Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vĩnh Phúc: Dịch vụ tài chính, ngân hàng phát triển mạnh mẽ sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 01

Thứ Bảy, 11/12/2021 11:26 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về phát triển dịch vụ, du lịch giai đoạn 2011-2020, hoạt động dịch vụ tài chính – ngân hàng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cơ bản đáp ứng nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế, góp phần phát triển thị trường tài chính, bảo đảm sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ảnh minh họa (Nguồn: X.T) 

Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 28 chi nhánh ngân hàng cấp 1, tăng 9 chi nhánh so với năm 2011; 1 tổ chức tài chính vi mô; 9 chi nhánh ngân hàng nông nghiệp huyện, 98 phòng giao dịch trực thuộc và ngân hàng thương mại; 31 quỹ tín dụng nhân dân và 136 điểm giao dịch của ngân hàng chính sách xã hội. Riêng ngân hàng nông nghiệp có thêm dịch vụ xe ô tô chuyên dụng hoạt động tại 8 điểm giao dịch lưu động ở các xã miền núi thuộc địa bàn huyện Sông Lô. Ngoài những vị trí kinh doanh thuận lợi, các phòng giao dịch và điểm giao dịch của tổ chức tín dụng được sắp xếp đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc để phục vụ và đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân cũng như nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương.

Giai đoạn 2011-2020, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, đa dạng hóa và đẩy mạnh sử dụng các phương tiện, gia tăng dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, phù hợp với các chuẩn mực thông lệ và quốc tế; tăng cường hoạt động bảo đảm an ninh, an toàn đối với hệ thống thanh toán; thực hiện giao dịch một cửa tạo thuận lợi cho khách hàng đến giao dịch. Từ năm 2011 đến năm 2020, nguồn vốn huy động trên địa bàn tăng trưởng cao và ổn định với mức tăng bình quân 21,6%/năm. Trong đó, tăng trưởng tín dụng bình quân toàn địa bàn đạt 14,5%/năm.

Mức tăng trưởng hằng năm hầu hết đều cao hơn mức tăng trưởng tín dụng của cả nước. Riêng năm 2020, mặc dù trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội, mức tăng trưởng tín dụng vẫn đạt trên 12.8%. Trong cơ cấu kỳ hạn dư nợ cho vay, dư nợ tín dụng trung-dài hạn tăng trưởng bình quân trên 8,3%/năm. Tín dụng tập trung chủ yếu vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư phát triển với khoảng 86% tổng dư nợ; lĩnh vực phi sản xuất, lĩnh vực tiêu dùng và lĩnh vực bất động sản luôn ở mức an toàn, dưới 12% tổng dư nợ.

Cùng với đó, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Trong giai đoạn 2021-2020, hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin; hệ thống thành toán điện tử liên ngân hàng được đổi mới về mô hình và gia tăng các dịch vụ thanh toán, quyết toàn mới; thanh toán qua điện thoại di động và lnternet phát triển mạnh. Hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã tăng cường đầu tư công nghệ thông tin để phát triển các sản phẩm online, đưa ra nhiều gói sản phẩm, dịch vụ mới hiện đại và tiện dụng cung cấp cho nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng. Hầu hết các dịch vụ được tự động hóa, sử dụng công nghệ có tính an toàn, bảo mật cao để cung ứng đến khách hàng.

Đồng thời, các quy trình giao dịch với khách hàng không ngừng được cải tiến, hoàn thiện, vừa bảo đảm tiết giảm chi phi cho cả khách hàng và tổ chức tín dụng, vừa rút ngắn thời gian giao dịch. Hầu hết các ngân hàng đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến, giải pháp mới vào hoạt động thanh toán nhằm tăng tốc độ thanh toán, tăng cường an toàn, gia tăng trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng như: xác thực sinh trắc học; thanh toán trên nền mã phản hồi nhanh (QR code); thanh toán phi tiếp xúc; thanh toán trên thiết bị di động... Đến nay, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho thanh toán thẻ được nâng cấp, cải thiện chất lượng, tập trung phát triển. Toàn tỉnh có 230 máy ATM, 840 POS được lắp đặt tại các cơ sở, chuỗi phân phối, bản lẻ, nhà hàng, khách sạn, các điểm du lịch, vui chơi, giải trí, các cơ y tế, bệnh viện, trường học...

Sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ tài chính - ngân hàng đã tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển các dịch vụ tài chính, nâng cao chất lượng các sản phẩm như: bảo hiểm nhân thọ; tư vấn và cho thuê tài chính; bảo hiểm y tế; bảo hiểm nông nghiệp; tư vấn và bảo lãnh trái phiếu, cổ phiếu; dịch vụ trên thị trường chứng khoán, bất động sản. Từ đó, góp phần phát triển thị trường tài chính và bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn vừa qua.

N.Y

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN