Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong cải cách quản lý tài chính công
(ĐCSVN) - 10 năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong cải cách quản lý tài chính công và có bước tiến tốt, khá toàn diện, kỷ cương tài khóa được tăng cường, dẫn đến giảm được nợ công; quản lý ngân sách quỹ được cải thiện nhờ có thông tin tốt hơn về cam kết chi, minh bạch ngân sách...
Hình ảnh tại Hội nghị (Ảnh: M.P) |
Đó là đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng tại Hội nghị công bố Báo cáo đánh giá chi tiêu công và trách nhiệm giải trình tài chính (PEFA) của Việt Nam do Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hôm nay (24/6) tại Hà Nội.
PEFA là khung đo lường hiệu quả hoạt động để đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của hệ thống quản lý tài chính công, hỗ trợ quốc gia phát triển bền vững.
Đây là lần thứ hai Bộ Tài chính Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan trung ương và một số địa phương thực hiện báo cáo này, với sự giúp đỡ, đồng hành về kỹ thuật và tài chính của Ban Thư ký PEFA, Chính phủ Thụy Sỹ, Chính phủ Canada và Ngân hàng Thế giới trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ tư vấn và phân tích quản lý tài chính công tại Việt Nam.
Báo cáo PEFA lần đầu được thực hiện vào năm 2011 và công bố vào tháng 7/2013. Từ những vấn đề phát hiện và khuyến nghị cải cách nêu tại báo cáo PEFA 2011, hoạt động cải cách quản lý tài chính công của Việt Nam trong hơn 10 năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt là về cải cách thể chế, với việc ban hành đồng bộ hệ thống các văn bản quản lý tài chính công; quy trình quản lý tài chính công ngày càng công khai, minh bạch; cơ sở dữ liệu, thông tin về tài chính - NSNN cũng kịp thời và đầy đủ hơn.
Báo cáo PEFA lần này bắt đầu được triển khai từ tháng 2/2021 và hoàn thành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 1/2024, dựa theo tiêu chuẩn đánh giá PEFA 2016. Theo đó, tiêu chuẩn dựa theo 7 trụ cột về độ tin cậy của ngân sách, minh bạch về tài chính công, quản lý tài sản có tài sản nợ, lập ngân sách và chiến lược tài khóa dựa trên chính sách, khả năng tiên liệu và kiểm soát tình hình thực hiện ngân sách, kế toán và báo cáo, kiểm toán và giám sát với 31 chỉ số và 94 nội dung đánh giá.
Trong 31 chỉ số đánh giá PEFA, Việt Nam đạt 4 điểm A, 8 điểm B và B+, 8 điểm C+, 11 điểm D và D+. So với các quốc gia trong khu vực tham gia đánh giá theo khung của PEFA năm 2016 thì Việt Nam đã có điểm A và điểm B+ ở mức cao (11/31) chỉ số, xếp sau Mông Cổ, Indonesia, Philippines và xếp trước Myanmar, Campuchia, Đông Timor và Lào.
Bà Alma Kanani, Giám đốc Khối Quản trị Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Ngân hàng Thế giới) cho biết, quá trình đánh giá được thực hiện qua rất nhiều vòng và đã nhận được các ý kiến đầu vào quan trọng từ Ngân hàng Thế giới, Liên minh châu Âu... Báo cáo cho thấy những tiến bộ đáng kể đã đạt được về thể chế quản lý tài chính công và các hệ thống quản lý tài chính công giúp Chính phủ Việt Nam đạt được kỷ luật tài chính lành mạnh và việc thực hiện ngân sách đã được kiểm soát chặt chẽ với phần lớn các khoản chi được cam kết và thẩm tra trước khi thanh toán. Cùng với đó, hệ thống kiểm soát nội bộ về tiền lương và chi ngoài lương cũng rất mạnh mẽ, giúp Việt Nam giảm được nợ đọng chi tiêu và nợ công được quản lý thận trọng với tỉ lệ nợ trên GDP rất là thấp.
Thứ trưởng Bùi Văn Khắng cho biết, kết quả trên cho thấy Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong cải cách quản lý tài chính công trong 10 năm qua và có bước tiến tốt, khá toàn diện, tăng cường kỷ cương tài khóa dẫn đến giảm được nợ công, cải thiện về quản lý ngân sách quỹ nhờ có thông tin tốt hơn về cam kết chi, minh bạch ngân sách được tăng cường thông qua cải thiện về khả năng tiếp cận thông tin tài khóa. Phạm vi ngân sách được xác định một cách toàn diện, đầy đủ theo thông lệ quốc tế; tăng cường quản lý ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách theo các công cụ quản lý tài chính công hiện đại.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm yếu trong quản lý tài chính công hiện nay, đó là thu chi ngoài ngân sách trung ương còn ở mức cao; theo dõi rủi ro tài khóa trong khu vực công còn yếu, nhất là liên quan đến các nghĩa vụ dự phòng và hợp tác công tư, kế hoạch tài chính trung hạn chưa thực sự tạo ra gắn kết giữa chính sách, kế hoạch và ngân sách; dự toán ngân sách được phân bổ và giao cho các đơn vị chi tiêu còn dựa trên dòng mục hoặc nhiệm vụ chi, chưa hỗ trợ so sánh về đầu ra kết quả thực hiện nhiệm vụ với nguồn lực nhận…
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Khắng, các tồn tại, hạn chế này cần tiếp tục được xử lý trong thời gian tới nhằm tăng cường quản lý tài chính công minh bạch thông qua việc cải thiện xây dựng kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước ba năm để đảm bảo tính tin cậy và khả năng tiên liệu của dự toán ngân sách, tăng cường minh bạch về tài chính công theo hướng cung cấp các thông tin tài khóa theo chuẩn mực thống kê tài chính Chính phủ.
Cùng với đó, báo cáo quản lý rủi ro tài khóa cần được cập nhật hàng năm và sử dụng để làm căn cứ lập thành kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước trung hạn cũng như dự toán ngân sách nhà nước năm.
Với các điểm mạnh, điểm yếu trong quản lý tài chính công rút ra trong báo cáo PEFA lần này, bám sát mục tiêu, định hướng tăng cường quản lý tài chính hiệu quả, minh bạch, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương nghiên cứu các vấn đề đã được chỉ ra tại báo cáo đánh giá PEFA lần này của Việt Nam.
Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để khắc phục trong quá trình cải cách quản lý tài chính công nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực, đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hệ số tín nhiệm quốc gia, cải thiện hơn nữa môi trường sản xuất kinh doanh, đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng bền vững tại Việt Nam.
Việt Nam đã thực hiện đánh giá PEFA cấp quốc gia lần đầu tiên vào năm 2011 và công bố vào tháng 7/2013. Từ những khuyến nghị tại Báo cáo PEFA năm 2011, trong hơn 10 năm qua, hoạt động cải cách quản lý tài chính công của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt là về cải cách thể chế với việc ban hành đồng bộ hệ thống các văn bản quản lý tài chính công như: Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý nợ công, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, các Luật thuế, Luật Quản lý thuế, Luật Đầu tư công…/.