Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quan tâm phát triển giáo viên là người dân tộc thiểu số ở Kon Tum

Thứ Ba, 19/11/2024 14:01 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum có đội ngũ giáo viên người dân tộc thiểu số đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên chiếm tỷ lệ khá cao so với mặt bằng chung của tỉnh và cả nước, số lượng đạt trình độ trên chuẩn cũng khá cao.

 Cô giáo Y Thúy - Trường Mầm non Ánh Dương là một tấm gương tiêu biểu trong vượt khó, dạy giỏi tại địa phương.

Thời gian qua, cùng với việc chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo các điều kiện dạy học, ngành giáo dục huyện Kon Rẫy còn quan tâm bồi dưỡng, phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ giáo viên người dân tộc thiểu số (DTTS) yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của địa phương.

Thầy Nguyễn Minh Trí - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Kon Rẫy cho biết, toàn huyện hiện có 543 giáo viên, trong đó có 119 giáo viên người DTTS (chiếm 21,9%). Là địa bàn có đông đồng bào DTTS, xác định đội ngũ giáo viên người DTTS là một trong những nhân tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, ngành giáo dục huyện luôn quan tâm hỗ trợ, phát triển đội ngũ giáo viên người DTTS đảm bảo về chất lượng và số lượng, đáp ứng việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Đến nay, huyện Kon Rẫy có đội ngũ giáo viên người DTTS đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên chiếm tỷ lệ khá cao so với mặt bằng chung của tỉnh và cả nước, số lượng đạt trình độ trên chuẩn cũng khá cao. Trong đó, giáo viên DTTS đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên có 111/119 (chiếm tỷ lệ 93,3%); đạt trình độ trên chuẩn có 35/119 (chiếm tỷ lệ 29,4%); chưa đạt chuẩn 8/119 (chiếm tỷ lệ 6,7%).

Tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ văn - Công dân tại Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum năm 2005, sau khi ra trường, cô giáo Klem (dân tộc Ba Na, sinh năm 1985) được phân công về công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Đăk Pne (xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy). Sau thời gian dài cống hiến, gắn bó với cơ sở, năm 2016, cô được luân chuyển về Trường THCS Đăk Rve (thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy). Với sự quan tâm của đội ngũ lãnh đạo, động viên giúp đỡ của cán bộ, giáo viên nhà trường, cô Klem hết lòng cống hiến và giáo dục học sinh bằng tình thương yêu, sự tâm huyết với nghề, góp phần vào thành tích giáo dục chung của nhà trường.

 Cô giáo Klem -Trường THCS Đăk Rve luôn được nhà trường quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Cô Klem chia sẻ: “Tuổi thơ của tôi gắn liền với ruộng đồng, cái rẫy, với bà con DTTS nên rất hiểu rõ những khó khăn, thiếu thốn của các em nhỏ tại thôn, làng, đặc biệt là việc đến trường để học chữ. Là người DTTS, tôi thấu hiểu với bà con nên chọn nghề giáo để có thể góp phần nhỏ bé của mình giúp các em nhỏ, nhất là các em người DTTS theo đuổi việc học tập để lĩnh hội kiến thức, trở thành công dân có ích sau này”.

Theo cô Hồ Thị Phương Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Đăk Rve, cô Klem là giáo viên dạy giỏi cấp huyện nhiều năm liền, là tấm gương giáo viên DTTS vượt khó, dạy giỏi tại trường, nhiệt tình, tâm huyết với nghề. Ngoài dạy môn Văn và Giáo dục công dân, cô Klem còn làm công tác bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Văn lớp 9, đạt nhiều giải cao cấp tỉnh và huyện.

“Toàn trường có 496 học sinh với 13 lớp (trong đó học sinh DTTS chiếm hơn 67%). Các giáo viên người DTTS tại trường am hiểu về ngôn ngữ, phong tục tập quán của đồng bào DTTS nên rất thuận lợi trong công tác dạy và học, nhất là đối với các em DTTS. Nhà trường luôn tạo điều kiện hết sức cho giáo viên DTTS trong mọi mặt đời sống, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để góp phần cùng trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao qua các năm”- cô Hồ Thị Phương Hồng cho biết thêm.

Trường Mầm non Ánh Dương (thôn 9, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy) là một trong những trường có số lượng giáo viên người DTTS cao trên địa bàn huyện với  9/34 giáo viên là người DTTS (trong đó 100% đạt chuẩn trình độ đào tạo, gần 90% đạt trình độ trên chuẩn).

HT

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN