Vĩnh Phúc: Diện mạo mới sau 5 năm thực hiện Chương trình 135
(ĐCSVN) – Hơn 5,5 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất, 29 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng từ Chương trình 135, tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2011-2015. Tính đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã có điều kiện khó khăn là 7,7%; tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số là 21,09%, bình quân mỗi năm giảm hơn 2%.
Trong giai đoạn 2011-2015, Chương trình 135 đã hỗ trợ 2,9 tỉ đồng thực hiện đầu tư xây dựng 67 công trình tại các vùng ĐBKK gồm: 57 công trình giao thông nông thôn, 3 trường học, 1 công trình cải tạo trụ sở UBND xã. Đến nay, 100% các thôn ĐBKK của tỉnh Vĩnh Phúc đã có đường giao thông cho xe cơ giới đi được đến trung tâm xã; 100% các xã có công trình thủy lợi đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất; 100% các xã có đủ trường, lớp học, trạm y tế đạt chuẩn theo quy định; 100% hộ dân các xã, thôn ĐBKK được sử dụng điện sinh hoạt… Các dự án hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần tăng cường cơ sở hạ tầng, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn, giúp nhân dân giảm bớt khó khăn, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, phát triển sản xuất, kinh doanh, giao lưu buôn bán… Để đẩy mạnh đầu tư cho các xã, thôn ĐBKK, giúp các xã sớm hoàn thành mục tiêu của chương trình, ngoài nguồn vốn đầu tư hỗ trợ theo Chương trình 135, hàng năm, UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo khác, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình hỗ trợ phát triển hạ tầng tại các xã nghèo, các chương trình về kiên cố hóa kênh mương và đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Nếu các dự án hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng mang lại một diện mạo mới cho các xã, thôn, thì các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất lại là cơ sở để nâng cao đời sống của bà con. Trong giai đoạn 2011-2015, từ nguồn vốn Chương trình 135, các xã, thôn ĐBKK của tỉnh Vĩnh Phúc được hỗ trợ hơn 5,5 tỷ đồng để triển khai các hoạt động hỗ trợ sản xuất gồm hỗ trợ 83.690 kg giống lúa các loại; 395 kg ngô giống; 137.943 kg phân bón các loại; hỗ trợ mua 12 máy tuốt lúa công nghiệp; 14 máy phun thuốc trừ sâu công nghiệp, 450 bình phun loại nhỏ cho các hộ dân…. Hàng năm, tỉnh mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ về chăn nuôi và sản xuất cho hàng nghìn hộ dân tại các xã, thôn ĐBKK, đồng thời, tổ chức nhiều chương trình thăm quan học tập, trao đổi kinh nghiệm; tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện các mô hình trình diễn lúa giống, ngô giống, mô hình chăn nuôi gà thả vườn… Qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng, tập quán, năng lực sản xuất của bà con tại các xã, thôn ĐBKK dần thay đổi và ngày càng nâng cao, bà con biết áp dụng nhiều mô hình, phương pháp, kỹ thuật canh tác mới, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm đến công tác nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở và cộng đồng tại các xã, thôn 135. Hàng năm, tỉnh tổ chức hàng chục lớp tập huấn, bồi dưỡng nhằm cập nhật, nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ cơ sở về kỹ năng quản lý, điều hành; các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; các kiến thức về phát triển sản xuất; các mô hình kinh tế; kỹ năng phổ biến và tuyên truyền giáo dục pháp luật; tổ chức các đoàn đi tập huấn, học tập trao đổi kinh nghiệp tại các tỉnh.
Với những kết quả trên, đến năm 2013, tỉnh Vĩnh Phúc chỉ còn xã Yên Dương và 7 thôn của 2 xã Đạo Trù, Bồ Lý thuộc diện ĐBKK và đến hết năm 2015, xã và các thôn trên đã cơ bản hoàn thành mục tiêu của Chương trình 135 giai đoạn 2011-2015; UBND tỉnh đã đề nghị Chính phủ, Ủy ban Dân tộc xem xét, phê duyệt các xã, thôn hoàn thành mục tiêu của Chương trình. Đời sống về vật chất và tinh thần của bà con các xã, thôn ĐBKK có những chuyển biến đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22,4% xuống còn 7,7%; sản lượng lương thực bình quân đầu người của bà con được đảm bảo; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng sản xuất nông nghiệp kết hợp với phát triển du lịch, dịch vụ và sản xuất hàng hóa; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 4,5 triệu đồng/năm (năm 2011) lên 11,9 triệu đồng/năm (năm 2015).
Có thể khẳng định, trong 5 năm thực hiện Chương trình 135, tỉnh Vĩnh Phúc đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát huy dân chủ ở cơ sở, giải quyết tốt, kịp thời những bức xúc của nhân dân và tạo niềm tin cho nhân dân.
Bên cạnh đó, nhờ tập trung nguồn lực đầu tư cho vùng dân tộc và miền núi, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng nên phát triển sản xuất ổn định và bền vững. Tỉnh cũng chủ động bố trí vốn từ ngân sách và bố trí lồng ghép các chương trình khác để tập trung đầu tư phát triển kinh tế xã hội các xã, thôn ĐBKK; phát huy được sức mạnh tổng hợp và lồng ghép có hiệu quả các dự án nhằm giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội bền vững vùng dân tộc và miền núi./.