Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vùng DTTS và miền núi tỉnh Thanh Hóa đang khởi sắc

Thứ Bảy, 21/09/2024 09:20 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Từ triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn, các chỉ tiêu trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội tại khu vực miền núi của tỉnh Thanh Hóa đã có những thay đổi rõ rệt.

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) tỉnh Thanh Hóa hiện nay có tổng diện tích tự nhiên khoảng gần 8.000km2, chiếm trên 71% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, gồm 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã có xã, thôn miền núi, với 174 xã, thị trấn/1.548 thôn, bản, khu phố. Toàn vùng có 7 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống là: Mường, Kinh, Thái, Mông, Thổ, Dao, Khơ Mú, với tổng số dân khoảng 992.692 người (trong đó người DTTS khoảng 701.039 người, chiếm hơn 18% dân số cả tỉnh và hơn 70% dân số toàn miền núi). Địa bàn sinh sống của các DTTS có nhiều tài nguyên, khoáng sản; điều kiện khí hậu thuận lợi để phát triển nông nghiệp toàn diện, trọng tâm là nghề rừng, chăn nuôi, trồng cây công nghiệp và cây dược liệu. Dọc tuyến biên giới có Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo, cửa khẩu quốc gia Tén Tằn và cửa khẩu Khẹo, là điều kiện thuận lợi để giao lưu, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, làm phong phú thêm nền văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung và của Thanh Hóa nói riêng.

 Người Mông ở xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, Thanh Hóa thu hoạch nông sản.

Trong những năm qua, vùng DTTS&MN dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song với sự lãnh đạo kịp thời, sát sao của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh; sự nỗ lực của các cấp, các ngành và đồng bào các dân tộc trong vùng, tình hình KT-XH, an ninh quốc phòng (QP-AN) vùng DTTS&MN tiếp tục chuyển biến tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc ổn định và từng bước được cải thiện.

Đến nay, 100% các xã, thôn bản trong vùng DTTS&MN đều có điện lưới quốc gia. Công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đã đạt được một số kết quả. Đến đầu tháng 10/2024, khu vực 11 huyện miền núi của tỉnh có 73/163 xã đạt chuẩn NTM, dự kiến đến năm 2025 có 109/163 xã đạt chuẩn NTM. Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 có 17 huyện, thị xã, thành phố trở lên, 88% số xã của tỉnh, 65% số thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM. Công tác phát triển sản phẩm OCOP từ các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của mỗi địa phương theo chuỗi giá trị được quan tâm.

KT-XH trong vùng DTTS&MN đã có bước phát triển; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 6%/năm, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS trong vùng được cải thiện rõ rệt; hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH được đầu tư tăng cường và nâng cấp. Nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, việc làm cho lao động được quan tâm giải quyết; sự nghiệp giáo dục, văn hóa, chăm sóc sức khỏe Nhân dân có chuyển biến tích cực. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được củng cố vững mạnh và hoạt động có hiệu quả; đội ngũ cán bộ là người DTTS được quan tâm đào tạo bồi dưỡng; QP-AN, trật tự an toàn xã hội trong vùng được giữ vững. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo 11 huyện miền núi giảm còn 11,04%; Tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng giảm còn 14,75%. Thu nhập bình quân đầu người của vùng năm 2023 đạt 39,605 triệu đồng, ước năm 2024 đạt 42,62 triệu đồng/người/năm. Từ trong các phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo vệ an ninh Tổ quốc và XDNTM.

Không chỉ dừng lại ở việc nâng cao đời sống vật chất, mà chất lượng đời sống tinh thần của đồng bào cũng ngày càng được chú trọng. Tỷ lệ người dân được tiếp cận với điện lưới quốc gia đạt 100%, cùng với tỷ lệ phổ cập truyền hình, phát thanh, đảm bảo nhu cầu giải trí, nắm bắt thông tin của người dân. Hệ thống y tế cũng đã vươn tới tận các thôn bản xa xôi, với 100% các trạm y tế được xây dựng kiên cố, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cơ bản cho người dân.

Tình hình văn hóa - xã hội vùng miền núi tiếp tục chuyển biến tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của nhân dân ổn định. Công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc được quan tâm. Nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc, tiêu biểu của đồng bào DTTS được phục dựng và bảo tồn, như: Lễ hội Mường Ca Da (Quan Hóa), lễ hội Mường Xia (Quan Sơn), lễ hội Căm Mương, lễ hội Mường Khô (Bá Thước), lễ hội Nàng Han (Thường Xuân), lễ hội Đình Thi (Như Xuân), lễ hội Chá Mùn (Lang Chánh), lễ hội Khai hạ (Cẩm Thủy, Như Xuân), lễ hội Bàn Bù (Ngọc Lặc), lễ hội Cửa Đặt (Thường Xuân), lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy, Sết Bóoc Mạy, lễ hội Phủ Na (Như Thanh), lễ hội đền Phố Cát (Thạch Thành)... Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí được triển khai thực hiện đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc, đẩy lùi, xóa bỏ dần hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh trong cộng đồng.

Khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa có 11 huyện miền núi và 06 huyện, thị xã có xã, thôn miền núi.  

Trong lĩnh vực giáo dục, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường cũng đạt kết quả đáng khích lệ: 99,1% người dân trong độ tuổi từ 15-35 biết chữ, và 95% học sinh trong độ tuổi trung học phổ thông đến trường.

Để vùng đồng bào DTTS&MN Thanh Hóa tiếp tục có những bước phát triển cần tiếp tục tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp giai đoạn 2025 - 2030; các chương trình MTQG và các chính sách dân tộc đang được triển khai thực hiện trên địa bàn. Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không di cư tự do, không truyền đạo trái phép, xóa bỏ các tập quán lạc hậu; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng DTTS&MN.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình MTQG, chương trình phát triển KT-XH khu vực miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025 và các chính sách dân tộc để huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển KT-XH trên địa bàn theo hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và có sức lan tỏa. Đẩy mạnh thu hút nguồn lực từ các vùng khác, các nguồn tài trợ quốc tế có hiệu quả để phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững. Sử dụng hiệu quả chính sách hỗ trợ đối với cây trồng, vật nuôi, chính sách xây dựng mô hình; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, trong đó ưu tiên cho lĩnh vực phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; xây dựng và nhân rộng các mô hình có hiệu quả để Nhân dân học tập và làm theo...

Tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ở khu vực miền núi của tỉnh; đa dạng hóa và phát triển nhanh các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở; gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở những nơi có điều kiện.

Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh Nhân dân, phát huy sức mạnh tại chỗ để sẵn sàng đập tan mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch; tăng cường công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra những “điểm nóng” về an ninh, trật tự xã hội. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả./.

H.Ngọc

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN