tư này là cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai theo quy định tại Khoản 6, Điều 60, Chương IV, Nghị định 101/2024/NĐ-CP ngày 29/7/2024 của Chính phủ quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và Hệ thống thông tin đất đai.
Theo luật sư Tuấn, trường hợp khai thác và sử dụng tài liệu đất đai chưa có trong Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai thì phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai thực hiện theo quy định của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh.
Người dân muốn xem bản đồ quy hoạch sử dụng đất, bản đồ kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu, bản đồ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, bản đồ kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối dạng Vector của cấp huyện là 1 triệu đồng; cấp tỉnh là 2 triệu đồng và mảnh bản đồ vùng kinh tế - xã hội hoặc quốc gia là 4 triệu đồng...
Chia sẻ về nội dung này, Thạc sĩ Đinh Ngọc Đạt (nghiên cứu viên thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết trên đây là mức thu tính cho mảnh bản đồ dạng số Vector (là một dạng cấu trúc dữ liệu đồ họa kỹ thuật số được tạo ra theo thuật toán toán học và có thể mở rộng, kéo giãn, uốn cong vô hạn). Trường hợp mảnh bản đồ dạng ảnh Raster (geoPDF, PDF, geoTIFF, TIFF, EPS, ECW, JPG) thì mức thu tính bằng 50% mức thu mảnh bản đồ Vector cùng tỷ lệ.
Luật sư Tuấn phân tích thêm, trường hợp Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản đề nghị khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu đất đai cho mục đích quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Quốc phòng thì áp dụng mức thu phí bằng 60% mức thu phí tương ứng quy định.
Các đối tượng thuộc diện miễn, giảm phí, lệ phí bao gồm trẻ em, hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và một số đối tượng đặc biệt theo quy định của pháp luật.
Tổ chức thu phí được để lại 70% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí. Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước không được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định 82/2023/NĐ-CP ngày 28/11/2023 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí 2015) thì phải nộp toàn bộ tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.
Trường hợp cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí thì được khấu trừ theo tỷ lệ xác định quy định tại Điều 5, Nghị định 120/2016/NĐ-CP; phần còn lại (nếu có) nộp ngân sách nhà nước./.