Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn của phụ nữ dân tộc thiểu số ở Hoàng Su Phì
(ĐCSVN) - Sáng kiến “Ống tiết kiệm 3 sạch” là cách làm sáng tạo, phù hợp để những người phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Hoàng Su Phì đóng góp, chia sẻ cùng chồng trong những nỗ lực nhằm vun đắp cho tổ ấm gia đình. Từ đó, cải thiện được hình ảnh, vị thế của mình với chồng, với gia đình.
Giữa tháng 8/2023, gia đình chị Lù Thị Rích ở thôn Văng Sai, xã Nàng Đôn, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang rất phấn khởi đón 16 chị em trong Chị hội phụ nữ thôn tới giúp thực hiện phần việc láng bó nền nhà.
Điều đáng nói là số tiền 3,2 triệu đồng để thực hiện phần việc bó láng nền nhà là từ "Ống tiết kiệm 3 sạch" do chị em tự nguyện đóng góp.
Tương tự, gia đình chị Nùng Thị Tráng, thành viên Hội LHPN xã Sán Sả Hồ cũng thực hiện láng bó sân nhà từ “Ống tiết kiệm 3 sạch”.
Chị em phụ nữ thôn Nhìu Sang, xã Bản Nhùng, huyện Hoàng Su Phì giúp láng bó nền nhà cho gia đình chị Vàng Thị Phương |
Mô hình “Ống tiết kiệm 3 sạch” là sáng kiến của Hội LHPN huyện Hoàng Su Phì và các chị em ở thôn Cóc Cọp, xã Sán Sả Hồ. Mô hình được triển khai từ năm 2021 với 12 thành viên tham gia. Hình thức hoạt động là hàng tháng, các thành viên trong nhóm sẽ thỏa thuận bỏ một số tiền nhất định vào ống tiết kiệm. Sau đó, các thành viên luân phiên nhận số tiền tiết kiệm đó để mua sắm các vật dụng trong gia đình như tủ quần áo, chạn bát… hoặc bó láng nền bếp, ngõ vào nhà…
Ngoài đóng góp bằng tiền mặt, các thành viên trong nhóm còn đóng góp bằng ngày công để giúp nhau thực hiện các phần việc “to tát” hơn như đổ bê tông đường nhánh vào nhà, bó láng sân, gầm sàn… cho các thành viên trong nhóm.
Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng các việc “to tát” đó thuộc trách nhiệm của đàn ông trong nhà. Nay, trách nhiệm đó đã được san sẻ bởi những người phụ nữ thì đàn ông cũng cởi bỏ được rất nhiều áp lực. Chúng tôi đánh giá rất cao sáng kiến và việc làm này của chị em phụ nữ. Thực sự phải “nhìn” phụ nữ với ánh mắt khác - ông Lù Văn Kinh, ở xã Nàng Đôn chia sẻ.
Đến nay, mô hình này đã nhân rộng ra các xã trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì. Mức đóng góp cũng rất linh hoạt, do các thành viên trong nhóm tự thỏa thuận và thống nhất với nhau, thường dao động trong mức từ 200.000 - 500.000 đồng/người/tháng.
Mỗi tháng một thành viên trong nhóm sẽ nhận khoản tiền tiết kiệm của cả nhóm để sửa sang nhà cửa, xây nhà tắm, nhà vệ sinh, làm đường nhánh vào nhà, sửa chữa chuồng trại gia súc… nhằm thực hiện cuộc vận động “5 không, 3 sạch” của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Hoàng Su Phì là huyện miền núi, biên giới, địa hình chủ yếu là đồi núi trên thượng nguồn sông Chảy. Huyện có 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, đông nhất là dân tộc Nùng, chiếm hơn 38,8%, Dao 21,8%, Mông 13% và các dân tộc khác.
Nhìn chung, đời sống của nhân dân các dân tộc huyện Hoàng Su Phì còn gặp nhiều khó khăn. Do điều kiện kinh tế còn thiếu thốn nên việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị sinh hoạt trong nhà hoặc trong khu vực bếp núc có phần hạn chế. Nhiều gia đình chưa có điều kiện để cải tạo ngoại cảnh khu vực nhà ở hoặc gầm sàn, xây các công trình phụ để cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Với suy nghĩ rằng những công việc nhằm chăm lo xây dựng gia đình không hoàn toàn thuộc về trách nhiệm của người đàn ông mà rất cần đến vai trò của người phụ nữ nên sáng kiến “Ống tiết kiệm 3 sạch” không chỉ tăng cường mối quan hệ gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau về mặt kinh phí để mua sắm các vật dụng thiết yếu trong gia đình, tạo thuận lợi trong việc chỉnh trang nhà ở của những người phụ nữ mà còn là cách để chị em đóng góp chia sẻ cùng chồng trong nỗ lực vun đắp cho tổ ấm gia đình. Từ đó, người phụ nữ cải thiện được hình ảnh, vị thế, vai trò của mình với chồng, với gia đình.
Sau 3 năm triển khai mô hình “Ống tiết kiệm 3 sạch” (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ), Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hoàng Su Phì đã thành lập được 70 ống tiết kiệm, tổng số tiền tiết kiệm được trên 270 triệu đồng. Tiêu biểu có xã Thông Nguyên nhân rộng 7 ống tiết kiệm, xã Sán Sả Hồ 6 ống, xã Thàng Tín 6 ống.
Việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, “Ống tiết kiệm 3 sạch” đã góp phần củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa vợ, chồng trong mọi lĩnh vực của đời sống gia đình. Đó cũng là cách làm sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế của những người phụ nữ dân tộc thiểu số ở Hoàng Su Phì trong việc hiện thực hoá mục tiêu bình đẳng giới đã được ghi nhận trong Luật Bình đẳng giới nước ta./.